Sự tích cúng gà trống đêm giao thừa

27/01/2017 - 11:25
Sở dĩ gà trống được chọn làm vật cúng tế linh thiêng trong đêm giao thừa là bởi theo một truyền thuyết được lưu truyền từ xưa đến nay.

Chuyện kể rằng, vào thời xa xưa, khi Ngọc Hoàng mới sáng tạo ra trái đất, Người thấy mặt đất khi đó rất lạnh lẽo, ẩm thấp, bèn sai mười ông mặt trời suốt ngày đêm chiếu sáng để sấy khô. Chẳng bao lâu sau, khi đất đã khô rang, nứt nẻ rồi mà Ngọc Hoàng vẫn quên không thu các mặt trời về, khiến con người và cây cỏ khốn đốn vì nắng hạn.

Bỗng trên thế gian xuất hiện một chàng dũng sĩ có sức khỏe phi thường và chiếc cung thần linh thiêng tuyệt diệu, chàng giương cung thần lên,  bắn liên tiếp những mũi tên màu nhiệm lên trời, làm rụng 9 ông mặt trời xuống biển. Còn một ông cuối cùng sợ quá, trốn biệt không ló ra nữa. Kẻ từ đó, mặt đất lại trở lại như xưa, lạnh lẽo và tăm tối.

Không thể chịu đựng được cảnh đêm dày bao phủ triền miên, con người và vạn vật rủ nhau đi tìm gọi mặt trời. Họ đi mãi, đi mãi, ngày này qua ngày khác mà không sao tìm được ông mặt trời cuối cùng… cảnh lạnh lẽo hoang tàn bao phủ khắp mặt đất hoang vu, giá lạnh…

3.jpg
 Gà trống được chọn làm vật cúng tế đêm giao thừa với hi vọng, chú gà sẽ đánh thức mặt trời, chiếu sáng cho đủ đầy ánh nắng cả năm, mang lại mưa thuận gió hoà cho cư dân nông nghiệp.

Bỗng một hôm, có một chú gà trống choai khoẻ mạnh và vạm vỡ, chú nhảy lên một cành cây trên ngọn núi cao, dùng hết sức bình sinh, lấy một hơi dài rồi vươn cổ, cất lên một  tiếng gáy vang lừng. Kỳ diệu thay, sau tiếng gà gáy ấy, từ phía đông lạnh lẽo kia, một vừng hồng hé rạng và chẳng bao lâu sau, mặt trời to như chiếc mâm son xuất hiện, đỏ rực, từ từ nhô lên khỏi mặt biển, tỏa ra ánh sáng chói lòa, khiến mặt đất lại bừng lên những tia nắng ban mai ấm áp. Cỏ cây, hoa lá cùng vạn vật hò reo vang dậy chào đón ông mặt trời ấm áp đã mang nguồn năng lượng vô biên đến cho muôn loài.

Cũng kể từ ngày ấy, không kể mùa hè nóng bức hay mùa đông giá lạnh, như một thiên chức vẻ vang, sáng nào cũng vậy, chú gà trống đều cất cao tiếng gáy oai hùng gọi mặt trời lên… Mặt trời cũng vậy, dù ngài có ở đâu xa, khi nghe thấy tiếng gà gáy thì đều vươn mình trỗi dậy, vượt qua biển lớn, bay lên trời cao để làm nhiệm vụ chiếu sáng cho muôn loài.

Đêm giao thừa (trừ tịch) là đêm trời đất tối tăm nhất, người ta bảo đó là lúc mặt trời ẩn mình sâu nhất. Nhà nhà bảo nhau cúng một con gà trống với hi vọng, chú gà sẽ đánh thức mặt trời, chiếu sáng cho đủ đầy ánh nắng cả năm, mang lại mưa thuận gió hoà cho cư dân nông nghiệp. Gà cúng trong đêm giao thừa phải là gà trống hoa, trống mới le te gáy, chưa đạp mái với ý nghĩa khoẻ mạnh, tinh khiết thì lời thỉnh cầu mới linh nghiệm.

mam-le-cung-giao-thua-co-nhung-gi-0.jpg

Con gà là biểu tượng của một nền văn hoá đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nghề nông lúa nước. Lâu dần, cúng gà trống hoa thành phong tục của mọi gia đình Việt Nam vào lúc giao thừa.

Cúng gà đêm giao thừa là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, mọi thế hệ cần gìn giữ truyền thống có từ lâu đời này vì đó là một nét đẹp trong phong tục của nhiều dân tộc anh em trong làng Đại Việt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm