pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sống cạnh bãi xử lý rác: Đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang
Nhà máy xử lý nước rỉ từ rác bị chìm trong nước bẩn
Ăn cùng ruồi…
Trong cái nóng oi ả, dù ngoài trời có gió nhưng ông Đỗ Văn Kết (67 tuổi, người dân thôn Lò) vẫn phải đóng kín cửa để ngăn mùi khó chịu từ bãi xử lý rác gần đó xộc vào nhà. Không chỉ gia đình ông Kết mà nhiều nhà dân ở thôn Lò đều phải "cửa đóng then cài" gần như cả ngày. Đây là cách để họ ngăn mùi khó chịu bay vào nhà.
Theo ông Kết, thôn Lò trước đây có môi trường trong lành. Còn bây giờ, người dân nơi đây phải sống trong nỗi "ác mộng" đến từ bãi rác. Thời điểm chính xác là kể từ năm 2003 khi bãi xử lý rác thải của thành phố Bắc Giang được quy hoạch về đây. Bãi xử lý rác thải ấy chỉ cách khu dân cư gần 200 mét và có tường bao.
Tuy nhiên, do lượng rác ngày càng nhiều, quá trình xử lý không triệt để khiến rác tích tụ lâu ngày gây mùi khó chịu, ảnh hưởng đến hơn 50 hộ dân với 200 nhân khẩu của thôn. Để đối phó với tình trạng này, người dân thôn Lò chỉ còn cách đóng kín cửa rồi bật quạt hoặc điều hòa. Dù cuối tháng, tiền điện phải thanh toán đều rất cao nhưng họ không thể làm khác được.
Gia đình ông Kết có lẽ là một trong những hộ dân chịu tác động nặng nề từ bãi xử lý rác. Vợ ông Kết đang phải điều trị bệnh ung thư vòm họng. Qua nhiều lần thăm khám, các bác sĩ khuyên ông nên để vợ được sống ở môi trường trong lành. Tuy nhiên, thôn Lò đâu đâu cũng bị mùi khó chịu bủa vây.
Cách duy nhất mà ông Kết có thể làm được cho vợ đó là bật điều hòa trong phòng cả ngày lẫn đêm. "Vợ tôi phát hiện bệnh sớm, điều trị cũng tích cực nhưng không khí ô nhiễm dẫn đến bệnh tình không thuyên giảm. Hiện, bà ấy đang chờ sức khỏe khá lên để đi xạ trị", ông Kết buồn bã nói.
Từ ngày bãi xử lý rác thải được quy hoạch về thôn Lò, cháu ngoại của ông bà Kết cũng ít khi tới lui nhà ông bà. Ông Kết kể, khổ tâm nhất là có lần mới đến đầu làng, đứa cháu ngoại 3 tuổi của ông đã phụng phịu đòi bằng được bố mẹ đưa về vì "nhà ông bà ngoại thối".
Thế nên mỗi khi nhớ cháu, ông bà lại sang nhà con gái. Nhiều khi muốn mời thông gia sang chơi nhà nhưng ngại cảnh không khí ô nhiễm, ruồi muỗi nhiều nên ông bà chẳng dám mở lời.
Không có điều hòa như gia đình ông Kết, kinh tế cũng chẳng dư giả để đóng cửa, bật quạt suốt ngày đêm nên bà Ngô Thị Đinh (58 tuổi, người dân thôn Lò) lúc nào cũng phải đeo khẩu trang, kể cả khi ngủ.
Bà Đinh chua chát nói: "Tiền ăn của 2 mẹ con có khi còn không tốn bằng tiền mua khẩu trang". Cũng giống như nhiều người dân đang sinh sống tại thôn Lò, bà Đinh mong mỏi chính quyền địa phương sớm có giải pháp khắc phục tình trạng này để bà cùng người con tàn tật có thể yên tâm sinh sống.
Công gặt lúa thuê không đủ tiền mua thuốc
Không chỉ bị ô nhiễm không khí, một số người dân thôn Lò cho biết, hoạt động của bãi xử lý rác còn khiến đất, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo nguyên lý hoạt động, nước rỉ từ bãi rác sẽ được nhà máy xử lý trước khi thải ra môi trường.
Tuy nhiên, từ hơn 1 năm nay, nhà máy xử lý nước rỉ từ rác không hoạt động khiến toàn bộ nước thải không được xử lý tràn ra ngoài môi trường. Thứ nước đen, đặc sánh ấy khiến cây cối quanh khu vực bãi rác đều chết khô, diện tích ao đầm trước đây vẫn được người dân nuôi thả cá nhưng giờ phải bỏ không.
Để minh chứng cho những điều mình nói, ông Kết dẫn chúng tôi vào bên trong khu vực nhà máy xử lý nước rỉ ra từ bãi rác đã ngừng hoạt động hơn 1 năm nay. Tại đây, nước thải chưa được xử lý tràn qua các bờ kè, đổ thẳng ra khu đồng ruộng và ao hồ gần đó. Bên trong khu vực nhà máy xử lý, nhiều cây keo cũng đã chết khô.
Tại một phần tường, những dòng nước đen kịt từ bãi rác vẫn ngày đêm rỉ xuống. "Trước đây, chúng tôi đều cày cấy, nuôi trồng trên diện tích đất này nhưng giờ đây đất, nước bị ô nhiễm nên người dân không thể làm gì được. Đời sống người dân vốn đã khó khăn nay thiếu đất sản xuất lại càng khó khăn hơn", ông Kết nói.
Tiếp lời ông Kết, bà Đỗ Thị Thơm (72 tuổi, người dân thôn Lò) kể lại một kỷ niệm mà chính bà đã phải trải qua. Gia đình bà Thơm thuộc diện kinh tế khó khăn tại thôn Lò. Ông bà đều đã già cả, lương hưu không có nên để có thêm đồng ra, đồng vào, thời gian rảnh rỗi, ai thuê gì bà Thơm cũng làm.
Mùa hè năm 2023, bà Thơm được một người dân trong thôn thuê gặt lúa tại cánh đồng giáp ranh với nhà máy xử lý nước rỉ ra từ bãi rác. Biết nước bẩn nhưng vì khoản tiền công xá 300.000 đồng/ngày nên bà Thơm đồng ý. Tối hôm đó, đôi bàn tay - bộ phận tiếp xúc nhiều nhất với nước - của bà Thơm xuất hiện tình trạng ngứa, rát.
"Tôi gãi đến chảy cả máu tay ra nhưng vẫn không hết ngứa. Cuối cùng, tôi phải nhờ người thân mua thuốc chữa trị. Số tiền bỏ ra mua thuốc còn quá số tiền công xá một ngày gặt lúa được trả", bà Thơm nhớ lại.
Theo bà Thơm, dù những hệ lụy từ bãi xử lý rác thải là nhãn tiền và cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, xác định mức độ ảnh hưởng đến người dân nhưng hết năm này qua năm khác, những lá đơn kiến nghị của người dân thôn Lò liên tiếp được gửi đi và đều rơi vào tình trạng không hồi đáp.
Lãnh đạo UBND xã Tân Mỹ xác nhận thông tin về tình trạng ô nhiễm từ bãi xử lý rác thải của thành phố ảnh hưởng tới cuộc sống của các hộ dân tại thôn Lò. Vị này cho biết thêm, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần có ý kiến, đồng kiểm tra và gửi báo cáo lên cấp trên để tìm giải pháp khắc phục.
Mới đây, trong Báo cáo số 56/BC-UBND của UBND xã Tân Mỹ ngày 9/5/2024 nêu rõ, việc ô nhiễm của bãi rác Đa Mai. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, nước rỉ từ rác có màu đen tại khu vực bể chứa nước thải chảy sang khu vực cây xanh, sát với khu dân cư của thôn Lò, thẩm thấu qua bờ bao sang khu vực trồng lúa của nhân dân, diện tích khoảng 1,2ha; đồng thời, khu vực bãi rác có mùi hôi, gây khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Về phía UBND thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), đơn vị này cho biết, hiện nay, rác thải tại 16 phường, xã của thành phố được thu gom, vận chuyển về bãi để xử lý bằng hình thức chôn lấp với khối lượng 160 tấn/ngày. Các hồ chứa nước rỉ từ rác tại khu vực bãi rác đã quá tải. Để khắc phục tình trạng trên, thành phố Bắc Giang đã quyết định trích ngân sách đầu tư xây dựng và lắp đặt trạm xử lý nước rỉ từ rác với tổng mức đầu tư dự kiến gần 15 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải, khắc phục ô nhiễm môi trường tại khu vực này. Đến ngày 19/7/2024, chính quyền thành phố Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 2645/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự án dự kiến sẽ được khởi công trong quý 3-2024.