pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Sống mòn" cạnh lò đốt rác ở Thái Bình - Bài cuối: Những lò đốt rác có cũng như không
Lò đốt rác tại xã Nam Hồng (huyện Tiền Hải, Thái Bình) trong tình trạng "có cũng như không"
Những "cục sắt tiền tỉ" bỏ không
Khác với bãi rác xã Nam Trung được xây dựng gần khu dân cư khiến người dân thôn Phú Lâm (xã Nam Hồng) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bãi rác xã Nam Hồng (huyện Tiền Hải) được bố trí sát bờ đê tả sông Hồng, cách các hộ dân cả cây số.
Mô hình bãi rác này cũng khá giống với bãi rác xã Nam Trung và nhiều xã khác ở tỉnh Thái Bình. Bên cạnh việc được chôn lấp, bãi rác cũng được lắp đặt một lò đốt để phục vụ việc xử lý rác thải.
Có mặt tại bãi rác xã Nam Hồng, chúng tôi không ngờ "đống sắt" hoen gỉ trước mặt lại là lò đốt rác từng được lắp đặt với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Do đã hư hỏng từ lâu nên nhiều bộ phận của lò đốt đã rơi rụng. Ngôi nhà lợp bằng tôn vừa để bảo vệ lò đốt, cũng là nơi phân loại rác, giờ chỉ còn trơ lại bộ khung. Phía bên ngoài khu vực đặt lò, không có tường bao, rác chất đống.
Men theo đường đê tả sông Hồng, chúng tôi đến bãi rác chung của 2 xã Nam Hà và Bắc Hải. Trong cái nắng hè oi ả, 3 nữ nhân viên đang tập trung phân loại và xử lý bằng cách đốt rác ngay tại bãi. Một nữ nhân viên làm việc tại đây cho biết, trước đây, việc đốt rác vẫn được tiến hành trong lò đốt nhưng hơn 1 tháng trở lại đây, do lò bị hư hỏng nên rác phải xử lý bằng cách đốt ngay tại bãi.
"Ống khói của lò đốt đã bị gãy sau trận mưa bão, hiện vẫn chưa sửa được. Hôm đó, ống khói rơi xuống khiến mái tôn thủng một lỗ to. May là thời điểm đó chúng tôi không làm việc tại bãi. Từ khi lò bị hỏng, chúng tôi được chính quyền cho đốt trực tiếp trên bãi. Nếu không đốt, lượng rác tồn đọng rất lớn", nữ nhân viên này cho biết.
Ông Phạm Văn Điệt, Chủ tịch UBND xã Nam Hồng, chia sẻ thẳng thắn rằng lò đốt rác tại địa phương đã bị hỏng, không thể sửa chữa cũng như hoạt động khoảng 2 năm nay. Chủ tịch UBND xã Nam Hồng cho biết, ông không nhớ rõ thời gian cụ thể lò đốt rác được dựng lên nhưng trước đó, lò thường xuyên bị hỏng hóc.
"Những lúc như thế, nguồn hỗ trợ của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kết hợp với kinh phí của xã được bỏ ra để sửa chữa. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý rác thải không cao", ông Điệt cho biết.
Còn tại xã Bắc Hải, mặc dù lò đốt rác có thể sử dụng được nếu được sửa chữa nhưng theo ông Phạm Văn Hội, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Bắc Hải, vấn đề hiện nay là kinh phí để sửa chữa.
"Bãi rác xã Bắc Hải được xây dựng năm 2018. Đây là nơi tập trung xử lý rác thải sinh hoạt cho 2 xã là Bắc Hải và Nam Hà. Tuy nhiên, mới đây, cột khói của lò đốt kèm theo một số bộ phận bị hư hỏng, chưa được sửa chữa. Lò đốt rác không thể hoạt động nên chính quyền xã buộc phải sử dụng biện pháp đốt trực tiếp trên bãi rác để tránh ùn ứ. Hiện, chính quyền xã đang có hướng đại tu toàn bộ để lò đốt rác này sớm đi vào hoạt động trở lại", ông Hội chia sẻ.
Hiện trạng lò đốt rác không thể sử dụng được ở xã Nam Hồng cũng như một số lò đốt của các xã khác trên địa bàn huyện là điều khiến ông Phạm Thanh Bình, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiền Hải, "đau đầu".
Theo ông Bình, ông đã đi kiểm tra. Thực tế, một số lò đốt rác đang bị hỏng như ở các xã Nam Hà và Nam Hồng. "Lò đốt ở xã Nam Hồng không thể khắc phục sửa chữa được nữa. Dù vậy, chính quyền địa phương cũng không thể phá bỏ vì đây là tài sản của Nhà nước", ông Bình chia sẻ.
Lò đốt rác bị hỏng, lượng rác ùn ứ mỗi ngày tăng lên, dẫn đến việc một số địa phương trên địa bàn huyện Tiền Hải phải "chữa cháy" bằng cách đốt trực tiếp trên bãi rác. Tuy nhiên, khi được hỏi "nếu việc đốt này gây ra ô nhiễm khói, bụi và không khí, người dân phản ứng, chính quyền sẽ tính sao?", ông Bình thừa nhận, đây là vấn đề hóc búa và chưa biết phải tính toán thế nào.
Cần có khu xử lý rác tập trung
Được biết, toàn tỉnh Thái Bình hiện có 104 khu xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt kết hợp chôn lấp và 127 bãi chôn lấp. Với các lò đốt rác, ngày mới được lắp đặt, tỉnh Thái Bình kỳ vọng mô hình lò đốt sẽ góp phần xử lý các loại rác khó phân hủy và tiết kiệm được diện tích chôn lấp.
Tuy nhiên, quá trình sử dụng đã bộc lộ nhiều hạn chế như công suất nhỏ, tuổi thọ lò thấp, nhanh xuống cấp, thường chỉ vận hành được 2 năm. Với nhiệt độ đốt nóng rất lớn nên một số chi tiết như ống khói, vách lò dễ bị han, thủng... Ngoài ra, lò đốt chưa xử lý được hết rác thải, mới duy trì ở mức nhiệt 600 - 700 độ, rác chưa được đốt ra tro 100%, vẫn phải tiếp tục chôn lại.
Do hiện nay nhiều lò đốt đã bị hỏng nên việc có tiếp tục sửa chữa hay không cũng là câu hỏi khiến lãnh đạo nhiều địa phương trăn trở bởi ngân sách của các địa phương hạn hẹp, không bố trí được kinh phí sửa chữa, thay thế. Đơn cử là lò đốt rác tại xã Sơn Tây, huyện Kiến Xương.
Được biết, năm 2016, xã Tây Sơn được lắp đặt một lò đốt rác ngay trong bãi rác. Thế nhưng, lò đốt này chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi đắp chiếu vì không hiệu quả. Theo nhiều người dân thôn Đại Hải, lò đốt rác quá nhỏ và công nghệ lạc hậu. Muốn đốt phải có dầu, trong khi nguồn rác lớn và chưa được phân loại. Ngoài ra, nguồn kinh phí của xã hạn hẹp nên việc lò này bị "xếp xó" suốt mấy năm qua là điều dễ hiểu.
Ông Tạ Xuân Khiết, Chủ tịch UBND xã Tây Sơn, cho biết: "Xã Tây Sơn được sáp nhập từ xã Vũ Tây và xã Vũ Sơn nên dân số hiện rất đông, với gần 4.000 hộ dân và xấp xỉ 14.000 nhân khẩu, ở 13 thôn. Khu xử lý rác thải sinh hoạt xã được quy hoạch tại khu vực thôn Đại Hải từ năm 2009, với diện tích 2,4ha.
Năm 2016, địa phương tiếp tục được tỉnh Thái Bình đầu tư một lò đốt rác nhưng qua nhiều năm sử dụng, đến nay, lò đốt đã bị hư hỏng, xuống cấp, dây điện bị trộm cắt, thiết bị cũng mất… buộc xã phải bỏ tiền khắc phục".
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Tây Sơn, theo quy định, nhà dân phải cách bãi rác tối thiểu 500 mét nhưng hiện tại, có nhiều hộ dân sống quá gần bãi rác nên bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối và ruồi nhặng. Ngoài ra, với việc dân đông, lượng rác thải quá lớn, chính quyền phải mua đất, cát trong khi tiền không có.
"Đội thu gom rác có 9 người. Chúng tôi thu mỗi nhân khẩu 6.000 đồng/tháng tiền vệ sinh nhưng nhiều hộ còn không nộp hoặc nộp không đủ. Năm 2023, nguồn thu từ người dân chỉ đạt khoảng 60%-70%.
Tỉnh Thái Bình cũng hỗ trợ được 141 triệu nhưng chẳng thấm vào đâu. Để đốt rác, cần tiền mua dầu, chôn lấp cũng cần tiền mua đất, cát. Chúng tôi phải lấy ngân sách xã để bù vào. Hiện tại, xã đang phải mua đất, mua cát chịu để san lấp", ông Khiết nói.
Theo ông Phạm Thanh Bình, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiền Hải, về lâu dài cần xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung.
"Huyện Tiền Hải có 18 lò đốt/25 xã và thị trấn. Một số lò đốt sau nhiều năm sử dụng đã bị hư hỏng, xuống cấp. Hiện nay, theo quy định của tỉnh Thái Bình là không xây dựng khu xử lý rác mới. Phải xây dựng các khu xử lý rác tập trung, có như vậy mới giải quyết được vấn đề rác thải.
Trong khi chưa có khu xử lý tập trung, bên cạnh việc khắc phục những tồn tại như tích cực khử trùng, chôn lấp, sửa chữa lò… các xã có thể phải liên kết, nhiều xã đầu tư một bãi xử lý", ông Bình cho biết.