Suy đa tạng, hoại tử bàn tay do đắp lá cây sau khi bị rắn hổ mang cắn

Linh Trần
06/08/2022 - 08:45
Suy đa tạng, hoại tử bàn tay do đắp lá cây sau khi bị rắn hổ mang cắn

Bác sĩ đang chăm sóc cho bệnh nhân

Bị rắn hổ mang cắn, thay vì đến BV, bệnh nhân tự chữa trị ở nhà bằng cách đắp lá cây lên vết thương. Đến khi vết rắn cắn bị nhiễm trùng, hoại tử lan rộng thì người nhà mới đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Ngày 6/8, bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BV Đa khoa tỉnh Hòa Bìn), cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân N.V.H. (trú tại Hòa Binh) bị suy đa phủ tạng, nhiễm trùng - hoại tử bàn tay trái.

Trước đó, khi đi rừng, bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn vào tay trái. Tuy nhiên, thay vì đến BV, bệnh nhân tự chữa trị ở nhà bằng đắp lá cây lên vết thương. Chỉ đến khi sức khỏe suy yếu và vết rắn cắn bị nhiễm trùng, hoại tử lan rộng thì người nhà mới đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Theo bác sĩ Tình, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, suy đa tạng (tổn thương thận cấp, suy gan cấp, rối loạn đông máu); vết rắn cắn ở mu bàn tay trái bị nhiễm trùng - hoại tử nặng nề do nọc độc của rắn và tình trạng bội nhiễm do vi khuẩn xâm nhập từ môi trường bên ngoài.

Việc bệnh nhân tự đắp lá cây lên vết thương trong 4 ngày trước đó cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng nhiễm trùng, hoại tử càng thêm nặng nề hơn. Tiên lượng bệnh nhân nguy cơ tử vong rất cao.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị tối ưu cho bệnh nhân. Mục tiêu quan trọng nhất là điều trị hỗ trợ các tạng suy, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc. Đồng thời, ngăn chặn sự nhiễm trùng - hoại tử lan rộng của vết thương, bảo tồn và phục hồi chức năng bàn tay bị rắn cắn.

Sau một thời gian điều trị và chăm sóc tích cực, các tạng suy được hồi phục, sức khỏe của bệnh nhân đã khá dần lên. 

Tuy nhiên, vết thương bàn tay trái của bệnh nhân để lại một diện khuyết da khá lớn, vùng da khuyết lộ rõ các gân duỗi của tay. Bệnh nhân đối diện với rất nhiều nguy cơ nếu không được vá da và phục hồi chức năng bàn tay trái. Do đó, BV tiếp tục hội chẩn để tiến hành vá da và phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân.

Theo đó, các bác sĩ đã phẫu thuật chuyển một vạt da vùng đùi trái lên vá vào vùng da khuyết ở bàn tay trái cho bệnh nhân và đã thành công.

1 tuần theo dõi sau vá da, bàn tay trái của bệnh nhân hồi phục rất tốt. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và được cho ra viện.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm