Sôi nổi thảo luận ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới hoạt động Hội

Nhóm PV
13/12/2022 - 16:25
Sôi nổi thảo luận ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới hoạt động Hội

Bà Vũ Ngọc Thủy, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đóng góp ý kiến

Tiếp nối chương trình làm việc của Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành khóa XIII, chiều cùng ngày, các đại biểu chia 6 tổ thảo luận về các dự thảo báo cáo, kế hoạch do Đoàn chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam trình. Nội dung ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội.

Các ý kiến phát biểu về cơ bản nhất trí với các dự thảo trong Báo cáo kết quả hoạt động của các cấp Hội năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; Báo cáo hoạt động năm 2022 và Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Uỷ ban Kiểm tra TW Hội LHPN Việt Nam; Kế hoạch thực hiện khâu đột phá 2022-2027 "Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin" và Quy định về công tác thi đua, khen thưởng của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027; dự thảo Quy chế Giải thưởng Nguyễn Thị Định.

Trong chương trình thảo luận, các đại biểu bày tỏ sự quan tâm, đóng góp ý kiến cho các chương trình, hoạt động của Hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng dành thời gian làm rõ và đề xuất những ý kiến còn băn khoăn liên quan đến nhiều vấn đề thiết thực với hoạt động Hội, phong trào phụ nữ; Kế hoạch thực hiện khâu đột phá 2022-2027 "Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin" và các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, đề xuất mở rộng hơn nữa chương trình "Mẹ đỡ đầu" để các cơ quan, bộ, ngành tham gia hỗ trợ cho cả các em mồ côi ở vùng sâu, vùng xa. Bà Thanh Hòa cũng góp ý nên tổ chức được các lớp tập huấn cho các mẹ đỡ đầu về kỹ năng bảo vệ trẻ em.

Sôi nổi thảo luận ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới hoạt động Hội - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đóng góp ý kiến

 * Về hoạt động Hội, bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Bình chia sẻ về kế hoạch thực hiện khâu đột phá xây dựng cơ sở Hội vững mạnh trong đó có chỉ tiêu 90% chi hội trưởng được hỗ trợ. Theo bà Phượng, đây là chỉ tiêu cao, khó thực hiện vì nguồn ngân sách còn phụ thuộc vào chính sách của tỉnh và khai thác nguồn lực. 

Cùng với đó, nội dung 100% chi hội có ít nhất 1 lần/năm đổi mới phương thức sinh hoạt cũng là một chỉ tiêu cao, khó thực hiện, vì thực tế tại địa phương hiện nay, nhiều chi trưởng có độ tuổi cao, năng lực hạn chế trong khi việc bầu chi trưởng mới đang gặp khó khăn. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Bình đề xuất hạ chỉ tiêu này xuống còn 70%.

Thảo luận những vấn đề thiết thực liên quan đến hoạt động Hội, phụ nữ và trẻ em - Ảnh 2.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ

* Nội dung Kế hoạch thực hiện khâu đột phá 2022-2027 "Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin" cũng thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Bà Vũ Ngọc Thủy, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chia sẻ: Về hoạt động ứng dụng Công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện hoạt động của các cấp Hội, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ hiện đang tập trung vào hoạt động chính trong cấp Hội, nên có những chương trình, kế hoạch dài hơi hơn; với các chỉ tiêu có thể đảm bảo tính hiệu quả, khả thi, đặc biệt là đối với cán bộ cấp cơ sở để đội ngũ cán bộ Hội có thể ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng chuyển đổi số vào các hoạt động tại cấp cơ sở.

Bà Lê Thị Thanh Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Phước bày tỏ: Chỉ tiêu 100% Hội LHPN thực hiện liên thông phần mềm văn bản quốc gia là một thách thức với các địa phương còn nhiều khó khăn như Bình Phước, đặc biệt là cấp xã khi hạ tầng công nghệ thông tin chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu.

Thảo luận những vấn đề thiết thực liên quan đến hoạt động Hội, phụ nữ và trẻ em - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nam Định đóng góp ý kiến

Cũng chung ý kiến về "Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin", bà Nguyễn Hồng Nhung, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: Chỉ tiêu 100% cán bộ phụ nữ cấp cơ sở áp dụng phần mềm quản lý cũng là thách thức với nhiều cơ sở Hội, đặc biệt ở cấp xã còn đang khó khăn. Hiện nay, cấp cơ sở, tổ chức Hội dùng chung cơ sở vật chất với các hội đoàn thể khác và phần mềm, thiết bị thông minh còn nhiều hạn chế. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất Đoàn Chủ tịch nghiên cứu để giảm bớt chỉ tiêu này.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nam Định Trần Thị Định đánh giá: Tại các Chi hội phụ nữ cấp cơ sở, nhất là ở vùng nông thôn hoặc dân tộc thiểu số và miền núi, các cán bộ Hội còn gặp nhiều khó khăn khi chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng, ứng dụng CNTT trong thực hiện hoạt động, phong trào Hội. 

Thảo luận những vấn đề thiết thực liên quan đến hoạt động Hội, phụ nữ và trẻ em - Ảnh 4.

Các đại. biểu đóng góp ý kiến tại tổ

Những ý kiến trên, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp thu, tổng hợp và giải trình tại phiên tiếp theo của Hội nghị BCH TƯ Hội LHPN Việt Nam lần thứ 3, khoá XIII diễn ra sáng ngày 14/12/2022.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm