Suýt mất mạng vì uống thuốc ngủ quá liều

Thanh Lam
25/08/2022 - 14:00
Suýt mất mạng vì uống thuốc ngủ quá liều

Bác sĩ tư vấn, động viên tinh thần cho người bệnh

Nữ bệnh nhân bị ngộ độc do uống thuốc quá liều - có thể là kết quả từ những tổn thương tâm lý sau đột quỵ may mắn được các bác sĩ cứu sống.

Ngày 25/8, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, mới đây bệnh viện đã tiếp nhận người bệnh N.T.L. (68 tuổi, ngụ tại quận 6, TPHCM) trong tình trạng lơ mơ, nhịp tim không đều.

Qua chẩn đoán, bác sĩ xác định bệnh nhân bị ngộ độc do uống thuốc ngủ quá liều. Sau khi được rửa dạ dày, đồng thời truyền dịch tĩnh mạch để ngăn ngừa mất nước và ổn định các chức năng, bà L. đã may mắn thoát khỏi cửa tử.

Theo chia sẻ từ người nhà, bà L. đang trong quá trình hồi phục sau đột quỵ. Việc uống thuốc ngủ quá liều có thể là kết quả từ những tổn thương tâm lý sau đột quỵ. Theo các bác sĩ, việc quan tâm đến sức khỏe tâm thần giữ vai trò rất quan trọng trong việc giúp người bệnh đột quỵ phục hồi sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, hạn chế những sự việc đáng tiếc xảy ra.

BS.CKII. Phạm Thị Ngọc Quyên, Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, sự thay đổi cảm xúc ở người bệnh sau đột quỵ được chia thành 4 nhóm gồm rối loạn lo âu/rối loạn hoảng loạn, rối loạn cảm xúc giả hành, trầm cảm và có ý định tự sát, các thay đổi cảm xúc khác.

Trong đó, trầm cảm và có ý định tự sát là rối loạn khí sắc thường gặp nhất, làm hạn chế khả năng phục hồi chức năng cũng như làm tăng nguy cơ tử vong gấp 10 lần ở người bệnh. Theo thống kê, có khoảng 30% người bệnh đột quỵ còn sống phải trải qua giai đoạn trầm cảm trong năm đầu sau khởi bệnh và hơn 50% trong số này không được chẩn đoán hay điều trị.

Nếu không được cải thiện kịp thời và đúng cách, những tổn thương tâm lý này có thể khiến người bệnh mất nhiều thời gian để phục hồi, mất chức năng nặng hơn những khiếm khuyết vốn có, thậm chí là tăng nguy cơ tái phát đột quỵ. Từ đó cản trở quá trình hội nhập cuộc sống của người bệnh sau đột quỵ.

Theo bác sĩ Quyên, để quá trình phục hồi tổn thương tâm lý ở người bệnh đột quỵ và thiếu máu não thoáng qua đạt được hiệu quả, đầu tiên cần sự cố gắng từ bản thân người bệnh, sau đó là sự hỗ trợ từ người nhà và người thân xung quanh.

Cần xây dựng và duy trì một đời sống năng động, tạo điều kiện để người bệnh tham gia các hội nhóm, gặp gỡ với những người xung quanh là một cách giúp người bệnh lấy lại niềm vui và động lực sống. Bên cạnh đó, cần động viên người bệnh chia sẻ về những vấn đề về sức khỏe tinh thần của mình.

Bác sĩ nhấn mạnh, sự cảm thông và chia sẻ chính là liều thuốc tinh thần tốt nhất giúp người bệnh lạc quan và phối hợp điều trị phục hồi tốt hơn. Trong trường hợp người bệnh bị rối loạn cảm xúc cấp tính với biểu hiện nặng, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng một số thuốc điều trị kết hợp với liệu pháp tâm lý trị liệu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm