pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tại sao bệnh hen suyễn lại nặng hơn vào mùa hè?
1. Bệnh hen suyễn là gì?
Bệnh hen suyễn (hen phế quản) là một căn bệnh ảnh hưởng đến phổi, có thể gặp ở nhiều độ tuổi nhưng phổ biến hơn ở trẻ em. Hen suyễn gây thở khò khè, khó thở, tức ngực và ho về đêm hoặc sáng sớm.
Nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn chủ yếu liên quan đến yếu tố di truyền, môi trường, cụ thể:
Nếu trong gia đình bạn, ai có tiền sử bị hen suyễn thì nguy cơ cao bạn cũng có thể mắc bệnh lý này.
Tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, nấm mốc, ẩm ướt, một số chất gây dị ứng như mạt bụi, lông thú cưng và khói thuốc lá thụ động có liên quan đến việc phát triển bệnh hen suyễn.
Ngoài ra, viêm xoang, lạnh, cảm cúm, thay đổi thời tiết, cảm xúc mạnh, dị ứng thuốc, ... cũng là những tác nhân gây ra bệnh hen suyễn.
Hen suyễn có nhiều mức độ khác nhau: hen nhẹ từng cơn, hen suyễn dai dẳng, cơn hen dai dẳng vừa phải, cơn hen dai dẳng nặng.
2. Dấu hiệu của bệnh hen suyễn
Hen suyễn được biểu hiện bằng tình trạng viêm các ống phế quản, với các chất tiết dính thêm bên trong các ống. Những người bị hen suyễn có các triệu chứng khi đường thở bị thắt lại, viêm nhiễm hoặc chứa đầy chất nhầy.
Có ba dấu hiệu chính để nhận biết bệnh hen suyễn:
- Tắc nghẽn đường thở. Khi bạn thở như bình thường, các dải cơ xung quanh đường thở của bạn được thư giãn và không khí di chuyển tự do. Nhưng khi bạn bị hen suyễn, các cơ sẽ thắt lại. Không khí khó đi qua hơn gây ra tình trạng khó thở
- Tình trạng viêm nhiễm. Bệnh hen suyễn gây ra tình trạng các ống phế quản sưng đỏ trong phổi, vấn đề này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi, gây ra các cơn ho. Điều trị tình trạng viêm nhiễm là chìa khóa để kiểm soát bệnh hen suyễn về lâu dài.
- Thở khò khè, những người bị hen suyễn có đường thở nhạy cảm và có xu hướng phản ứng quá mức và hẹp lại khi họ tiếp xúc với các tác nhân kích thích dù chỉ là nhẹ.
Trên đây là những triệu chứng phổ biến khi bị hen suyễn, một số người có thể gặp những triệu chứng khác như thở nhanh, đau hoặc tức ngực, … tùy vào tình trạng của bệnh nhẹ hay nặng.
3. Tại sao bệnh hen suyễn lại nặng hơn vào mùa hè
Bệnh hen suyễn thường nặng hơn khi thời tiết thường xuyên thay đổi, một số yếu tố vào mùa hè làm gia tăng thêm tình trạng này như:
- Ô nhiễm, khói bụi nhiều: Những người mắc bệnh hen suyễn có đường hô hấp rất nhạy cảm nên bất kỳ loại chất ô nhiễm nào, hoặc nhiệt độ thay đổi mạnh cao quá hoặc thấp quá đều tạo ra phản ứng trong đường thở.
Mà môi trường thường bị ô nhiễm nặng hơn khi vào hè, khói bụi từ các phương tiện tham gia giao thông, sản xuất công nghiệp, … Đặc biệt việc thường xuyên sử dụng điều hòa trong mùa hè không đúng cách cũng làm cho bệnh hen suyễn nặng hơn.
- Độ ẩm và nhiệt cao hơn cũng có thể khiến bạn cảm thấy khó thở hơn, đặc biệt dưới sự tác động của ánh nắng mặt trời làm cho bệnh hen suyễn trở nặng hơn.
- Dị ứng phấn hoa, nhiều loại phấn hoa vào mùa hè rất dễ gây ra tình trạng hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, ...
4. Bệnh hen suyễn nguy hiểm không?
Bệnh hen suyễn có thể tự khỏi theo thời gian nhưng cần có sự can thiệp y tế. Nếu không có chế độ hợp lý, không kiểm soát các cơn hen, những người bị hen suyễn có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm phổi và các biến chứng khác do nhiễm trùng thông thường như cúm
- Sinh non hoặc sẩy thai
- Các ống phế quản bị thu hẹp
- Ung thư phổi
- Suy hô hấp
Vì vậy, khi nhận biết thấy có các dấu hiệu của hen suyễn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, để giúp bạn ngăn ngừa các đợt nặng và kiểm soát bệnh hen suyễn tốt hơn.
5. Cách phòng tránh bệnh hen suyễn mùa hè
Bệnh hen suyễn hoàn toàn có thể phòng tránh việc tái phát, để có một mùa hè khỏe mạnh, các bạn nên thực hiện theo các khuyến nghị của bác sĩ như:
- Ưu tiên những hoạt động trong nhà, các bạn vẫn nên tham gia các hoạt động ngoài trời nhưng nên hạn chế, đặc biệt những ngày ô nhiễm nặng.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, các chuyên gia khuyến khích việc sử dụng khẩu trang N95 - hiệu quả trong việc hạn chế tiếp xúc với các chất ô nhiễm, bảo vệ đường hô hấp.
- Nếu có tiền sử bị hen suyễn thường tái phát, bạn nên duy trì sử dụng thuốc phòng ngừa theo chỉ định của bác sĩ.
- Không hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc. Các chất kích thích như khói thuốc lá có thể gây ra bệnh hen suyễn và làm tăng nguy cơ mắc COPD.
- Duy trì trọng lượng vừa phải. Bệnh hen suyễn có xu hướng nặng hơn ở những người thừa cân và béo phì. Ngoà ra, giảm cân có lợi cho tim, khớp và phổi của bạn.
- Bổ sung chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin C, D, A Omega-3, magie, … Tuy nhiên, nên tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng, vì có thể sẽ làm bệnh hen suyễn nặng hơn.
- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng.
- Tránh để cơ thể bị căng thẳng vì căng thẳng có thể là tác nhân gây ra các triệu chứng hen suyễn và làm cho việc ngăn chặn cơn hen suyễn trở nên khó khăn hơn.
Có thể nói, bệnh hen suyễn có xu hướng bị nặng hơn vào mùa hè chủ yếu từ yếu tố môi trường. Vì vậy, để phòng tránh bệnh, các bạn nên bảo vệ bản thân khỏi ô nhiễm, khói bụi, … xây dựng một lối sống khoa học, lành mạnh.
Nguồn tham khảo:
- Asthma