pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sụt lún do khoan giếng ở Quốc Oai: Cuộc sống chưa rõ ngày về của các hộ dân bị ảnh hưởng
Khu vực sụt lún đang được phong tỏa và bảo vệ nghiêm ngặt
Họa… từ dưới đất chui lên
"Dãy nhà HTX đã xây dựng từ lâu và gần như bỏ không, chỉ có hội trường tầng 2 được câu lạc bộ vật thuê làm nơi tập luyện. Các phòng đã xuống cấp nghiêm trọng, thấm dột và ẩm mốc. Xung quanh là ao tù nước đọng, ô nhiễm. Tôi phải nấu ăn ở ngoài hành lang, căng bạt ở góc sân làm chỗ phơi áo quần và để xoong nồi, xô chậu. Ở đây thiếu thốn đủ đường, nhiều đêm tôi không thể chợp mắt", bà Y chia sẻ.
Bà Y cho biết, bà là người đầu tiên phát hiện ra vụ sụt lún. Ngày 22/11/2023, bà đi làm đồng về. Vừa vào nhà cắm được nồi cơm quay ra bà Y giật mình khi thấy cổng nhà mình bị đổ nghiêng. Nghĩ có ô tô tải lớn vừa đi qua làm đổ cổng, bà Y ra kiểm tra nhưng không thấy chiếc ô tô nào. Quay vào, bà Y hốt hoảng khi sân phía trước nhà cũng bị nứt toác. Ngôi nhà 3 tầng bị nghiêng hẳn về phía trước. Không dám bước chân vào nhà, bà Y vội chạy lên UBND xã Đồng Quang báo cáo sự việc.
Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã xuống kiểm tra hiện trường và xác định, nhà bà Y và 5 hộ dân khác đang bị sụt lún. Nguyên nhân là do ông Nguyễn Văn Minh thuê thợ về khoan giếng. Huy động các lực lượng, từ trưa đến chiều ngày 22/11, những hộ dân bị ảnh hưởng đã phải sơ tán khẩn cấp lên HTX Nông nghiệp xã Đồng Quang để ở tạm. Khu vực sụt lún được phong tỏa, cấm người dân qua lại.
Cũng là hộ dân bị ảnh hưởng, sau khi được sơ tán đến HTX, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thể và bà Trịnh Thị Động được bố trí một căn phòng ở tầng 1. Đây là phòng kế toán trước đây nhưng từ lâu được trưng dụng làm kho để phân bón, hóa chất.
Do nền xi măng lâu năm đã hỏng nên phân đạm ngấm xuống nền nhà. Ông Thể phải mua một tấm bạt che lên nhưng mùi hôi nồng vẫn bốc lên rất khó chịu.
"Không tài nào ngủ được trong căn phòng này nên vợ, con và cháu tôi phải đi ngủ nhờ nơi khác. Đêm tôi cũng phải mang chăn lên hội trường tầng 2 ngủ cùng mọi người. Vì xung quanh là ao tù nên ở đây muỗi nhiều. Nhà vệ sinh cũng không có, chúng tôi phải đi nhờ nhà dân, rất bất tiện.
Người lớn đã khổ, trẻ nhỏ càng khổ gấp bội. Chúng tôi cũng không thể trách ông Minh vì từ trước đến nay, người dân vẫn khoan giếng nhưng không xảy ra sự cố. Đúng là họa từ dưới đất chui lên", ông Thể nói.
Chưa rõ ngày về
Ngồi trầm ngâm trên tầng 2 nhà HTX, ông Nguyễn Văn Minh nét mặt buồn rười rượi, nói: "Vì tôi mà làm liên lụy đến nhiều người. Có tổng cộng 23 người, trong đó có cả gia đình tôi, cũng đang phải ở nhà HTX sau sự cố".
Theo ông Minh, nhà ông làm nghề mổ lợn. Dù đã có nước sạch từ lâu nhưng gần đây giá nước liên tục tăng, riêng tháng 10 nhà ông dùng hết hơn 1 triệu đồng tiền nước. Sốt ruột nên ông bàn với vợ khoan giếng để dùng.
Thợ khoan ngày đầu được 42m và ngày hôm sau rút mũi khoan lên để đặt ống nhựa. Thợ luồn ống nhựa được khoảng 24m thì bị mắc kẹt, phải rút ống lên và tính khoan lại. Bất ngờ tường rào nhà dân bên cạnh, giáp với giếng khoan, bị nứt ngang, vị trí khoan giếng sụt dần.
"Nhà tôi 3 tầng nhưng giờ nghiêng ra phía trước gần 1 mét, nền đất phía trước có chỗ sụt lún 50-60cm kèm nhiều vết nứt ngang dọc. Cổng đã đổ hẳn sang nhà hàng xóm. Cơ quan chức năng nói rằng, phải mất nhiều ngày nữa mới có kết luận. Nếu kết luận rồi, chúng tôi cũng chưa thể về vì nhà không thể ở tiếp. Những ngày sắp tới chúng tôi chưa biết phải tính thế nào", ông Minh nói.
Ông Vương Duy Hùng, Chủ tịch UBND xã Đồng Quang, cho biết, cơ quan chức năng của thành phố đã xuống kiểm tra. Phương án giải quyết phải chờ sau khi siêu âm lòng đất để xác định độ rộng, sâu của sụt lún. Trước mắt, 6 hộ dân sẽ ở nhờ văn phòng HTX. Khu vực sụt lún được quây rào, cho người trông giữ.
"Hiện tại vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân sụt lún. Cơ quan chức năng vẫn đang làm việc và phải mất một thời gian nữa mới có kết luận", ông Hùng cho biết.
Theo nhận định ban đầu của chính quyền huyện Quốc Oai, có thể khu vực giếng khoan tầng đất yếu, có hang karst (hang đá vôi) ngầm. Năm 2008, thị trấn Quốc Oai từng ghi nhận hiện tượng sụt lún sau khi khoan giếng, khiến hàng chục hộ dân phải sơ tán. Việc khoan giếng khai thác nước ngầm đã làm nước tầng trên chảy xuống hang karst phía dưới, gây ra hiện tượng sụt lún đất.
Được biết, sau khi xảy ra sự cố, chính quyền địa phương đã trích quỹ nhân đạo hỗ trợ các hộ dân, hộ nặng được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, hộ nhẹ được hỗ trợ 1 triệu đồng. Tuy nhiên, sẽ mất một thời gian dài mới có thể kết luận cũng như khắc phục sự cố trong khi điều kiện sống tại HTX không đảm bảo. Có thể sắp tới, chính quyền địa phương phải có biện pháp dài hạn như thuê nhà, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Mới đây, theo quan sát của PV Báo Phụ nữ Việt Nam, toàn bộ khu vực sụt lún vẫn đang được rào chắn, bảo vệ nghiêm ngặt, dân quân tự vệ được phân công túc trực 24/24. Tại nhà HTX, gia đình chị Vũ Thị Bàn đang chuyển đồ đạc để lên "tá túc" tại tầng 2.
"Vợ chồng tôi có một con nhỏ và cả nhà đang ở cùng bố mẹ chồng. Từ khi xảy ra sụt lún, mẹ chồng đến ở nhà con gái, bố chồng đến ở nhà con trai, tôi ôm con về ngoại, chỉ có chồng tôi đến ở hội trường HTX. Thế nhưng, xác định chưa thể sớm khắc phục sự cố nên hôm nay nhà tôi chuyển đồ về nhà HTX để ở vì không thể đi ở nhờ nhà người thân mãi được", chị Bàn nói.
Luật sư Nguyễn Trọng Hoàng (Công ty Luật Chính pháp Đồng tâm) cho biết:
Điều 44 Luật tài nguyên nước 2012 có quy định về việc đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, như sau:
1. Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải xin phép:
a) Khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình;
b) Khai thác, sử dụng nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
c) Khai thác, sử dụng nước biển để sản xuất muối;
d) Khai thác, sử dụng nước phục vụ các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học;
đ) Khai thác, sử dụng nước cho phòng cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
2. Trường hợp khai thác nước dưới đất quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này ở các vùng mà mực nước đã bị suy giảm quá mức thì phải đăng ký.
Như vậy, nếu hộ gia đình ông Nguyễn Văn Minh khoan giếng phục vụ gia đình tại nơi không nằm trong khu vực "mực nước đã bị suy giảm quá mức" thì gia đình ông Minh không phải đăng ký.