Sức sống xanh từ 'Ngày Chủ nhật nông thôn mới' ở Bến Tre

06/08/2019 - 16:17
Những năm gần đây, phong trào phụ nữ chung tay tham gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Thạnh Phú (Bến Tre) đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia.

Hoạt động trọng tâm của các cấp Hội là vận động hội viên, phụ nữ chủ động phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, bảo vệ môi trường.

 

dscn4600.JPG
Hội LHPN xã Quới Điền (Thạnh Phú, Bến Tre) vận động hội viên phụ nữ trang bị sọt rác gia đình hưởng ứng tham gia thực hiện “Ngày Chủ nhật Nông thôn mới” 

 

Theo đó, các cấp Hội Phụ nữ đã thực hiện nhiệm vụ giữ gìn vệ sinh môi trường gắn với thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và mô hình “Ngày Chủ nhật nông thôn mới” ở 17 xã, đạt nhiều kết quả tích cực, tạo sức lan tỏa rộng khắp.

“Ngày Chủ nhật nông thôn mới” được xem là sản phẩm trong thực hiện Kết luận số 359 - KL/TU của Tỉnh ủy Bến Tre  về phát triển nông nghiệp, nông dân, xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2018 - 2020.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Thạnh Phú, chị Võ Thị Thơ, cho biết: Từ năm 2015 đến nay, hằng năm, Hội đã tổ chức trên 1.500 buổi dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác không đúng nơi quy định; Nhân rộng có hiệu quả 202 mô hình “5 không, 3 sạch” với gần 5.500 hộ gia đình tham gia các nội dung như trang bị sọt rác gia đình, nói không với túi nylon, tuyến đường không rác, xách giỏ đi chợ, xây hố xí hợp vệ sinh, tuyến đường hoa, phụ nữ giúp nhau thoát nghèo...

“Ngày Chủ nhật nông thôn mới” được thực hiện tại tất cả các xã xây dựng nông thôn mới huyện Thạnh Phú. Trong đó, tiêu biểu như Hội LHPN xã Thới Thạnh với mô hình phụ nữ nói không với túi nylon, Giao Thạnh với mô hình thùng xanh chứa nước sạch, Quới Điền với mô hình xây dựng hố xí hợp vệ sinh và Thạnh Phong với mô hình 3 sạch “sạch ngõ, sạch nhà, sạch bếp”.

Tại ấp Đại Thôn (xã Thạnh Phong), nhiều cán bộ nghỉ hưu và hộ dân tham gia phát quang cây, cỏ tạp, quét dọn và trồng hoa 2 bên tuyến đường bê-tông từ Quốc lộ 57 đến cầu Mương Nò, đoạn dài hơn 700m, góp phần làm thay đổi bộ mặt làng quê với những sắc hoa tươi thắm. Chị Trần Thị Út, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Đại Thôn, cho biết. “Khi địa phương tổ chức thực hiện Ngày Chủ nhật nông thôn mới, tôi cũng như các chị em ở đây đồng hưởng ứng với Chi bộ, chính quyền. Chúng tôi xác định đây là việc làm thiết thực, đem lại sức sống mới xanh, sạch, đẹp cho nông thôn, nên ai ai cũng phấn khởi”.

Có thể nói, khi "Ngày Chủ nhật nông thôn mới" được phát động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong tham gia. Bà Đào Thị Bé ở ấp Thạnh Phước (xã Thạnh Phong) là một trong những người tích cực thực hiện. Không chỉ riêng “Ngày Chủ nhật nông thôn mới” mà với bà, mỗi ngày đều là Ngày Chủ nhật nông thôn mới. “Việc dọn vệ sinh, phát quang được hội viên Hội phụ nữ xã thực hiện mỗi tháng nhưng nó chỉ dừng lại ở hộ gia đình hội viên. Giờ thực hiện “Ngày Chủ nhật nông thôn mới” sẽ lan tỏa toàn xã, ai cũng thực hiện điều này sẽ mang lại hiệu quả, để qua đó bà con lối xóm có thể thấy được để cộng đồng trách nhiệm, nâng cao hơn nữa ý thức cùng chung tay xây dựng nông thôn mới”, bà Đào Thị Bé cho biết.

 

dscn4604.jpg
Từ nguồn vốn quỹ tương trợ, xoay vòng, chị Nguyễn Thu Cúc (bìa trái) ở ấp Giao Hòa, xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, đã đầu tư trồng màu chuyên canh, giúp gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định và giảm nghèo bền vững.

 

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn kết hợp đổi mới phương thức hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. Hội LHPN huyện phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhận ủy thác và các chương trình tín dụng để phụ nữ tiếp cận vốn vay phát triển kinh tế gia đình với số vốn trên 163 tỉ đồng cho hơn 10.300 hộ vay. Bên cạnh đó, Hội còn duy trì, nhân rộng phong trào giúp nhau phát triển kinh tế và phát triển các tổ nghề nghiệp, tổ tương trợ bằng nhiều hình thức, đến nay có 460 tổ với hơn 8.700 thành viên tham gia. Thực hiện phong trào tiết kiệm thông qua 112 chi hội, 615 tổ hội với hình thức tiết kiệm từ quỹ tương trợ, xoay vòng, số tiền hơn 13 tỉ đồng, giúp gần 3.500 chị em mượn vốn để phát triển kinh tế.

Ngoài ra, các cấp Hội phụ nữ đã tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay, vốn tương trợ, cây con giống, tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật... Từ năm 2015 đến nay có 650 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ đăng ký đề án sinh kế thoát nghèo, cuối năm các hộ đăng ký đều thoát nghèo, đạt chỉ tiêu từng năm. Cùng với đó, các cấp Hội trong huyện triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” với các chương trình được cụ thể hóa tại địa phương như chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp, Đề án phát triển sinh kế thoát nghèo bền vững. Hội thành lập mới 32 tổ hợp tác, liên kết SX như kết cườm, may công nghiệp, may túi xách, bó chổi, đan dây nhựa, nuôi bò sinh sản...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm