Số phận bi đát của những người sập bẫy lừa đa cấp: Nguy cơ mất nhà tuổi xế chiều

Hoàng Sa
31/07/2023 - 07:45
Số phận bi đát của những người sập bẫy lừa đa cấp: Nguy cơ mất nhà tuổi xế chiều

Ở tuổi 85, bà Nguyễn Thị Nam và gia đình gần 20 người đứng trước nguy cơ phải ra đường vì mất nhà.

Chỉ vì tin theo Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy, vợ chồng bà Nguyễn Thị Nam ở Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội) bị một nhóm đối tượng lừa mất cả căn nhà. Giờ đây, ở tuổi ngoài 80, 18 người trong ông bà đứng trước nguy cơ tay trắng. Ngoài vợ chồng bà Nam, còn rất nhiều các hộ gia đình khác chung số phận...

Mất nhà, mang nợ vì tin theo đa cấp

Bà Nguyễn Thị Nam (84 tuổi, trú tại số 119, tổ 24, phường Thượng Thanh, quận Long Biên) cho biết, gia đình bà có diện tích đất 255 m2 do cha ông để lại. Hiện ông bà có 18 người con và cháu chia làm 4 hộ gia đình sinh sống trên diện tích đất này. Ông Nguyễn Ngọc Doanh chồng bà Nam đã 86 tuổi, bà Nam 85 tuổi. Các con và cháu ông bà hoàn cảnh cũng rất khó khăn.

Tháng 3 năm 2015 có một số người chào mời bà mua mã sức khỏe ở công ty là chi nhánh của Thiên Ngọc Minh Uy. Họ hứa hẹn với bà, mỗi mã chăm sóc sức khỏe có giá 11,7 triệu đồng. Bà Nam được vay 1,2 tỷ mua 100 mã sức khỏe.

Sau khi mua bà sẽ được chăm sóc sức khỏe tại công ty. Chưa hết, sau 3 năm bà sẽ nhận được khoản tiền là 4,1 tỷ đồng. Vừa được chăm sóc sức khỏe lại vừa nhận được khoản tiền với "lãi suất không tưởng" nên 2 ông bà ở tuổi 90 dễ bị thuyết phục.

Tuy nhiên bà Nam tuổi đã cao không có tiền tiết kiệm, các con bà cũng chỉ làm đủ ăn không dư giả để lo cho bố mẹ. Thấy vậy, một số cá nhân đã hứa hẹn cho bà vay 1,2 tỷ đồng mua mã chăm sóc sức khỏe. Tin lời họ, bà đã vay và từ đó vướng vào rắc rối pháp lý dẫn đến việc ngân hàng phát mại toàn bộ nhà đất. 18 người trong gia đình đang đứng trước nguy cơ không có chỗ ở. 

Số phận bi đát của những người sập bẫy lừa đa cấp: Nguy cơ mất nhà ở tuổi xế chiều - Ảnh 1.

Bà Nam (bên phải) và bà Bắc đã nhiều năm chạy vạy kêu oan

Hoàn cảnh nhà bà Nguyễn Thị Bắc 70 tuổi (ngách 255/3 phố Thanh Am, phường Thượng Thanh, Long Biên) còn bi đát hơn. Sau khi vay số tiền 600 ngàn đồng, vợ chồng bà Bắc cũng mua mã sức khỏe. Từ thời điểm năm 2016, khi biết mình bị lừa, 2 vợ chồng bà đã đi khắp nơi tố cáo, khiếu nại. Trong lúc đó Ngân hàng tiếp tục thúc giục đòi số nợ mà họ chưa từng cho gia đình bà vay. Ngân hàng yêu cầu gia đình bà phải rời khỏi nhà để thu hồi tài sản. Sau đó ngân hàng khởi kiện, là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vợ chồng bà nhiều lần phải đi hầu tòa.

Lo nghĩ, uất ức, mệt mỏi, từ một trưởng khoa Đông y của bệnh viện về hưu, năm 2018 ông Lê Xuân Lộc chồng bà đổ bệnh. Gia đình xúm vào chạy chữa nhiều năm, ông Lộc vẫn không có khả năng phục hồi. Thời điểm hiện tại ông trở thành bệnh nhân tâm thần không tự phục vụ được sinh hoạt hàng ngày.

Số phận bi đát của những người sập bẫy lừa đa cấp: Nguy cơ mất nhà ở tuổi xế chiều - Ảnh 2.

Bà Bắc hàng ngày phải chăm sóc người chồng vì lo lắng đã thành bệnh.

Đến bữa vợ và con phải bón cơm, việc tắm giặt cũng phải có người hỗ trợ. Bà Bắc vừa phải lo chạy vạy mỗi khi tòa gọi, vừa đi khiếu nại khắp nơi vừa lo chăm chồng bệnh tật.

Một trường hợp khác là vợ chồng bà Trương Thị Bản cũng bị lừa vay số tiền 300 triệu đồng sau đó mua mã sức khỏe. Lúc công ty vỡ nợ chạy trốn cũng là lúc bà biết mình bị lừa mất sổ đỏ. Nhà đất của bà giờ đã chuyển sang tên người khác. Cùng với những người có tình cảnh tương tự, vợ chồng bà Bản cũng tham gia hành trình kêu oan.

Uất ức và lo nghĩ nhiều vì nguy cơ mất trắng cả nhà đất, mệt mỏi sau những lần đi khiếu nại kêu oan, ông Đỗ Ngọc Sơn chồng bà Bản đã mắc bệnh trầm cảm. Vốn là một công nhân của nhà máy diêm Long Biên, ở tuổi 60 ông Sơn bắt đầu nói lảm nhảm về vụ án oan của nhà mình và thường xuyên đi lang thang. Cũng lo lắng chạy vạy để kêu oan, bà Bản không biết chồng mình bệnh mỗi ngày một nặng dần. Năm 2019 ông Sơn ra khỏi nhà và không trở về. Vài ngày sau người dân vớt được xác ông dưới sông Đuống.

Tòa án vẫn gọi, mẹ con bà Bản vừa đi hầu tòa vừa làm ma chồng. Đến nay, ông Sơn chết đã được hơn 3 năm tuy nhiên mẹ con bà vẫn chưa thoát khỏi vòng kiện tụng. Bà Bản nghẹn ngào: Chồng tôi cũng vì bị lừa đảo mà đổ bệnh rồi chết trong oan khuất. Tôi chỉ mong giữ được mảnh đất để có chỗ hương khói ông ấy. 

Xem thêm Clip cụ bà Nguyễn Thị Nam bị lừa đảo chiếm đoạt mất căn nhà 

Dàn dựng những "cú lừa" tiền tỷ?

Biết ông bà Nam cần tiền mua mã sức khỏe, theo bà Nam kể, một người tên là Nguyễn Thị Tặng trú tại ngõ 92 tổ 22 phường Đức Giang, Long Biên liền gợi ý sẽ giới thiệu ông bà đến ngân hàng vay tiền với lãi suất 0,7% mỗi tháng. Họ sẽ lo toàn bộ thủ tục, ông bà chỉ cần ký giấy vay và làm một bản hợp đồng "chuyển nhượng có thời hạn" nhà đất cho họ. Hợp đồng có thời hạn 3 năm. Trong hợp đồng công ty cam kết "việc chuyển nhượng chỉ là hình thức không phải là thật nhằm mục đích cho vay tiền".

Ngày 3/3/2015 một người giới thiệu tên là Phương và một phụ nữ tên Liên, đánh ô tô đến đón vợ chồng bà Nam sang nội thành Hà Nội. Sau gần 1 ngày đi lại lòng vòng, họ đưa ông bà đến một căn nhà ở đường Võ Thị Sáu, Hà Nội ngồi đợi. 20h tối ông bà thấy có người đến đem theo một tập giấy tờ. Chờ đợi mệt mỏi và muốn được việc nên ông bà không đọc hết nội dung cứ họ chỉ vào đâu thì ký và điểm chỉ vào đó.

Xong xuôi họ đưa cho ông bà số tiền 1,2 tỷ đồng. Nhưng cũng ngay trong tối hôm đó nhóm ông Phương lại đưa ông bà đến công ty Thiên Ngọc Minh Uy, Chi nhánh Thiên Phúc tại số 11 tổ 22 cầu Đuống (Long Biên, Hà Nội). Tại đây vợ chồng bà Nam mua 100 mã sức khỏe với số tiền 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra vợ chồng bà phải trả cho ông Phương bà Liên 12 triệu đồng gọi là tiền làm thủ tục.

Thời gian sau đó một người tên Đỗ Thị Trang tự giới thiệu là người của nhóm ông Phương, bà Liên đều đặn cứ 3 tháng một lần đến thu tiền lãi là 21 triệu đồng. Không có tiền, vợ chồng bà Nam phải đi vay mượn để đóng tiền lãi. Sau 3 quý vợ chồng bà Nam đã phải trả lãi 63 triệu đồng.

Tuy nhiên, một thời gian sau một người đến nhà bà Nam xưng là cán bộ ngân hàng cho gia đình bà biết mảnh đất mà gia đình bà đang ở đã được sang tên cho một người có tên là Nguyễn Tuấn Anh, người này đã thế chấp tại ngân hàng BIDV Chi nhánh Bắc Hà Nội để vay số tiền là 8 tỷ đồng và đến nay người này không có khả năng thanh toán. Ngân hàng sẽ tổ chức bán đấu giá mảnh đất của ông bà Nam để thu hồi nợ.

Bà Nam gọi điện cho Trang yêu cầu trả lại sổ đỏ. Thế nhưng Trang khẳng định hợp đồng vẫn đang được thực hiện đúng cam kết. Trang cũng yêu cầu ông bà "không được làm ầm ĩ" nếu không sẽ bị coi là phá hợp đồng và bị phạt tiền.

Thời gian sau đó bà Nam tiếp tục liên lạc với Trang để lấy lại sổ đỏ nhưng không liên lạc được nữa.

Nhiều người chung cảnh ngộ như vợ chồng bà Nam

Tương tự như vợ chồng bà Nam, vợ chồng bà Nguyễn Thị Bắc cũng được mời chào mua mã sức khỏe với lãi suất hứa hẹn rất cao. Ngày 26/2/2015 vợ chồng bà được một người tự xưng tên là Phương đánh ô tô đến đón đi vay 600 triệu đồng. Bà Bắc cũng phải giao sổ đỏ để làm hợp đồng "chuyển nhượng có thời hạn" và sau đó đến phòng Công chứng ký giấy tờ.

Sau khi vay vợ chồng bà Bắc đầu tư mua mã sức khỏe của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy.

Tháng 8/2016, ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Tràng An báo cho bà biết nhà đất bà đã được một người tên là Trương Phi Cường thế chấp để vay số tiền 3,7 tỷ đồng. Hiện người này không có khả năng trả nợ, ngân hàng khởi kiện yêu cầu tòa án phát mại tài sản để thu hồi nợ. Bà Bắc không đồng ý.

Thống kê sơ bộ tại khu vực Long Biên đã có hơn 30 trường hợp bị lừa đảo mất sổ đỏ. 7 năm qua các hộ dân này liên tục làm đơn tố cáo, khiếu nại nhiều nơi nhưng vẫn chưa có kết quả. 


Vợ chồng bà Nam, ông Doanh lâm vào thảm cảnh ở tuổi xế chiều vì dính bẫy lừa đảo


Số phận bi đát của những người sập bẫy lừa đa cấp: Bị mất nhà ở tuổi xế chiều - Ảnh 3.

Người con trai của ông Doanh và bà Nam bị bệnh não từ nhỏ

 Hệ lụy không lối thoát

Chỉ vì tin theo những kẻ hoạt động đa cấp lừa đảo, những người già cả đã sập bẫy lừa của chúng, Để rồi mất nhà mất cửa, rơi vào thảm cảnh không lối thoát. Cho đến nay, những kẻ đang tâm lừa đảo kia, kẻ đi tù, kẻ trốn nã, bỏ lại những nạn nhân đang oằn mình trong đau khổ, đối mặt với nguy cơ kiện tụng và mất nhà.

Điều khiến dư luận bức xúc, là ai đã tiếp tay cho nhóm đối tượng lừa đảo kia dàn dựng và thực hiện trót lọt các phi vụ lừa chiếm đoạt giấy tờ nhà đất của họ, rồi lại dùng giấy tờ đó thế chấp vào ngân hàng vay những khoản tiền lớn một cách dễ dàng như vậy? 

Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin làm rõ ở những bài sau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm