pnvnonline@phunuvietnam.vn
Stress bởi luôn bị “nhắc nhở” quan tâm đến chồng
Ảnh minh họa
Chị Thanh Tâm thân mến!
"Chồng ngoại tình" có lẽ là nỗi lo lớn nhất của phụ nữ thì phải? Dạo gần đây, em đến phát mệt với những lời khuyên của bà nội, mẹ chồng, dì, bạn bè... đặc biệt là mẹ em về việc làm sao để níu giữ được "bước chân" của người chồng tài hoa, không để chồng cắm sừng. Trong khi, em không thấy lo lắng chút nào.
Chồng em-người mà ai cũng nói là ưu tú, người chồng mẫu mực, tuyệt vời, thì với em, anh ấy cũng chỉ là một người đàn ông đã gắn bó với mình trong suốt hơn 7 năm qua. Em quen và yêu anh từ thời còn du học, chúng em có 4 năm ở xa quê hương, nơi đất khách phải nương tựa nhau để cố gắng. Anh làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về y học cổ truyền, còn em học về quản trị khách sạn. Khi về nước, anh vào làm tại một bệnh viện, còn em hỗ trợ gia đình quản lý khách sạn, villa.
Từ thời còn du học, em đã biết anh ấy được nhiều phụ nữ yêu mến. Những phụ nữ có tuổi thì vừa đến điều trị xương khớp, vừa muốn nói chuyện tâm sự để giải tỏa nỗi lòng, mong muốn tìm kiếm lại giấc ngủ. Những phụ nữ trẻ, đặc biệt là các em sinh viên khóa dưới, các "tiểu muội" gọi anh là "tiền bối" thì thầm ngưỡng mộ và coi anh như thần tượng của mình.
Có hôm 11 giờ đêm về nhà, em còn thấy học trò nữ nhìn anh giảng bài rất say sưa, cố gắng đặt nhiều câu hỏi để được ngắm thầy thêm. Em chẳng biết họ nghĩ gì khi thích một người đàn ông đã có gia đình. Vì vậy, như em đã chia sẻ, người nhà em đều lo chồng của em sẽ có những phút xao xuyến trong lòng mà "cắm" cho em thêm dăm bảy cái sừng.
Hôm trước về quê thăm bố mẹ chồng, mẹ chồng em kéo tay em vào nhà hỏi: "Thế dạo này hai đứa vẫn ổn chứ? Mẹ thấy chồng mày dạo này bận lắm, còn cộng tác với cái con nào trên tỉnh để làm hệ thống cửa hàng đông y, phải chú ý con nhé!". Em chỉ cười, trong bụng nghĩ: "Nếu anh ấy muốn ngoại tình thì giữ cũng chả được!". Đôi lúc, em còn cảm thấy khó chịu: "Mình cũng đâu đến nỗi nào, mà không ai thèm đi lo mình ngoại tình nhỉ!".
Còn mẹ ruột em nói: "Nó ở bệnh viện trưa ăn gì? Tối ở phòng khám ăn gì? Mày phải lo lắng, chăm sóc cho nó, mang cơm, đồ ăn đến cho nó để mấy đứa ở đấy còn dè chừng. Chứ cứ thờ ơ như mày, con nào nó muốn chài chồng mày, cứ chu đáo quan tâm, chồng mày cảm động, sai lầm thì sao?". Nếu mẹ em chỉ nhắc nhở một vài lần thì không sao, theo kinh nghiệm của người lớn, lo lắng cho con cái là chuyện bình thường. Nhưng đằng này, sáng mẹ em nhắn tin, trưa mẹ em gọi điện, tối lại hỏi han. Trốn điện thoại thì tối mẹ em lại chạy sang nhà em để tâm sự. Em thật đau đầu.
Quả thật, nếu nhìn từ ngoài vào, chồng em cũng khá được: Chín chắn, đàng hoàng, có tâm với nghề... Nói chung ai gặp chồng em đều quý. Thế nhưng, với em, thì chồng em không phải tất cả là màu hường. Anh ấy gia trưởng, khó tính, cố chấp, bảo thủ... Em làm vợ của anh ấy cũng chịu không ít thiệt thòi. Em muốn được chồng dành thời gian đọc sách, xem phim cùng mỗi tối, thích cùng nhau đi du lịch, cắm trại... Nhưng từ khi lấy nhau, anh ấy lại chỉ biết đến công việc và các cuộc hẹn với bệnh nhân.
Gần đây, chồng em mở thêm phòng khám mới. Công việc đào tạo nhân lực và setup khá bận bịu. Mẹ em gọi điện giục giã liên tục phải chịu khó quan tâm, chăm sóc chồng xem chồng ăn gì, uống gì, mặc gì, làm gì, nghĩ gì… Không có ngày nào là điện thoại của em không nhận được các cuộc gọi và tin nhắn với nội dung ấy. Em cảm thấy mình rất khó chịu và stress. Cách nào để dừng lại việc này vậy chị Thanh Tâm?
Ngọc Trà (Hà Nội)
Em gái thân mến!
Những lo lắng và suy nghĩ của gia đình cũng chỉ xuất phát từ sự quan tâm và yêu thương em. Vì vậy, em hãy lựa một cơ hội nào đó, nói rõ chuyện này cùng với các mẹ. Em có lòng tin và tình yêu lớn dành cho chồng của mình. Anh ấy làm việc có tâm, cứu giúp mọi người, có gì cũng chia sẻ, xứng đáng có được lòng tin của em.
Bên cạnh đó, tiếp thu những lời khuyên của các mẹ, chăm sóc chồng chu đáo những lúc chồng bận công việc, chị tin rằng bố mẹ cũng bớt lo lắng cho em và trong lúc mệt mỏi, chồng em cũng cảm thấy ấm lòng khi nhận được sự yêu thương của em. Từ đó vợ chồng, gia đình càng gắn bó, hiểu nhau hơn.