Tác dụng của ARV trong thời gian vàng chống phơi nhiễm

03/07/2017 - 16:07
Người nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1990 đến nay vẫn sống khỏe mạnh do được tiếp cận điều trị ARV kịp thời. Vậy thuốc ARV có tác dụng như thế nào? Những người tham gia cấp cứu TNGT ở Kon Tum có nguy cơ phơi nhiễm có được uống ARV không?
Vụ tai nạn giao thông tại địa phận xã Đắk Hring (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) do 2 xe đâm nhau làm hàng chục người thương vong, trong đó có một người nhiễm HIV. Trong quá trình cấp cứu, 24 người trong đó có 17 cán bộ y tế và 77 người dân tham gia có tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân.

Nhiều bạn đọc rất hoang mang và lo lắng cho những cán bộ y tế và người dân tham gia cứu nạn trên. Về vụ việc này, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa khỏi HIV/AIDS nên điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) được coi như là điều trị đặc hiệu.

Bởi vì, điều trị bằng ARV làm ức chế sự nhân lên của virus do đó duy trì được lượng virus thấp nhất trong máu, thông qua đó cũng duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch chưa bị suy giảm thì không có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc chỉ mắc ở mức độ nhẹ.
img_4799.JPGÔng Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS

 Trong trường hợp hệ miễn dịch của người nhiễm HIV đã bị suy giảm, nhờ ARV kiềm chế sự nhân lên của HIV mà hệ miễn được phục hồi trở lại, đồng thời làm giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV. Nhờ vậy, giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh, lâu dài như mọi người.

 Tổ chức Y tế thế giới đã có các nghiên cứu chỉ ra rằng người nhiễm HIV điều trị ARV sớm và duy trì điều trị tốt cũng có tuổi thọ không thua kém người không nhiễm HIV. Người nhiễm HIV được phát hiện đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1990 đến nay vẫn sống khỏe mạnh do được tiếp cận điều trị ARV kịp thời.
 
Việc điều trị bằng ARV kịp thời còn giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Khi người nhiễm HIV khỏe mạnh, họ có khả năng lao động và làm việc như người không nhiễm HIV và tự tin sống hòa nhập với cộng đồng. 

 Điều trị ARV kịp thời sẽ giảm nguy cơ tiến triển AIDS (mắc các nhiễm trùng cơ hội) và tử vong ở người nhiễm HIV. Đặc biệt là giảm nguy cơ làm bệnh lao bùng phát.
tai-nan.jpg
Các bác sĩ cấp cứu cho những bệnh nhân bị TNGT ở Kon Tum

 Liên quan đến vụ tai nạn giao thông tại Kon Tum, ông Cảnh cho biết, theo quy định tại Quyết định số 265/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ qui định về chế độ đối với người bị phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thuốc ARV dùng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV chỉ được cấp miễn phí cho những người bị phơi nhiễm do nghề nghiệp như cán bộ y tế, cán bộ lực lượng vũ trang, tổ công tác cai nghiện... bị phơi nhiễm khi đang làm nhiệm vụ. 

Tuy nhiên, trường hợp này là trường hợp đặc biệt, có 7 người dân tích cực tham gia cấp cứu người bị nạn đã bị phơi nhiễm HIV, do vậy, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chỉ đạo Sở Y tế Kon Tum tiến hành cấp miễn phí thuốc ARV để điều trị dự phòng cho cán bộ y tế và cả 07 người dân tham gia cấp cứu và có tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân này.

Đến nay, tất cả 17 cán bộ Y tế và 07 người dân bị phơi nhiễm HIV khi tham gia cấp cứu nạn nhân đã được tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV và cấp thuốc ARV để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm kịp thời.

Ông Cảnh cũng cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS ban hành kèm theo Quyết định số 3047/QĐ-BYT ngày 22/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế, việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV nên thực hiện càng sớm càng tốt, tối ưu nhất trong vòng 72 giờ. Như vậy cả 24 bệnh nhân này đều được điều trị ARV trong vòng 48 giờ đầu sau phơi nhiễm. Đây là thời gian tối ưu mà Bộ Y tế đã khuyến cáo.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm