Người sinh ra trong gia đình gia giáo, nền nếp. Người con nhà đông con, sống xuề xòa. Cả hai đều xuất thân cùng quê với tôi, nhà gần với gia đình tôi.
Hai anh trai tôi đều chọn thủ đô lập nghiệp. Ngày TÔI cầm giấy báo trúng tuyển đại học, mẹ tôi mừng rơi nước mắt. Bà không chỉ mừng vì con gái thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” bởi ngày đó, hầu hết các bạn cùng trang lứa của tôi đều giỏi lắm thì hết cấp 3, còn số đông thì hết cấp 2 ở nhà làm ruộng, lấy chồng sinh con mà còn mừng vì tôi buổi đầu ra thành phố đã có gia đình hai anh trông nom, bảo ban giúp.
Tất nhiên, người đầu tiên mẹ gửi gắm tôi là chị dâu cả giỏi giang, vén khéo. Không chỉ mong tôi được chăm lo chu đáo, mẹ tôi còn hy vọng, tôi sẽ được rèn giũa, học hỏi được tính chu toàn của chị dâu cả. Như bao tân sinh viên khác, tôi háo hức bước vào giảng đường đầy bỡ ngỡ. Các bạn cùng khóa học với tôi, mỗi người ở một miền quê khác nhau. Dù là ở thành phố hay nông thôn, chúng tôi đều nhanh chóng nhập cuộc và trở nên thân thiết bởi cứ không phải người thủ đô thì đều được coi là người nhà quê. Ngày đầu nhập trường còn đang ríu rít thì các bạn mới lại cùng nhau ở chung ký túc xá, còn tôi bắt đầu cuộc sống ngoại trú ở nhà chị dâu.
Khi đến ở rồi, tôi mới biết, chị dâu tôi đặt ra rất nhiều quy tắc cho chồng và các con. Tôi đồng ý là có kỷ luật, có khắt khe thì các cháu tôi mới chuẩn chỉ nên người. Thế nhưng, có những quy định cứng nhắc đến bất di bất dịch và đặc biệt là áp dụng 100% cho tôi trong khi tôi hơn bọn trẻ con cả chục tuổi và có cuộc sống, môi trường hoàn toàn khác.
Để đảm bảo bữa ăn gia đình đúng, đủ, chị yêu cầu tôi và cả nhà phải tuyệt đối ăn cơm nhà chị nấu và phải về đúng giờ. Nếu chỉ thiếu một người thôi thì cả nhà phải ngồi đợi cho bằng được vì chị bảo: Phải chờ như vậy mọi người mới không bỏ bữa. Vì thế, có khi chỉ vì một người mà mỗi người mất tới 2-3 tiếng đồng hồ đợi chờ nhau. Hay với lý do đảm bảo sức khỏe, chị bắt cả nhà cứ 10 giờ tối là phải lên giường đi ngủ, nếu ai có việc đi đâu đến giờ đó chưa về, chị nhất quyết ngồi chờ bằng được để mở cửa. Rồi hễ cứ bước chân ra khỏi nhà là phải báo cáo, xin phép, nói rõ lý do, khi nào chị đồng ý thì mới được đi. Và còn rất nhiều quy định khác nữa mà tôi không thể nhớ hết.
Tôi chỉ cảm thấy bức bối, khó chịu. Bởi mỗi ngày, tôi một rời xa bạn bè. Đến người bạn thân, tôi cũng ít có thời gian trò chuyện, hàn huyên, chia sẻ. Không còn những buổi liên hoan, sinh nhật vui vẻ. Không còn những buổi học nhóm, ôn bài cặm cụi đến khuya. Dần dần, tôi như người tự kỷ trong khi các bạn của tôi ở ký túc xá cứ phơi phới với cuộc sống sinh viên biết bao kỷ niệm vui buồn. Bí bách quá, tôi gọi điện cho mẹ xin ra ngoài ở thì mẹ một mực không cho. Không những thế, thỉnh thoảng chị còn mách mẹ vì tôi chót về muộn hay không ăn cơm nhà làm mẹ luôn đặt dấu hỏi về tôi.
Cuối cùng, tôi vẫn quyết định xin ra ở riêng. Không còn cách nào, mẹ đành cho tôi một cơ hội là chuyển sang nhà chị dâu thứ ở. Để khỏi lặp lại cảnh ở nhà chị dâu trưởng, tôi đặt vấn đề ngay từ đầu với chị dâu thứ. Chị chấp nhận hết mọi điều kiện của tôi. Quả thật, khi tôi dọn về, tôi thấy mọi việc trong nhà chị dâu thứ nhìn có vẻ không quy củ nhưng ở lâu mới biết, mọi người hết sức tự giác. Không cần quy định này nọ mà mọi việc vẫn đâu vào đấy. Chị mua một cái bảng to treo gần cửa ra vào để ghi lịch làm việc, học tập của các thành viên trong gia đình và phân công công việc cụ thể để mọi người cùng nắm được. Khi có việc đi ra ngoài, mỗi người đều thông báo cụ thể thời gian đi, về. Đồng thời, chị còn lập nhóm riêng của gia đình trên facebook để các thành viên trao đổi, chia sẻ mỗi khi có việc đột xuất hoặc có việc bàn bạc gấp. Cuối mỗi tháng, chị lại tổ chức cho gia đình đi picnic, xem phim, cùng nhau xả stress, bàn bạc công việc tháng tới. Thông qua những trò chơi, chị thường có quà động viên, khuyến khích những người tích cực. Thỉnh thoảng, tôi mắc lỗi, vi phạm, chị cũng chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở và chia sẻ cho tôi nhiều kinh nghiệm quý.
Ở với chị dâu thứ, tôi được trở lại với thời sinh viên sôi nổi. Tôi được thoải mái giao lưu, kết nối bạn bè, tham gia các hoạt động thiện nguyện, các câu lạc bộ của trường và được đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, cải thiện cuộc sống. Tôi thấy mình trưởng thành hơn và trở nên tự tin hơn khi biết rằng đằng sau những bước đi của tôi luôn có chị dâu thứ lặng lẽ quan sát, lặng lẽ chỉ bảo, lặng lẽ động viên, khích lệ. Kết quả rõ rệt nhất là thông qua những chuyến đi thực tế, tôi đã gặp được “một nửa” của mình - một chàng trai năng nổ, nhiệt huyết, sống có trách nhiệm với bản thân và mọi người.
Tôi không trách cứ, so sánh hai chị dâu mà chỉ tiếc giá như chị dâu trưởng của tôi bớt khắt khe một chút, bớt nguyên tắc một chút thì có lẽ cuộc sống của gia đình anh trai cả của tôi sẽ nhẹ nhàng hơn, vui vẻ hơn. Điều quan trọng hơn cả là đại gia đình của tôi sẽ sống hòa thuận, xum vầy hơn, nhất là vào những ngày lễ tết, giỗ chạp, chị dâu thứ thường hay bị chị dâu cả xét nét, cằn nhằn, mặt nặng mày nhẹ vì tính thiếu cầu toàn, luôn giản đơn hóa của chị.