Khi thực hiện chuyên đề "BẠO LỰC GIA ĐÌNH - VÌ SAO CHÚNG TA ĐANG THẤT BẠI?" với những tâm sự của người trong cuộc - những nạn nhân đơn độc trong hành trình gian nan bảo vệ mình chính ở nơi hy vọng được bình yên nhất, báo Phụ nữ Việt Nam đã nhận được một lá thư rất tâm huyết gửi về từ Amsterdam (Hà Lan) của chị Hoàng Tú Anh, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số - một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề Bạo lực gia đình.
Trong lá thư, chị viết: "Tôi mong thay vì có hàng trăm số điện thoại để gọi báo về bạo lực ở các tỉnh/thành, hãy chỉ có 1 số thôi và hãy tích hợp việc xử trí các tình huống bạo hành vào số khẩn cấp 113, bởi thực tế đây là những trường hợp khẩn cấp, khẩn cấp đến mức có thể không có đủ thời gian để bấm đủ 8 con số của điện thoại. Tôi cũng mong thay vì việc mỗi năm tổ chức 1 ngày phòng chống bạo lực gia đình, hãy dành ra mỗi ngày 1,3 phút để phát thông tin về bạo hành trong các chương trình quảng cáo phát trên tivi hay đài tiếng nói. Đây là số phút tính trung bình nếu chia 8 tiếng của 1 ngày kỷ niệm cho 365 ngày trong năm. Các chương trình hô khẩu hiệu trong ngày phòng chống bạo lực gia đình sẽ hào nhoáng và có thể bị lãng quên ngay sau đó nhưng 1,3 phút mỗi ngày cho số điện thoại khẩn cấp và các kỹ năng cần thiết để ứng xử khi bị bạo lực có thể cứu được nhiều người".
Chị Tú Anh cho hay: "Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2007. Qua ngần đấy năm, các trường hợp phụ nữ bị bạo hành chưa có dấu hiệu giảm. Đặc biệt các vụ bạo hành dã man dường như gia tăng. Vụ sau tàn bạo hơn vụ trước. Có khi đến vài tháng tôi không dám đọc báo hoặc đọc báo mà không dám mở những bài kiểu như “Cắt cổ vợ tại chỗ vì đòi ly hôn”, “Chồng đâm thủng má, cắt gân tay, gân chân vợ”, “Chồng tẩm xăng thiêu sống vợ”, “Chồng giết vợ đưa xác về quê”...
Chỉ nhìn những tiêu đề đó đã thấy nghẹn đắng. Nhà nước Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ bình đẳng giới. Quyền của người phụ nữ được thừa nhận trong Hiến pháp và pháp luật. Phụ nữ Việt Nam còn có một Hội phụ nữ mạnh mẽ giàu truyền thống đứng đằng sau. Vậy vì sao những trường hợp như vậy vẫn xảy ra? Vì sao người phụ nữ bao giờ cũng được nhắc đến ở thời khắc đã quá muộn màng?
Không có câu trả lời đơn giản cho tình trạng này, cũng không có một giải pháp duy nhất hiệu quả. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ muốn chia sẻ một số câu chuyện mà tôi đã gặp trong thực tế, những mong có thể giúp các cơ quan chức năng và cộng đồng cùng suy nghĩ về cách ứng xử khi gặp trường hợp bạo lực.
Trường hợp thứ nhất: Làm ồn đêm khuya
Một xóm trưởng đã chia sẻ kinh nghiệm của ông về can thiệp một gia đình có bạo lực như sau: “Hai vợ chồng đêm khuya còn làm ầm ĩ. Ông chồng đi nhậu về bị vợ cằn nhằn thế là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Nhận được phản ánh của quần chúng, tôi đã đến phân tích phải trái với 2 vợ chồng. Tôi bảo với ông chồng: đêm hôm rồi, phải giữ trật tự để không ảnh hưởng đến làng xóm”.
Tôi tin rằng người xóm trưởng là một người tốt. Ông thật sự toàn tâm toàn ý vì sự bình yên của xóm làng. Ông đã không quản ngại đêm hôm khuya khoắt đến tận nơi xảy ra sự việc để can thiệp.
Tuy nhiên, khi nghe ông kể, tôi đã không khỏi mất một lúc sững sờ. Vậy là cái sự can thiệp không phải là vì sự an nguy của người phụ nữ mà vì giấc ngủ của hàng xóm. Tôi cứ nghĩ dại nếu sau khi ông về, sự bạo hành tiếp tục diễn tiến thì sẽ thế nào?
Trường hợp thứ 2: Có dao chưa chắc đã dùng
Trong một cuộc thảo luận nhóm với những người nam giới, với câu hỏi họ sẽ làm gì khi chứng kiến bạo lực ở nhà hàng xóm (ví dụ: thấy người chồng đánh vợ ở sân), đa phần nói rằng trước hết họ sẽ nghe ngóng, nếu thấy yên ắng thì thôi, nếu thấy bạo lực hơn thì họ sẽ can thiệp.
Chúng tôi hỏi tiếp: Bạo lực hơn là như thế nào? Câu trả lời là: Ví dụ thấy chồng đánh hung quá gây thương tích, chảy máu này kia thì phải vào can thiệp. Chúng tôi lại hỏi: Vậy nếu chưa thấy thương tích nhưng chồng cầm que, gậy thì có vào can thiệp không? Câu trả lời là: Không, chưa can thiệp được. Chồng có thể cầm que, gậy nhưng chưa chắc đã dùng. Khi nào dùng que gậy đó mà đánh nhiều làm tổn thương, chảy máu thì mình mới vào. Lo lắng, chúng tôi hỏi tiếp: Thế nếu người chồng cầm dao thì sao? Câu trả lời là: Cũng chưa vào. Có thể là anh ta cầm dao chỉ dọa thôi, có dao chưa chắc đã dùng. Mình vào can thiệp làm anh ta nổi nóng hơn, không kiềm chế được thì có khi anh ta lại đâm thật và đâm cả mình. Tự nhiên tôi thấy tính mạng người phụ nữ sao mà mong manh. Dù làng xóm nông thôn Việt Nam “tối lửa tắt đèn có nhau” thật đấy nhưng không phải khi có bao nhiêu người đứng quanh thì có nghĩa là người phụ nữ đã được bảo vệ, đã được an toàn.
Trường hợp thứ 3: Chú ấy cũng tốt mà, chỉ phải cái rượu, hãy nghĩ cho con
Rất nhiều trường hợp phụ nữ bị giết hay bị gây thương tật nặng khi họ đề nghị ly hôn hay trong quá trình xử ly hôn. Đây là thời điểm cực kỳ nguy hiểm với những phụ nữ bị chồng bạo hành. Nghiên cứu quốc tế cho thấy phụ nữ trong thời gian chuẩn bị ly hôn hay ngay sau khi ly hôn có nguy cơ bị giết cao hơn nhiều so với những phụ nữ đang bị bạo hành khác.
Trong bối cảnh chịu nguy hiểm, những phụ nữ trong quá trình chuẩn bị ly hôn thường rất đơn độc. Hiếm khi họ nhận được sự ủng hộ của gia đình và các cơ quan đoàn thể, kể cả của Hội phụ nữ. Đôi khi chính Hội phụ nữ và các thành viên khác của Tổ hòa giải lại là tác nhân khiến quá trình ly hôn của người phụ nữ bị kéo dài, đồng nghĩa sự nguy hiểm đối với người phụ nữ cũng nhiều hơn. Trong bối cảnh văn hóa truyền thống ở Việt Nam, người phụ nữ thường đã rất khó khăn để đưa ra quyết định ly hôn. Họ thường lần lữa rất nhiều với hy vọng chồng mình sẽ tốt hơn, sẽ ít uống rượu hơn, sẽ đỡ bạo hành hơn. Họ đã phải suy nghĩ rất nhiều trước khi viết đơn, để rồi đến khi viết đơn thì lại được tiếp tục khuyên rằng nên hy sinh vì con và người chồng cơ bản là người tốt, trừ việc anh ta uống rượu, trừ việc anh ta bạo hành. Thậm chí có trường hợp người phụ nữ còn được phân tích là trong cái sự bạo hành của chồng cũng có cái lỗi của vợ. Ngoài việc hòa giải nhiều lần, có những trường hợp phụ nữ nói rằng họ không ly hôn được vì không có tiền nộp cho tòa. Chúng tôi không có đủ điều kiện để xác minh các thông tin này, song những người phụ nữ đó cho biết nếu muốn ly hôn nhanh, họ phải nộp nhiều triệu đồng, số tiền mà với họ là quá lớn, vì thế họ chấp nhận ở lại với chồng.
Có thể các cán bộ Hội phụ nữ, các đoàn thể, chính quyền thật sự mong muốn và hy vọng người phụ nữ sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, không bạo lực với người chồng của mình nhưng cũng có thể những cán bộ Hội không mong muốn ly hôn vì tỉ lệ ly hôn cao có thể là một chỉ số không tốt về tình trạng văn hóa xã hội của địa phương. Tỉ lệ ly hôn cao cũng có thể làm xã không đạt “Xã văn hóa”.
3 trường hợp khác nhau này có 1 điểm chung, đó là sự trì hoãn và sự hy vọng. Sự trì hoãn có thể dẫn đến chết người và sự hy vọng viển vông. Sâu xa hơn và nhức nhối hơn, đó là trong tất cả các phản ứng này dường như người phụ nữ lại không phải là trung tâm, kể cả khi tính mạng của cô ấy đang bị đe dọa.
Tự nhiên tôi nhớ đến nước Mỹ. Trong cuộc nói chuyện với một nữ cảnh sát Mỹ, cô ấy cho biết, trong trường hợp bạo hành xảy ra buổi đêm, cảnh sát sẽ bắt 2 người lên đồn tạm giữ. Rất ngạc nhiên, tôi hỏi: “Vì sao lại cả hai người?”. Cô trả lời: “Vì nếu để họ ở nhà thì không biết trong đêm có chuyện gì xảy ra, nếu bạo lực tiếp tục thì chúng tôi lại phải đến, có thể trong đêm phải đi lại nhiều lần mà có khi đến được thì mọi chuyện đã quá muộn. Bắt họ lên tạm giữ riêng mỗi người một nơi ở đồn là an toàn nhất. Phải tạm giữ cả người phụ nữ vì có trường hợp người phụ nữ trong lúc ở nhà một mình đã nghĩ quẩn và làm chuyện dại dột như tự tử hoặc bỏ nhà đi lang thang trong đêm, như thế rất nguy hiểm”. Đúng là thực dụng kiểu Mỹ nhưng không phải là không có lý. Một điều tuyệt vời nữa, cảnh sát Mỹ đã xử trí theo nguyên tắc: “An toàn của người phụ nữ là trên hết”. Ở Mỹ không có hệ thống cán bộ cơ sở như Việt Nam nhưng họ lại có hệ thống thông tin rất tốt. Do vậy, thường người phụ nữ khi bị bạo lực hoặc những người biết có bạo lực xảy ra có thể dễ dàng báo tới cảnh sát thông qua số điện thoại khẩn cấp 911.
Chị Hoàng Tú Anh, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số |
Tự nhiên tôi nhớ đến nước Mỹ. Trong cuộc nói chuyện với một nữ cảnh sát Mỹ, cô ấy cho biết, trong trường hợp bạo hành xảy ra buổi đêm, cảnh sát sẽ bắt 2 người lên đồn tạm giữ. Rất ngạc nhiên, tôi hỏi: “Vì sao lại cả hai người?”. Cô trả lời: “Vì nếu để họ ở nhà thì không biết trong đêm có chuyện gì xảy ra, nếu bạo lực tiếp tục thì chúng tôi lại phải đến, có thể trong đêm phải đi lại nhiều lần mà có khi đến được thì mọi chuyện đã quá muộn. Bắt họ lên tạm giữ riêng mỗi người một nơi ở đồn là an toàn nhất. Phải tạm giữ cả người phụ nữ vì có trường hợp người phụ nữ trong lúc ở nhà một mình đã nghĩ quẩn và làm chuyện dại dột như tự tử hoặc bỏ nhà đi lang thang trong đêm, như thế rất nguy hiểm”. Đúng là thực dụng kiểu Mỹ nhưng không phải là không có lý. Một điều tuyệt vời nữa, cảnh sát Mỹ đã xử trí theo nguyên tắc: “An toàn của người phụ nữ là trên hết”. Ở Mỹ không có hệ thống cán bộ cơ sở như Việt Nam nhưng họ lại có hệ thống thông tin rất tốt. Do vậy, thường người phụ nữ khi bị bạo lực hoặc những người biết có bạo lực xảy ra có thể dễ dàng báo tới cảnh sát thông qua số điện thoại khẩn cấp 911.
Amsterdam, Hà Lan, 2016
Hoàng Tú Anh
(Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số)
Bạo lực gia đình đeo bám như vòi bạch tuộc đến các yếu tố văn hóa, kinh tế và xã hội nên khó giải quyết tận gốc, ngay cả với những quốc gia phát triển nhất. Tại Việt Nam, khó khăn kinh tế, mối quan hệ trong gia đình lỏng lẻo, hình ảnh bạo lực xuất hiện tràn lan... chính là “môi trường” để BLGĐ diễn biến phức tạp, cả về thể chất lẫn tinh thần. Đã đến lúc thay vì bức xúc, bị động, loay hoay với từng vụ cụ thể, thay vì đổ lỗi cho các nạn nhân “im lặng, câm nín”, chúng ta cần lên tiếng mạnh mẽ, cần hành động bằng sự quan tâm cao nhất và nhận thức đầy đủ nhất. Cần sớm thực thi Chương trình quốc gia về phòng chống BLGĐ, trong đó tập trung: - Rà soát và điều chỉnh các văn bản luật liên quan theo hướng cụ thể hóa (và khả thi hóa) các quy trình xử lý BLGĐ, có tính tăng nặng hình phạt đối với các hành vi bạo lực người thân; - Quốc hội có chương trình giám sát riêng việc thực thi pháp luật liên quan đến BLGĐ và bình đẳng giới; sớm truyền thông kết quả giám sát đến cộng đồng; - Xét xử công khai một số vụ án nghiêm trọng để răn đe; - Xây dựng đường dây nóng duy nhất, toàn quốc hỗ trợ nạn nhân BLGĐ với đội ngũ cảnh sát và tư vấn đặc biệt được trang bị đầy đủ nguồn lực, kiến thức và kỹ năng về giới, về BLGĐ; - Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, pháp luật, xây dựng gia đình trong nhà trường, gia đình và cộng đồng. Còn nhớ, cuối những năm 1990, người dân Hải Phòng bàng hoàng khi nghe tin 1 người cha phân xác con trôi sông. Cả thành phố rúng động. Sau hơn 20 năm, bây giờ, giữa Thủ đô, đọc tin “chồng giết vợ giấu xác trong phòng ngủ”, “con giết mẹ vì bị... gọi ăn sáng” mà chỉ biết lắc đầu. Cái lắc đầu lần sau như nhẹ hơn lần trước. Nếu một vài năm tới không còn ai “lắc đầu” bởi đã bị “bão hòa” trước tội ác tày đình, chúng ta có vô can? |
Mời độc giả theo dõi chuyên đề "BẠO LỰC GIA ĐÌNH - VÌ SAO CHÚNG TA ĐANG THẤT BẠI?" |