Với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, người Jrai ở tỉnh Gia Lai nói riêng, trước đây, thuyền độc mộc không chỉ là phương tiện để đưa bà con qua sông lên nương làm rẫy, mà nó còn gắn với những chiến công oanh liệt trên dòng sông Pô Cô (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) trong thời kỳ kháng chiến.
Có một bài hát đã ghi dấu về con sông lịch sử này với chiếc thuyền độc mộc của người anh hùng Jrai tên A Sanh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đó là bài hát “Người lái đò trên sông Pô Cô” (thơ Mai Trang, nhạc Cẩm Phong) kể về những chuyến vượt sông bằng thuyền độc mộc đầy hiểm nguy, gian khó năm nào cùng bao chiến công oanh liệt của bộ đội và đồng bào Jrai nơi đây.
Nhưng nhiều năm nay, bến sông vắng bóng những con thuyền và trong mỗi người con Jrai nơi đây, thuyền độc mộc chỉ còn là hoài niệm. Những người biết đẽo thuyền đã dần mất đi theo thời gian, trong khi lớp con cháu lại không muốn gắn bó với nghề này. Thêm vào đó, những cây gỗ có đường kính đủ lớn trong rừng để có thể dùng đẽo một chiếc thuyền độc mộc cũng dần hết.
Các bậc cao niên ở xã Ia O (huyện Ia Grai) bảo, trước đây, muốn làm được một chiếc thuyền độc mộc phải cần 5 đến 6 thanh niên có sức khỏe để gùi gạo, muối vượt qua những con suối, những quả núi để đến được cánh rừng nguyên sinh tìm cây gỗ sao, loại gỗ vừa nhẹ lại bền. Cây gỗ sao được chọn làm thuyền phải lớn hơn 2 người ôm, thân thẳng không nhiều nhánh.
Khi đi kiếm gỗ trong rừng, ngoài việc chú ý xác định hướng đi, người làm thuyền còn phải lắng tai nghe tiếng hót của chim Pơ Lang. Người dân truyền lại rằng: Nếu loài chim này hót phía trước nghĩa là chúng đang dẫn đường và đó là điềm lành mách bảo việc làm thuyền sẽ thuận lợi. Nếu loài chim này hót phía sau thì dù công việc có thuận lợi đến mấy cũng phải quay về vì thần rừng không đồng ý, nếu cố gắng sẽ rước tai họa vào thân, thuyền khó hoàn thành, dễ bị vỡ hoặc bị thủng.
Khi đã chọn được cây gỗ ưng ý, người làm thuyền phải dùng rìu để hạ cây rồi chặt tỉa những cành, nhánh của cây cho thật gọn gàng, sau đó dùng những cành, nhánh ấy để nấu cơm cúng Yàng (ông trời). Lễ vật cúng là một con gà và một ghè rượu. Cúng xong, việc đẽo thuyền mới được tiến hành.
Ngoài sự khéo léo, tỉ mỉ, những người đẽo thuyền phải có con mắt tinh tường, đầu óc phán đoán tốt để đẽo 2 mạn thuyền thật cân đối. Khi đã hạ thuyền xuống nước thì không được phép sửa chữa bất cứ một chi tiết nào. Vì vậy, để thử thuyền trước khi hạ thủy, thợ làm thuyền phải lật úp thuyền xuống và đặt quả trứng gà theo chiều đứng vào chính giữa lưng thuyền. Nếu quả trứng không đổ thì chiếc thuyền khi xuống nước sẽ không bị nghiêng lệch và đảm bảo tốt mọi yêu cầu về chất lượng.
Theo TS Nguyễn Thị Kim Vân, người đang có nghiên cứu về những giá trị lịch sử, văn hóa bản địa, thuyền độc mộc ở tỉnh Gia Lai: Ngày xưa, đây là phương tiện mưu sinh hàng ngày, giao thương chủ yếu của người dân bản địa ở khu vực phía Tây tỉnh Gia Lai. Từ đây, họ đã giao thương với người Lào, người Campuchia. Và chỉ có những con thuyền độc mộc chắc chắn thế này mới vượt qua được dòng Pô Cô hiểm trở.
Sống lại huyền thoại bằng hội đua thuyền độc mộc trên dòng Pô Cô
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện toàn huyện Ia Grai có khoảng 50 chiếc thuyền độc mộc, tập trung chủ yếu ở 3 xã: Ia Khai, Ia Krai, Ia O. Trong đó, có những chiếc thuyền gỗ đã được chế tác và gìn giữ cách nay hơn 60 năm, thuyền mới làm gần đây nhất cũng đã qua tuổi 20.
Ông Lê Ngọc Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết, thuyền độc mộc nhiều năm qua không còn dùng ở huyện Ia Grai, người già có kinh nghiệm về chọn lựa cây gỗ, đến cách tính toán để đẽo nên một chiếc thuyền độc mộc hoàn chỉnh nay cũng chỉ còn vài người. Để bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của thuyền độc mộc, dịp lễ 30/4 và 1/5/2019, trên dòng sông Pô Cô, đoạn chảy qua xã Ia O, UBND huyện Ia Grai đã tổ chức hội đua thuyền độc mộc lần thứ nhất năm 2019, với sự tham gia của 12 đội đến từ 3 xã: Ia Khai, Ia Krai, Ia O.
“Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô có ý nghĩa quan trọng góp phần vào công tác bảo tồn, giữ gìn giá trị của thuyền độc mộc, nét văn hóa đặc trưng của người Jrai. Đây là dịp để chúng ta nhìn nhận, đúc kết và đánh giá đúng thực trạng việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, cũng nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi buôn làng, tạo thành một phong trào văn hóa rộng khắp nhân dân”, ông Quý cho biết.
Cũng theo ông Quý, hội đua thuyền độc mộc năm 2019 tổ chức thành công, tốt đẹp và để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách gần xa. Hội đua thuyền này sẽ được chính quyền huyện Ia Grai tổ chức thường niên vào dịp 30/4 và 1/5 hàng năm, nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo riêng của địa phương, góp phần phát triển du lịch trên dòng Pô Cô huyền thoại.
Anh Nguyễn Duy Tân, giáo viên Trường THCS Chu Văn An ở xã Ia O, người tham gia giải hội đua thuyền độc mộc năm 2019, cho biết: “Nhiều năm qua, những chiếc thuyền độc mộc xưa cũ nằm lặng lẽ, rêu mốc, nhuốm màu thời gian trên những bến thuyền của xã. Nhưng năm nay, nhờ chính quyền huyện tổ chức hội đua mà nhiều chiếc đã được đem ra tranh tài. Tôi rất may mắn đã cùng đồng đội của mình giành giải nhất của hội đua. Tôi rất vui khi biết rằng, từ năm 2019 trở về sau, hàng năm, chính quyền huyện sẽ tổ chức hội đua thuyền độc mộc trên dòng sông Pô Cô. Việc làm này sẽ góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống cũng như lưu giữ các giá trị văn hóa bản địa đang dần mai một trước sự thay đổi nhanh chóng hiện nay”.
Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang lưu giữ và trưng bày 2 chiếc thuyền độc mộc được sưu tầm năm 1999 ở làng Bi (thuộc xã Ia O). Những chiếc thuyền được làm từ thân cây gỗ sao xanh, có độ dài 7m và bề ngang 80cm được đẽo bằng rìu, rựa. Xưa kia, người dân Jrai làng Bi ở dọc theo sông Pô Cô dùng thuyền độc mộc để qua sông làm nương, rẫy, săn bắt thú, vận chuyển lúa gạo, bắp mì và củi... Cũng nhờ những chiếc thuyền độc mộc này, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, già trẻ gái trai người làng Bi đã giúp đưa bộ đội cụ Hồ qua sông và vận chuyển vũ khí, quân trang, lương thực cho các mặt trận. |