Sau 2 cuộc Chiến tranh thế giới, nhất là sau khi Thế chiến II kết thúc, sự tang tóc, điêu tàn bao trùm khắp thế giới. Trước tình cảnh đó, Liên Hiệp Quốc đã xây dựng 2 bản Tuyên cáo, đó là bản Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945 và bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 với mục đích đánh thức lương tâm nhân loại.
Năm 1946, Liên Hiệp Quốc thiết lập một tập thể soạn thảo bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, khởi đầu là Uỷ hội Nhân quyền ra đời tháng giêng năm 1946 với cuộc họp đầu tiên gồm 9 thành viên, từ ngày 29/4 đến 20/5/1946, do bà Eleanor Roosevelt, phu nhân cựu Tổng thống Hoa Kỳ chủ trì cùng sự tham gia của nhiều chuyên gia từ các châu lục. Cuộc họp thứ hai với 18 thành viên diễn ra từ ngày 27/1 đến 17/2/1947 đã bắt tay vào việc soạn thảo Tuyên ngôn. Sau đó còn có 4 cuộc họp nữa mới đi đến văn kiện chính thức.
Ngày 10/12/1848, nguyên Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt, đại diện Liên Hiệp Quốc đọc bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (Universal Declaration of Human Rights) lịch sử tại Paris, Pháp. Bản Tuyên ngôn này là nền tảng cho Bộ luật Nhân quyền Quốc tế, bao gồm 2 công ước cơ bản về quyền con người cùng được Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1966 là Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị và Công ước Quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa cũng như các văn kiện nhân quyền quốc tế trong nhiều lĩnh vực được thông qua sau đó.
Nguyên Đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt, đại diện Liên Hiệp Quốc, đọc bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền lịch sử tại Paris, Pháp, ngày 10/12/1948. |
Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền gồm lời nói đầu và 30 điều khoản ngắn gọn là một văn kiện quốc tế đề cập tới nhiều phương diện, từ cơ sở triết học đến chính trị và pháp lý, quy định cụ thể về các quyền và tự do cơ bản của con người, cụ thể về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa…
Cho đến nay, bản Tuyên ngôn được xem là văn kiện chính trị đặc biệt, được tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, hệ tư tưởng, trình độ phát triển, bản sắc văn hóa thừa nhận là giá trị chung của nhân loại. Nhiều văn kiện của các tổ chức liên chính phủ ở nhiều khu vực về sau cũng chịu ảnh hưởng về nội dung của bản Tuyên ngôn này.
Đến ngày 4/12/1950, trong phiên họp toàn thể lần thứ 317, Liên Hiệp Quốc ban hành Nghị quyết A/RES/423 (V) chính thức công nhận ngày 10/12 hằng năm là Ngày Nhân quyền (Human Rights Day).
Kể từ đó đến nay, ngày 10/12 hằng năm được đánh dấu là Ngày Nhân quyền trên toàn thế giới, trở thành cơ hội nâng cao nhận thức toàn cầu về vấn đề nhân quyền và được các quốc gia kỷ niệm. Trong những năm gần đây, Liên Hiệp Quốc còn chọn chủ đề cho ngày Nhân quyền trong mỗi năm.
Ngày 4/12/1950, Liên Hiệp Quốc ban hành Nghị quyết A/RES/423 (V) chính thức công nhận ngày 10/12 hằng năm là Ngày Nhân quyền nhằm kêu gọi bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người. |
Năm 2008, nhân dịp 60 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã khởi xướng phong trào kéo dài suốt năm để kỉ niệm.
Năm 2010 chủ đề được chọn là ‘Những người bảo vệ Nhân quyền hành động để chấm dứt nạn kỳ thị’ nhằm vinh danh và bênh vực những người đấu tranh chống lại những vi phạm nhân quyền, điển hình là loại bỏ, áp bức, bạo hành đối với những kẻ yếu thế trong xã hội. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tổ chức đồng thời hai sự kiện để đánh dấu ngày này tại Geneva (Thụy Sĩ) và New York (Mỹ).
Năm 2014, chủ đề ‘Nhân quyền 365’ với ý nghĩa rằng mỗi ngày đều là ngày Nhân quyền.
Năm 2015, Liên Hiệp Quốc đã phát động kêu gọi các quốc gia phải họat động tích cực hơn nữa nhằm xóa bỏ nạn nghèo đói.
Lịch sử và trào lưu tiến bộ của nhân loại trong hơn nửa thế kỷ qua đã chứng minh một sự thật rằng, ở bất kỳ quốc gia nào, nhân quyền chính là nhân tố giúp mang chủ quyền quốc gia về tay người dân một cách trọn vẹn, đồng thời bảo đảm cho mỗi cá nhân một đời sống hạnh phúc trên cả vật chất lẫn tinh thần.