Sức sống mới của người Cống bên dòng Nậm Núa

Nguyễn Hải Phong
26/11/2023 - 22:30
Sức sống mới của người Cống bên dòng Nậm Núa

Tại bản Púng Bon, người dân tộc Cống chiếm phần lợi với 251 nhân khẩu.

Dân tộc Cống là một trong số những dân tộc rất ít người của tỉnh Điện Biên. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ, đời sống của đồng bào đã và đang có những đổi thay từng ngày.

Đổi thay ở bản người Cống

Theo thống kê, đến nay, tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Cống hiện có hơn 200 hộ với hơn 900 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc Cống cư trú ở 6 bản thuộc 3 huyện của tỉnh Điện Biên là các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ và Điện Biên.

Bản Púng Bon (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên) được xem là một trong những địa điểm tập trung nhiều đồng bào dân tộc Cống sinh sống nhất khi chỉ riêng tại bản biên giới này đã có 54 hộ với 251 nhân khẩu người Cống sinh sống.

Sức sống mới của người Cống bên dòng Nậm Núa- Ảnh 1.

Bản Púng Bon, nơi cộng đồng người dân tộc Cống ở huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) sinh sống

Theo lời một vị cán bộ xã Pa Thơm thì Púng Bon giờ đây thay đổi nhiều lắm. Đoạn đường từ trung tâm xã đến bản làng giờ đây đều đã được cứng hóa. Trước đây, nếu như Púng Bon được biết đến là một bản biên giới nằm biệt lập thì hiện tại, cây cầu treo kiên cố vắt ngang qua dòng sông Nậm Núa đã giúp cho những người dân đồng bào dân tộc Cống ở đây kết nối dễ dàng ra bên ngoài.

Sức sống mới của người Cống bên dòng Nậm Núa- Ảnh 2.

Các con đường ở bản Púng Bon đều đã được bê tông hóa.

Dẫn tôi đi thăm một vòng Púng Bon, ông Lò Văn Liên, Bí thư Chi bộ bản hồ hởi chia sẻ những đổi thay của những hộ dân nơi đây. Đó là những căn nhà kiên cố, vững chãi lợp mái màu xanh, đỏ; đó là những con đường đất chạy dọc bản giờ đây đều đã được cứng hóa bằng bê tông; đó là tỉ lệ hộ nghèo giảm đều qua từng năm và cuối cùng đó là người dân khu vực khác không gọi Púng Bon như là điểm nóng về ma túy của huyện Điện Biên.

Sức sống mới của người Cống bên dòng Nậm Núa- Ảnh 3.

Những ngôi nhà to đẹp, khang trang không hiếm ở bản Púng Bon.

"Chú thấy đấy, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà giờ đây người Cống ở Púng Bon đều có cơm ăn, áo mặc, cuộc sống no ấm, đường xá khang trang rất thuận tiện cho việc đi lại. Nếu như cách đây vài năm, Púng Bon có đến hơn 20 người nghiện ma túy thì con số này giờ đây giảm xuống còn 9 người. Những người này đều đã được đưa đi cai nghiện và có kết quả tốt", ông Liên hồ hởi.

Về cái ăn, cái mặc, người dân ở Púng Bon không phải lo chạy ăn từng bữa như trước nữa do đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi. Không chỉ xóa được cái đói, ở Púng Bon, có những hộ gia đình đã vươn lên làm giàu ngay tại chính mảnh đất miền viễn biên xa xôi này.

Sức sống mới của người Cống bên dòng Nậm Núa- Ảnh 4.

Những đứa trẻ ở bản Púng Bon đều được đến trường

Có thể kể đến như trường hợp của gia đình ông Lò Văn Mọng. Nếu như trước đây, hộ gia đình ông Mọng được xếp vào hộ nghèo của bản và từng phải vật lộn với cái đói triền miên trong những tháng giáp hạt. Thế nhưng, nhờ được hỗ trợ từ các chương trình, dự án, nhất là Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên đã mở ra cho ông một con đường sáng để thoát nghèo.

Theo đó, ông Mọng đã sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng để chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Chưa dừng ở đó, ông còn mạnh dạn đầu tư máy móc đề khai khẩn ruộng hoang để phục vụ công tác trồng cấy cây lúa nước mỗi năm 2 vụ.

Sức sống mới của người Cống bên dòng Nậm Núa- Ảnh 5.

Ông Lò Văn Liên, Bí thư Chi bộ bản Púng Bon

Nhờ nguồn vốn, kết hợp với sự chăm chỉ, chịu khó, đến nay, gia đình ông trồng 5.000m2 lúa nước, 1ha lúa nương, hàng chục con trâu, bò và ao nuôi cá trắm, rô phi, lăng, mỗi năm thu hoạch 2 vụ, đem lại nguồn thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm. Với thu nhập trên, gia đình ông Mọng đã dựng được căn nhà sạch đẹp, khang trang vào diện nhất bản.

Không còn tảo hôn ở Púng Bon

Chị Nạ Thị Bun (người dân tộc Cống ở Púng Bon) năm nay mới gần 36 tuổi nhưng đã có 2 người con lớn đang theo học cấp 3. Cách đây nhiều năm trước, chị Bun là một trong số những trường hợp tảo hôn ở Púng Bon.

Khác với người Mông, dù người Cống không có tục bắt vợ nhưng tình trạng tảo hôn nhiều năm trước vẫn xảy ra do đặc điểm sản xuất kinh tế nông nghiệp, cần nhiều sức lao động. Năm 14 tuổi, sau khi được người thương bày tỏ tình cảm, chị Bun gật đầu. Đám cưới của hai "đứa trẻ" khi ấy được tổ chức với sự đồng ý của hai bên họ hàng.

Sức sống mới của người Cống bên dòng Nậm Núa- Ảnh 6.

Nhận thức được tác hại của tảo hôn, chị Bun quyết tâm không để con cái kết hôn sớm.

"Sau này lớn lên, mới thấy kết hôn sớm, không có chữ vất vả quá nên nhà mình phải cố gắng để cho con cái đi học chứ không thể như bố mẹ chúng như trước được", chị Bun giãi bày.

Theo chị Nạ Thị Dung (26 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Púng Bon) thì nhiều năm trở lại đây không có trường hợp tảo hôn trong cộng đồng. Phụ nữ ở Púng Bon cũng thường xuyên được tham dự các buổi thảo luận về sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình nên nhận thức khá đầy đủ về tác hại suy giảm nòi giống, kinh tế, sức khỏe của tảo hôn.

Bên cạnh đó, theo chị Dung, việc chính quyền tạo điều kiện xây dựng cây cầu treo bắc qua dòng sông Nậm Núa là một trong những yếu tố then chốt góp phần giúp những người phụ nữ dân tộc Cống kết nối với bên ngoài để học hỏi những kinh nghiệm phát triển kinh tế, xã hội.

Sức sống mới của người Cống bên dòng Nậm Núa- Ảnh 7.

Sức sống mới ở bản Púng Bon.

"Trước đây, người dân ở bản Púng Bon bị chia cắt bởi con sông Nậm Núa. Mùa nước cạn, người dân có thể đi bộ di chuyển qua sông để xuống huyện hoặc trung tâm xã giao thương hàng hóa. Tuy nhiên, khi mùa nước lên, nước sông cuồn cuộn chảy nên dễ có đến cả vài tháng người dân không ra ngoài được. Từ khi có cây cầu treo, người dân ở đây có thể dễ dàng di chuyển bằng xe máy xuống xã, huyện để mua bán, trao đổi, giao lưu với thế giới bên ngoài nên đời sống càng ngày càng tân tiến", chị Dung chia sẻ.

Đồng bào người Cống là một trong những dân tộc ít người của tỉnh Điện Biên nên nhận được sự quan tâm của chính quyền tỉnh Điện Biên. Đặc biệt, ngày 28/2/2012, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành và phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên" giai đoạn 2011 - 2020. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc Cống đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 78,8% (năm 2012) xuống 50% (2020).

Sức sống mới của người Cống bên dòng Nậm Núa- Ảnh 8.

Cây cầu treo nối đôi bờ dòng Nậm Núa như mở cho cộng đồng người Cống ở Púng Bon đường giao lưu với bên ngoài

Trong đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản, giao thông đảm bảo lưu thông quanh năm; trường lớp học cơ bản đáp ứng được nhu cầu về dạy và học. Các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ điều kiện sống, phát triển sản xuất, văn hóa thông tin, y tế, giáo dục... được thực hiện đầy đủ đúng chế độ. Sau gần 10 năm thực hiện, Đề án này đã tiếp sức cho người Cống ở Púng Bon vươn lên…

Sức sống mới của người Cống bên dòng Nậm Núa- Ảnh 9.

Cuộc sống yên bình của người Cống ở bản Púng Bon.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, qua thời gian thực hiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên, nhìn chung đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Cống nói chung, tại bản Púng Bon nói riêng cơ bản được nâng lên, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu. 

Bà con đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức, trình độ sản xuất, phong tục tập quán; đại đa số đồng bào được tiếp cận cơ bản các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy... Qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo được lòng tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm