pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sự thật phía sau quảng cáo "thuốc tiên" chữa tiểu đường

Nhiều người bệnh tiểu đường rơi vào cảnh tiền mất tật mang khi sập bẫy lừa từ các clip quảng cáo sản phẩm Lưu nguyên đường tâm
“Sập bẫy” vì tin vào quảng cáo
Theo phản ánh của bà Hoàng Thị Miên (tên nhân vật đã được thay đổi), ở phường Quang Trung (Q.Hà Đông, Hà Nội), là người mắc bệnh tiểu đường từ nhiều năm nay, quá trình lên mạng xã hội tìm hiểu, bà đã xem quảng cáo của sản phẩm Lưu nguyên đường tâm, được cho là thuốc điều trị bệnh tiểu đường của lương y Lưu Tuấn Nguyên, trong clip quảng cáo có gắn logo VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, cùng với đó là những người bệnh tiểu đường trong clip nói rằng họ bị bệnh tiểu đường và đã uống thuốc Lưu nguyên đường tâm, nên chỉ số đường huyết từ 10.0 nay đã về mức 5.0.
Do quá tin tưởng, bà Miên đã mua một liệu trình với giá 1,5 triệu đồng. Quá trình sử dụng thuốc Lưu nguyên đường tâm, chỉ số đường huyết của bà chẳng những không giảm mà còn tăng lên cao hơn. Sốt ruột, bà Miên liên hệ với những người bán thuốc thì họ lại khuyên bà phải mua tiếp 2 liệu trình nữa thì mới có hiệu quả.
Sản phẩm Lưu nguyên đường tâm chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản và Giấy xác nhận quảng cáo
Chia sẻ với PV Báo PNVN, bà Miên cho biết: “Họ nói với tôi mua tiếp 2 liệu trình để uống cho hiệu quả và giá chỉ còn 2,5 triệu đồng/2 liệu trình. Nhưng tôi thấy chỉ số cứ tăng mà không giảm nên tôi không dám dùng tiếp, sau đó tôi đến bệnh viện gặp bác sĩ để kiểm tra thì họ cho biết Lưu nguyên đường tâm không phải là thuốc, càng uống sẽ càng nguy hiểm vì chỉ số đường huyết có thể tăng cao hơn nữa”.
Tại Khoản 4, Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP về việc Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo 2012 nêu rõ:
“4. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.
Anh Nguyễn Đình Lộc, ở Văn Giang, Hưng Yên, cho biết: “Bố tôi mắc bệnh tiểu đường, ở nhà ông xem qua kênh Youtube nên đã đặt mua. Khi tôi thấy ông bỏ thuốc kê đơn của bác sĩ để uống thuốc này, tôi mới tò mò tìm hiểu thì đây chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, chứ không phải là thuốc, mà họ làm theo kiểu viên hoàn, nó có mùi hăng rất khó ngửi. Thế nhưng bố tôi thì lại rất tin vào những quảng cáo đó nên cụ cứ nằng nặc đòi uống thuốc này. Tôi phải gọi điện thoại cho anh bạn làm bác sĩ để anh ấy nói chuyện thì cụ mới tin và bỏ không dùng nữa”.
Gắn logo VTV1 để quảng cáo lừa người bệnh
Theo tìm hiểu của phóng viên, sản phẩm Lưu nguyên đường tâm chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, được Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 6124, ngày 30/8/2024. Đơn vị chịu trách nhiệm công bố lưu hành là Công ty TNHH thương mại dược mỹ phẩm Biophar, có địa chỉ tại số 195 đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Đơn vị sản xuất là Công ty cổ phần nhà máy Bách Thảo Dược, có địa chỉ tại Lô Q-6, Khu Công nghiệp Tràng Duệ, thuộc Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, xã An Hoà, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Trong đó nêu rõ, sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Thế nhưng trong các clip quảng cáo trên mạng xã hội thì sản phẩm này lại được tung hô là thuốc chữa bệnh tiểu đường, thậm chí người bệnh có thể khỏi ngay chỉ sau một liệu trình. Người xuất hiện trong clip này là y sĩ Lưu Tuấn Nguyên, có địa chỉ ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Tuấn Nguyên thừa nhận đây không phải là thuốc và ông ta cũng chỉ được mời quảng cáo giới thiệu cho sản phẩm này chứ không liên quan đến việc chạy quảng cáo và kinh doanh trên mạng xã hội.
Ngoài ra, trong các clip quảng cáo còn xuất hiện ông Đặng Hiền Binh và bà Trần Kim Thanh được cho là những bệnh nhân tiểu đường đã khỏi bệnh sau khi dùng thuốc Lưu nguyên đường tâm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Binh và bà Thanh chỉ là những diễn viên quần chúng đang sinh hoạt trong một Câu lạc bộ điện ảnh truyền hình tự phát ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội, họ được thuê đóng giả người bệnh với mức thù lao 700 nghìn đồng/clip.
Về logo VTV1 gắn trong clip quảng cáo, ông Nguyễn Trường Sơn (Đài Truyền hình Việt Nam), cho hay: họ gắn logo VTV1 lên clip quảng cáo cho sản phẩm Lưu nguyên đường tâm là hành vi có dấu hiệu giả mạo nhà đài, vì Đài Truyền hình Việt Nam không quảng cáo cho sản phẩm này.
Bác sĩ quân y Phạm Hoàng Thành (Sư đoàn 9, Quân đoàn 34), cho biết: “Việc quảng cáo thổi phồng công dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lưu nguyên đường tâm thành thuốc điều trị bệnh tiểu đường là điều rất nguy hiểm với người bệnh. Bởi tiểu đường là căn bệnh mạn tính và hiện chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn. Vì vậy, những quảng cáo trị dứt điểm tiểu đường là hoàn toàn sai sự thật, lừa dối người bệnh. Khi người bệnh tin theo quảng cáo này, họ bỏ thuốc kê đơn của bác sĩ để sử dụng sản phẩm không phải là thuốc sẽ dẫn đến nguy cơ chỉ số đường huyết tăng cao và có thể gặp những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, người bệnh cần tỉnh táo, không nên tin theo những quảng cáo trên mạng xã hội để rồi rơi vào cảnh tiền mất tật mang”.
Đề nghị Cục An toàn thực phẩm, Thanh tra Bộ Y tế và các cơ quan chức năng hữu quan, cần sớm vào cuộc kiểm tra xử lý các hành vi quảng cáo lừa dối người tiêu dùng để bán sản phẩm Lưu nguyên đường tâm như trên, tránh gây bức xúc trong dư luận.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 52 Nghị định 38/2021, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định. Theo đó, quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.