Nguyễn Thị Bích Ngọc hay còn gọi là Sandy, nhân vật chính trong cuốn sách bị bạo hành từ năm 8 tuổi và Sandy là cô gái Việt Nam đầu tiên dám nhìn thẳng vào sự thật, dám bước ra ánh sáng để công bố một sự thật về câu chuyện của mình và chính Sandy sẽ đứng lên kêu gọi sự ủng hộ của mọi người cho chiến dịch này.
Chiến dịch "SAY NO SEXUAL VIOLENCE TO KIDS" (Nói không với xâm hại tình dục trẻ em) với khẩu hiệu "We are the world... I Can.... You Can... We Can..." nằm trong dự án dài hạn của cuốn sách Cát hay là Ngọc vừa được Nhà xuất bản Phụ Nữ phát hành đang được xã hội rất quan tâm.
Cát hay là Ngọc
“Trong những tháng ngày đen tối, cô bé bị xâm hại từ khi mới có 8 tuổi và bị lạm dụng trong suốt một quá trình kéo dài tới 10 năm liền. Cố gắng học được hết bậc phổ thông, cô gái trẻ bị dồn ép, xô đẩy và không thể chịu đựng được thân phận làm “công cụ tình dục” đã buộc phải rời khỏi gia đình không phải của mình, bước ra sống bên lề xã hội. Trải qua nhiều cú sốc tinh thần, từng đi đến tận cùng của tuyệt vọng, nhiều lần muốn tự tử, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim, cô gái trẻ luôn hướng thiện đã tìm được niềm vui cuộc sống qua công việc và những hoạt động thiện nguyện. Tự học, tự tìm cho mình một lối đi giữa cuộc đời đầy cạm bẫy và chông gai. Từ đây cuộc đời cô ấy “hồi sinh” như cây xương rồng héo khô được tưới nước, cho dù là những giọt nước ít ỏi, khó khăn, tựa như con đường của khách bộ hành vượt qua nắng nóng hoang mạc. Và từ một tâm hồn bầm dập, u tối, một trái tim lạc lối, cô ấy đang trên con đường tự tìm kiếm và tạo cho bản thân mình mọi cơ hội trong bước chuyển hóa từ Cát thành Ngọc. Tháng 7/2016, Bích Ngọc ra mắt cuốn tự truyện Cát hay là Ngọc, kể về những ngày tháng bị lạm dụng khiến dư luận giật mình”
|
Là nạn nhân của hàng loạt hành vi xâm hại tình dục từ khi lên 8 tuổi, hơn ai hết Sandy Bích Ngọc là người hiểu rõ nhất những nỗi đau phải chịu đựng. Cô chia sẻ, trẻ em bị xâm hại tình dục bị tổn thương nặng nề về cả tinh thần và thể chất, đôi khi những di chứng này không biểu hiện rõ rệt ngay mà kéo dài âm ỉ nhiều năm sau đó. Việc bị lạm dụng tình dục có thể khiến trẻ trở nên không tin cậy ai, khó kết thân, tách biệt, sợ hãi, tự ti, cô lập bản thân với thế giới xung quanh, trầm cảm, nhiều người không thể có hạnh phúc bởi bị ám ảnh vì những việc bị xâm hại lúc nhỏ...
|
Bích Ngọc trong một lần đến thăm và chia sẻ với trẻ |
“Dù bạn là ai, dù bạn ở đâu không quan trọng, chúng tôi cần những vòng tay, cần sự sẻ chia yêu thương chân thành của các bạn; hãy cùng chúng tôi tạo nên tiếng nói chung, cùng chúng tôi góp sức hành động để chống lại nạn xâm hại tình dục trẻ em cũng như nạn bạo hành ở trẻ em cả về thể xác lẫn tinh thần. Chiến dịch "SAY NO SEXUAL VIOLENCE TO KIDS" mang đến 2 thông điệp: Đối với những nạn nhân: các bạn không đơn độc một mình, chúng tôi luôn bên cạnh các bạn, các bạn phải biết tự cứu lấy mình bằng việc yêu thương, tin vào bản thân; hãy mạnh mẽ, dũng cảm, đấu tranh, dám nhìn thẳng, vượt qua những sợ hãi của bản thân, vượt qua nỗi đau để sống tốt hơn và để làm được những điều mình mơ ước.
Đối với những người thân, gia đình, cộng đồng và xã hội: xin hãy thức tỉnh, đừng thờ ơ, đừng bỏ mặc những điều xấu xa, những tội ác đang xảy ra hàng ngày ngay trước mắt, xung quanh mình. Hãy lên tiếng bảo vệ những đứa trẻ vô tội, yêu thương các em nhiều hơn; định hướng giáo dục tốt hơn cho các em. Và học cách yêu thương chân thành, bao dung hơn, không phân biệt đối xử với các bé là nạn nhân”, Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của Bích Ngọc, chiến dịch này sẽ được Ngọc và các tình nguyện viên thực hiện một cách bài bản theo hai giai đoạn. Chiến dịch ngắn hạn sẽ tạo hiện ứng của chiến dịch đến cộng đồng Việt Nam và quốc tế. Ví dụ như sẽ kêu gọi các bạn sinh viên, các cá nhân, các tổ chức để cùng lan tỏa chiến dịch mạnh mẽ hơn, ví dụ như viết tên chiến dịch lên facebook cá nhân hoặc dùng logo của chiến dịch làm hình đại diện….
Chiến dịch dài hạn sẽ tổ chức các câu lạc bộ sinh hoạt cho nạn nhân và tổ chức các lớp dạy kỹ năng sống cho các bé cũng như định hướng cho phụ huynh.
Đặc biệt, cô gái từng là nạn nhân của nạn xâm hại tình dục này cho biết, cô sẵn sàng nhận tư vấn, chia sẻ với bât cứ phụ huynh hoặc nạn nhân của xâm hại tình dục. Bích Ngọc cho biết, nạn nhân có thể gọi cho cô theo số điện thoại 0906 617 811 để được tư vấn và chia sẻ. Hoặc có thể gửi về địa chỉ mail: cathaylangoc@gmail.com.
Giật mình những con số Theo số liệu công bố do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong 5 năm (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Số vụ xâm hại tình dục trẻ em được ghi nhận tại Việt Nam trong những năm qua thực tế chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" .
|