pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sốt xuất huyết có được tắm không?
Vệ sinh cá nhân là nhu cầu cơ bản của con người. Tuy nhiên, với những người đang mắc sốt xuất huyết thì vấn đề tắm rửa lại khiến người bệnh e ngại.
Theo một số quan điểm, việc tắm khi bị sốt xuất huyết có thể gây hại hoặc thậm chí là khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Vậy thực hư của điều này ra sao và bệnh nhân sốt xuất huyết có được tắm không?
1. Bệnh nhân sốt xuất huyết có được tắm không?
Trên thực tế, không có bất kỳ khuyến cáo y tế nào thể hiện nội dung bệnh nhân sốt xuất huyết cần phải kiêng tắm rửa hay vệ sinh cá nhân. Trái lại, việc đảm bảo vệ sinh cá nhân trong suốt thời gian mắc bệnh là điều cần thiết để tạo tâm lý thoải mái, tránh được các vấn đề bội nhiễm thứ phát do vệ sinh kém.
Do đó, người bị sốt xuất huyết vẫn có thể tắm rửa. Tuy nhiên cách tắm cho bệnh nhân sốt xuất huyết như thế nào cho đúng và đảm bảo an toàn mới là điều quan trọng mà các bệnh nhân, người chăm sóc cần phải lưu ý.
Khi mắc bệnh sốt xuất huyết người bệnh sẽ có hiện tượng giãn mạch, tăng tính thấm thành mạch, giảm số lượng tiểu cầu,... Nên nếu việc tắm rửa của bệnh nhân diễn ra không đúng cách thì có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Chẳng hạn như, khi người bệnh sốt xuất huyết tắm bằng nước có nhiệt độ cao hay xông hơi thì hiện tượng giãn mạch sẽ trở nên trầm trọng hơn, gây thoát dịch khỏi lòng mạch nhiều hơn. Hay khi tắm bằng nước lạnh, các mạch máu ngoại biên của người bệnh sẽ bị co lại trong khi các mạch nội tạng và mạch nằm sâu vẫn có xu hướng giãn. Điều này có thể làm tăng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân,...
Vì thế người bệnh cần phải tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ để có thể được hướng dẫn cách tắm an toàn khi bị bệnh sốt xuất huyết.
2. Những điều cần nhớ khi tắm cho người bệnh sốt xuất huyết
Một số lưu ý sau đây có thể sẽ giúp cho việc tắm rửa, vệ sinh cá nhân của bệnh nhân sốt xuất huyết trở nên an toàn hơn:
- Nước tắm phải có nhiệt độ vừa phải, tránh tắm bằng nước có nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh.
- Không tắm khi cơ thể đang bị sốt mà chỉ nên sử dụng khăn ấm để lau các vùng trán, nách, bẹn, cổ của người bệnh.
- Tắm rửa khi bị sốt xuất huyết nên diễn ra một cách nhanh chóng, tránh việc ngâm nước quá lâu dẫn đến cơ thể bị nhiễm lạnh.
- Bệnh nhân sốt xuất huyết nên tắm rửa trong phòng kín, tránh gió lùa vào làm cho nhiệt độ nước tắm hạ nhanh.
- Nên nhẹ nhàng trong việc kỳ cọ cơ thể khi tắm, động tác quá thô bạo có thể dễ dàng dẫn đến tình trạng xuất huyết dưới da.
- Sử dụng khăn bằng chất liệu mềm để làm khô người ngay sau khi tắm, tránh việc để khô người một cách tự nhiên.
- Nếu người bệnh không thể tắm được do bệnh nặng cần theo dõi liên tục, không đủ điều kiện để tắm rửa an toàn,... thì có thể thực hiện lau người cho bệnh nhân bằng khăn ấm để thay thế cho việc tắm rửa hằng ngày.
Có thể nói, người bị sốt xuất huyết vẫn có thể tắm. Tuy nhiên, cần lưu ý vào thể trạng của người bệnh để có cách vệ sinh cá nhân đảm bảo an toàn. Nếu sức khỏe ổn định, khi tắm vẫn nên thực hiện thao tác nhanh chóng, nhẹ nhàng, tránh gió,...