Sống xanh hơn, 'Đổi nylon lấy cây' hạn chế rác thải nhựa

13/06/2019 - 15:20
Chỉ sau 10 ngày “đổi nylon lấy cây”, Tòhe - một doanh nghiệp xã hội - đã thu được 150kg nilon, 12.000 ống hút và rất nhiều chai nhựa, áo mưa dùng một lần... Số “rác” do mọi người đóng góp sẽ được tạo thành 6 tác phẩm sắp đặt được triển lãm vào tuần tới.

Biến rác thành tác phẩm nghệ thuật

Trong đợt quyên góp, Tòhe cũng tổ chức “Ngày chơi tái xinh” dành cho các bạn nhỏ. Các bạn nhỏ chỉ cần mang những chiếc túi nylon đã qua sử dụng tại gia đình để đổi lấy lượt chơi. “Đồ dùng nhựa đã tồn tại và trở thành một phần gắn liền với đời sống của chúng ta. Tòhe không có khả năng khiến chúng biến mất hoàn toàn, mà chỉ muốn cho chúng thêm một đời sống mới và truyền cảm hứng cho mọi người” - đây chính là mục đích của Tòhe khi tổ chức sự kiện “đổi nilon lấy cây”.

Chỉ sau 10 ngày “đổi nilon lấy cây”, Tòhe- một doanh nghiệp xã hội - đã thu được 150kg nilon, 12.000 ống hút và rất nhiều chai nhựa, áo mưa dùng một lần... Sự kiện này của Tòhe thu hút gần 300 người tham gia và có tới 40 cộng tác viên hỗ trợ việc thu gom. Số rác do mọi người đóng góp sẽ được tạo thành 6 tác phẩm sắp đặt được triển lãm vào tuần tới.

 

doi-nilon-lay-cay-1.jpgCác tình nguyện viên tham gia thu gom và phân loại đồ trong sự kiện "đổi nylon lấy cây" tại Tòhe.

 

Có mặt tại ngày hội đổi túi lấy cây, Trần Thị Thơ (Khoa Sinh, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội) hào hứng chia sẻ: Trong khu trọ bọn em, phòng nào cũng có rất nhiều túi nilon được nhét vào mọi góc trong nhà. Vì thế khi biết đến chương trình, em đã rủ các bạn cùng làm sạch túi và mang tới đổi. Cứ 20 túi nilon đổi được một cây xanh. Không chỉ vui vì có cây mang về mà bọn em cảm thấy mình đã làm được một việc tốt và tự nhắc nhau, từ nay sẽ hạn chế lấy túi nilon trong mỗi lần mua hàng…

Tặng 1.000 cây giống cho người dân Hà Nội

Với mục đích đưa những chậu cây xanh len lỏi vào từng không gian sống dù là chật hẹp nhất, nhóm các bạn trẻ NOTH đã có ý tưởng tặng 1000 cây giống cho người dân Hà Nội. Dự án được chia thành nhiều phần nhỏ, mỗi phần sẽ tặng số lượng cây nhất định (50 cây, 100 cây, 200 cây...) tới khi nào đủ 1.000 cây.

Trước đó, vào các tháng 3, 4, 5 NOTH cũng từng tặng 250 cây giống các loại để các bạn trẻ có thể tận dụng ngay những chai, lọ nhựa có sẵn trong nhà để trồng cây, không xả rác thải nhựa ra môi trường. Và tháng 6 này là 200 cây, bạn vẫn còn cơ hội nhận cây giống miễn phí đến tận 21h ngày 14/6//2019 tại ngách 17, ngõ 4C Đăng Văn Ngữ, Hà Nội.

 

doi-nilon-lay-cay-2.jpg
“Bạn chăm sóc cây để cây chăm sóc bạn”.

 

“No plastic” là câu mà các bạn trẻ ở NOTH thường nhắn nhủ với nhau khi làm việc. Hạn chế tối đa việc sử dụng chất liệu nilon/nhựa, “tái chế” thay cho việc “vứt bỏ”. Vào cuối năm 2015 tại Hà Nội, ý tưởng về NOTH được hình thành và bắt đầu thai nghén. Một vườn cây nho nhỏ tại nhà riêng là sự khởi đầu cho cuộc hành trình dài trong tương lai.

Không chỉ đơn thuần là một vườn cây, bọn mình muốn đóng góp một phần nhỏ đem màu xanh vào thành phố chật chội và đông đúc. Điều mà bọn mình muốn gửi gắm thông qua đứa con tinh thần này: “Bạn chăm sóc cây để cây chăm sóc bạn”.

Có lẽ đây cũng chính là lý do để NOTH tặng cây giống, chứ không phải là một chậu cây đã lớn, để mọi người có trải nghiệm chăm sóc một chậu cây và nhìn nó lớn lên từng ngày, cảm nhận được niềm hạnh phúc khi chăm cây.

 

Sống xanh hơn, sống ý nghĩa hơn!

Đã nhiều năm nay, bà Ngô Thị Minh (ngõ 62 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) có thói quen làm sạch những chiếc túi nilon mang từ chợ về, gấp gọn và hôm sau mang ra chợ tặng lại người bán hàng để tái sử dụng.

Lúc đầu, các cháu nói bà thừa thời gian nhưng khi nghe bà phân tích “80% lượng rác thải nhựa không được tái chế hay tái sử dụng mà chúng sẽ bị chôn lấp, đốt cháy hoặc xả thẳng ra biển,… Một chiếc túi nilon khi xả ra môi trường, 500 năm sau vẫn chưa thể phân hủy", bọn trẻ đã hiểu và ủng hộ bà bằng cách giúp bà xếp gọn gàng rác thải nhựa vào một góc. Chai nhựa to có thể cắt, dùng để làm thành chậu trồng cây, chai nhỏ làm thành ống đựng bút… Hai cháu bà Minh, một đang học năm thứ hai đại học, 1 chuẩn bị lên lớp 11 đều rất tích cự tham gia các hoạt động thiện nguyện, các hoạt động giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

 

doi-nilon-lay-cay-3.jpg
Các bạn trẻ hào hứng tham gia hoạt động đổi giấy, đổi nilon lấy cây.

 

Greenlife là tổ chức được thành lập với mục đích nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Theo đó, nếu mỗi tháng nhóm thu về được 5 tấn giấy, đồng nghĩa với việc xây dựng thêm 10 tủ sách; Tiết kiệm được 100 cây xanh không bị chặt; Tiết kiệm 1.500 mét khối nước;  Tiết kiệm hơn 1.200 lít dầu; Tiết kiệm hơn 16.000 kW điện; Thu về 2 tạ pin (hơn 1.000 viên), cứu được 1.000 mét vuông đất không bị ô nhiễm.

Trong tháng 6 này, ngoài hoạt động “đổi nilon lấy cây” kết hợp cùng Tòhe vừa kết thúc, Greenlife còn chung tay tổ chức hai hoạt động khác, bao gồm: Đổi giấy lấy cây. Hoạt động diễn ra từ 8 đến19h, 2 ngày 15,16/6 tại khu vực sân khấu - Phố sách 19/12, Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Hoạt động còn lại diễn ra từ 8 đến 21h, 2 ngày 29, 30/6 tại thư viện của D Free Book (số 2 - cuối ngõ Viện Máy, Phạm Văn Đồng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) với mục đích nhận về nhiều sách, truyện để có thể xây dựng 30 tủ sách cho trẻ vùng cao.

Một viên pin có thể làm ô nhiễm 600.000 lít nước, tương đương với lượng nước sinh hoạt của một đời người, pin nằm dưới đất còn tạo ra tác nhân gây ung thư vì lượng kim loại và acid trong pin thải ra.

 

Vì môi trường, bạn có thể hành động “xanh” bằng cách: Trồng thêm cây; Tắt máy khi đợi đèn đỏ; Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, tối giản mọi thứ; Tiết kiệm tài nguyên, phân loại rác và nói không với nilon/đồ nhựa dùng một lần.

 

Cách đơn giản để giảm thiểu đồ nhựa: Sử dụng túi vải khi mua sắm; Mang theo bình nước cá nhân để không sử dụng chai nhựa; Ưu tiên mua/sử dụng sản phẩm đựng trong hộp giấy; Không dùng các sản phẩm dùng một lần như ống hút, cốc, hộp đựng thực phẩm bằng nhựa,…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm