pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sơn La: Nhiều tồn tại trong việc quản lý, sử dụng đất nguồn gốc nông lâm trường
Công tác quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc nông lâm trường trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được chỉ ra còn nhiều tồn tại, hạn chế
Nhiều tồn tại, hạn chế
Đoàn kiểm tra của Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có báo cáo kết quả kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh được hình thành từ những năm 1954, gồm 4 nông trường, 7 lâm trường, tổng diện tích khoảng 42.300ha. Thực hiện sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh, đến nay, còn 8 đơn vị, tổ chức, tổng diện tích trên 36.000 ha. Trong đó, hơn 17.400ha đất các công ty nông, lâm nghiệp giữ lại tiếp tục sử dụng; hơn 18.500ha đất đã bàn giao về địa phương quản lý.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để tổ chức thực hiện. Tổ chức thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường; trình UBND tỉnh thu hồi diện tích đất do một số công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương. Đến nay, đã hoàn thành xác định, cắm mốc ranh giới sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận cho 11 công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đoàn kiểm tra của Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện một số đơn vị có liên quan… Kiểm tra thực địa tại 2 huyện Mai Sơn, Mộc Châu và một số công ty nông lâm nghiệp.
Qua đó, Đoàn kiểm tra ghi nhận những kết quả tỉnh Sơn La đã đạt được trong quản lý nhà nước về đất đai có nguồn gốc nông lâm trường. Đồng thời, chỉ rõ các tồn tại, hạn chế hiện nay, gồm: Việc sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện chưa triệt để, thiếu đồng bộ giữa các địa phương, chủ yếu mang tính hình thức (thay đổi cơ cấu tổ chức, tên gọi...). Chưa phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của từng Sở, ngành, chính quyền cấp huyện, xã dẫn đến không có đầu mối theo dõi tình hình hoạt động của các công ty sau sắp xếp.
Nhiều diện tích đã được giao, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận nhưng trên thực tế do các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng mà các công ty không chỉ đạo sản xuất được. Hệ thống bản đồ đo đạc phục vụ công tác giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận cho các Công ty nông, lâm nghiệp chỉ được thực hiện trên cơ sở đo khoanh bao tỷ lệ 1/10.000 nên có diện tích còn chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm; có diện tích sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân chưa được bóc tách, phần diện tích đã cấp Giấy chứng nhận cho các công ty nhưng thực tế do hộ gia đình, cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng; còn tình trạng xây dựng các công trình trái phép trên đất các công ty đã được giao, cho thuê. Công tác quản lý đất đai của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, chưa phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về quản lý, sử dụng đất…
Xử lý vi phạm, khắc phục những tồn tại
Đoàn kiểm tra đề nghị UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương rà soát, xây dựng phương án khắc phục các tồn tại đã được chỉ ra. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường đã bàn giao hoặc dự kiến bàn giao về địa phương để đảm bảo đất được quản lý, sử dụng hiệu quả, không để đất vô chủ, tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật. Khẩn trương giải quyết dứt điểm các tồn tại, không để phát sinh phức tạp mới; đảm bảo thu hồi tài sản, đất đai và tài chính cho Nhà nước.
Tỉnh Sơn La cũng được đề nghị phải phân công cụ thể đơn vị theo dõi, quản lý việc tổ chức thực hiện các Đề án sắp xếp, đổi mới của các công ty nông, lâm nghiệp đã được phê duyệt. Rà soát toàn bộ hiện trạng sử dụng đất về vị trí, ranh giới quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính để xác định rõ phần đất các công ty giữ lại, phần đã bàn giao về địa phương.
Trên cơ sở đó, với phần diện tích các công ty nông, lâm nghiệp giữ lại, xây dựng hoặc điều chỉnh phương án sử dụng đất đảm bảo phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm trong quản trị doanh nghiệp (xử lý hợp đồng giao khoán, mua bán chuyển nhượng hợp đồng giao khoán, thực hiện nghĩa vụ tài chính…) làm ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng đất đai.
Phần diện tích bàn giao cho địa phương, thực hiện bàn giao trên thực địa diện tích đất theo đề án sắp xếp đã được phê duyệt của công ty. Phân công cụ thể, quy định rõ trách nhiệm lập phương án sử dụng đất bàn giao về địa phương quản lý và xử lý tài sản trên đất. Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm trong phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, kể cả đất có nguồn gốc nông lâm trường theo quy định.
Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra đề nghị UBND tỉnh Sơn La tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật đất đai và pháp luật khác liên quan đến quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường để các công ty nông, lâm nghiệp và người dân nhận thức đúng về việc sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ khi thực hiện các hợp đồng giao khoán.
Cùng với đó, yêu cầu các công ty nông, lâm nghiệp rà soát phương án sử dụng đất đai được giao, được thuê theo phương án đổi mới quản lý sản xuất kinh doanh và báo cáo UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở chỉnh lý Giấy chứng nhận đã cấp. Quản lý chặt chẽ, sử dụng đất đúng mục đích, ranh giới, vị trí, khẩn trương giải quyết dứt điểm các tồn tại, không để phát sinh phức tạp mới. Kịp thời phát hiện, báo cáo và phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các trường hợp lấn, chiếm đất theo quy định.