Sự giao lưu, hợp tác của phụ nữ không thể tách rời trong mối quan hệ Việt - Nga

22/07/2019 - 11:09
Đó là chia sẻ của Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà tại Diễn đàn Phụ nữ Việt - Nga diễn ra ở Hà Nội ngày 22/7/2019.

Tại Diễn đàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, trong mối quan hệ Việt-Nga, sự giao lưu, hợp tác giữa phụ nữ hai nước là một phần không thể tách rời. Trong những năm tháng chiến tranh, phụ nữ Liên Xô đã tích cực vận động phong trào phụ nữ thế giới ủng hộ Việt Nam về nhiều mặt, hỗ trợ phụ nữ Việt Nam mở rộng quan hệ với phụ nữ các nước và lên tiếng ủng hộ Việt Nam tại nhiều diễn đàn như Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với Liên Xô và với Liên bang Nga ngày nay thông qua hoạt động trao đổi đoàn và các chương trình hợp tác khác. 

 
ct-1.jpg
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại Diễn đàn
 
 
"Đến nay, sau thời gian gián đoạn, mối quan hệ tốt đẹp vốn có của phụ nữ hai nước đang dần được nối lại. Mới đây nhất, năm 2018, tôi có dịp tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu tại Saint Peterburg, Liên bang Nga. Sự kiện này là sáng kiến của Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga - bà Valentina Matvienko - nhằm kết nối và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tôi thực sự đánh giá cao sáng kiến này của Hội đồng Liên bang Nga và mong muốn những Diễn đàn như vậy sẽ được tổ chức định kỳ, gợi mở các cơ hội và hướng hợp tác nhiều mặt giữa phụ nữ trong khu vực Á - Âu, đặc biệt giữa phụ nữ hai nước chúng ta.
 
 
ct-4.jpg
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Phụ nữ Việt - Nga
  
Diễn đàn Phụ nữ Việt - Nga năm nay được tổ chức trong bối cảnh hai nước tổ chức Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam (2019-2020) nhân dịp 25 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nga và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Chủ đề Diễn đàn “Chung tay thúc đẩy phát triển bền vững” là một chủ đề được quan tâm của phong trào phụ nữ thế giới hiện nay nhằm đảm bảo các cơ hội bình đẳng cho phụ nữ, vì sự phồn vinh và tiến bộ chung của nhân loại.
 
Với hai phiên về “Thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục” “Giao lưu nhân dân và văn hóa, vun đắp hòa bình, hữu nghị”, Diễn đàn là cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận cơ hội hợp tác trong thời gian tới. Được biết Liên bang Nga có nhiều chính sách ưu việt chăm sóc bà mẹ và trẻ em như cấp sữa cho trẻ em trong 1,5 năm đầu, chính sách đào tạo tài năng... Chúng tôi mong muốn sẽ học tập được thêm từ những chính sách, chương trình như vậy, đồng thời tại Diễn đàn lần này, thông qua những hoạt động phong phú ở cả trung ương và địa phương, các đại biểu Nga cũng có thể tham khảo từ kinh nghiệm của phong trào phụ nữ Việt Nam", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết.
 
 
ba.jpg
Bà Umnova Irina Anatolyevna, Chủ tịch Quỹ quốc tế “Con đường hòa bình”, Trưởng Ban Nghiên cứu hiến pháp-pháp luật Trường Đại học Tư pháp quốc gia Nga trực thuộc Tòa án tối cao Liên bang Nga
  
Cũng tại Diễn đàn, bà Umnova Irina Anatolyevna - Chủ tịch Quỹ quốc tế “Con đường hòa bình”, Trưởng Ban Nghiên cứu hiến pháp-pháp luật Trường Đại học Tư pháp quốc gia Nga trực thuộc Tòa án tối cao Liên bang Nga - cho biết, Diễn đàn là nơi gặp gỡ và giao lưu giữa phụ nữ hai nước, là cơ hội hợp tác thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục và vun đắp hoà bình, hữu nghị. Bà Umnova Irina đánh giá cao vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong phong trào phụ nữ, thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ trên mọi lĩnh vực ở Việt Nam, góp phần vào thành tựu xây dựng và phát triển đất nước. Hội LHPN Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sứ mệnh thúc đẩy hợp tác hai nước từ trước đến nay.
 
 
ct-2.jpg
Cuộc trò chuyện thân mật giữa Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà và bà Umnova Irina Anatolyevna

  

Nga cũng đang hướng tới phát triển các tổ chức giáo dục, trong đó phụ nữ giữ vai trò chủ đạo. Đây cũng là cơ hội để hai bên cùng nhau tổ chức nhiều hơn các diễn đàn phụ nữ giữa 2 nước để chia sẻ mối quan tâm chung về bình đẳng giới trong giáo dục.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm