pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tại sao việc khen ngợi, động viên lại làm mất đi động lực cố gắng của trẻ?
Ảnh minh họa
Ở một số gia đình, cha mẹ coi trọng việc nuôi dạy con bằng cách khen ngợi, động viên. Họ tin rằng, đây là cách giúp xây dựng sự tự tin cho con mình. Tuy nhiên, có những trường hợp lời khen có thể phản tác dụng. Vậy làm thế nào để có thể khen ngợi con cái đúng cách?
Hanako Shimamura, nhà nghiên cứu người Nhật về phương pháp giáo dục Montessori và Reggio Emilia sẽ giải thích liên quan tới vấn đề này.
Tại sao khen ngợi con cái cần phải đúng cách?
"Con làm giỏi quá".
"Con thật tuyệt vời".
"Con đúng là một đứa trẻ tài năng".
Đây là những lời khen thường thấy ở nhiều bậc cha mẹ. Thoạt nghe những câu này có vẻ tích cực, mang lại sự tự tin cho trẻ nhưng trên thực tế nó không quá tác động tích cực tới sự phát triển của trẻ.
Là con người, dù là trẻ em hay người lớn, ai cũng đều có mong muốn được người khác công nhận. Chắc hẳn có nhiều người ước gì khi còn nhỏ, cha mẹ khen ngợi mình nhiều hơn. Tuy nhiên, sự thật là tùy thuộc vào cách cha mẹ khen ngợi con, nó có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực khác nhau.
Vậy tại sao việc khen ngợi bằng những câu nói như "con thật tuyệt vời" hay "con thật thông minh" lại dẫn đến kết quả tiêu cực? Bạn hãy xem thử những lời khen của mình có thuộc 3 trường hợp dưới đây không?
1. Lời khen mang tính chiếu lệ: Khen ngợi một cách hời hợt, không có chi tiết rõ ràng về những điểm tốt của người đó, thường là những câu như "bạn thật tuyệt vời", "bạn làm tốt lắm".
2. Lời khen tập trung vào con người: Khen ngợi tính cách của ai đó, đặc điểm bên ngoài, khả năng, ngoại hình bằng những câu như "bạn thật tốt bụng", "bạn thật thông minh", "bạn thật dễ thương".
3. Lời khen nhắm vào trọng tâm: Khen ngợi những người tập trung vào nỗ lực, quy trình thử và sai bằng những câu nói như "bạn đã làm việc chăm chỉ và nỗ lực tới tận cùng", "bạn đã không bỏ cuộc ngay cả khi thất bại", "bạn đã cố gắng thử nhiều cách khác nhau".
Nếu lời khen thuộc trường hợp số 1 và số 2 cho thấy sự tác động của nó là không tốt. Trong trường hợp này, khi cha mẹ thường xuyên khen ngợi con cái như vậy, trẻ dễ trở thành 1 trong 4 kiểu dưới dưới đây:
- Trở thành người nghiện khen ngợi
Nếu không được khen ngợi, trẻ sẽ trở nên tự ti, chỉ có thể tìm thấy giá trị của bản thân thông qua sự chấp thuận từ bên ngoài.
Ví dụ, khi trẻ đưa một bức tranh cho cha mẹ xem nhưng họ không khen "con vẽ giỏi quá", trẻ sẽ bắt đầu nghĩ bức tranh của mình quá xấu.
Ngoài ra, mong muốn được công nhận của trẻ quá mạnh mẽ, nếu không nhận được lời khen từ cha mẹ, trẻ dễ gắt gỏng và lo lắng.
- Trẻ dần mất hứng thú
Nếu trẻ thường xuyên được khen "con giỏi việc gì đó" hoặc "điều đó thật tuyệt vời", trẻ sẽ cảm thấy vui khi được khen và sẽ bắt đầu nghĩ: "Làm sao mình có thể được khen nữa đây". Kết quả là trẻ làm mọi việc chỉ để được khen ngợi và không nhận ra ý nghĩa thực sự.
Ví dụ, nếu cha mẹ không còn khen ngợi trẻ vẽ đẹp nữa, chúng sẽ ngừng vẽ, điều mà ban đầu trẻ nghĩ là bản thân mình thích. Trẻ có thể nghĩ rằng "nếu cha mẹ không khen, mình không cần vẽ nữa".
- Trẻ ngần ngại trước thử thách
Ngay cả người lớn cũng có thể cảm thấy quá nhiều áp lực khi mọi người xung quanh khen ngợi họ, đặc biệt là những câu như "bạn đã làm rất tốt". Điều này cũng tương tự xảy ra với trẻ em.
Sau đó, trẻ có xu hướng lo sợ bị người khác đánh giá, dần ngần ngại trước những thử thách mới để tránh bị thất bại.
Ví dụ, nếu trẻ liên tục được khen thông minh, chúng sẽ cảm thấy bị áp lực và nghĩ rằng nếu mình mắc lỗi, hình tượng thông minh sẽ bị phá hủy. Vì thế, trẻ sẽ cố gắng bảo vệ mình khỏi sự phán xét của những người xung quanh bằng cách đưa ra rất nhiều lý do.
- Trẻ giảm động lực cố gắng
Nếu trẻ luôn được khen "làm tốt lắm", bất kể có nỗ lực hay không cũng đều được khen ngợi, chúng dần tin rằng mình không cần học tập chăm chỉ, không cảm thấy phải nỗ lực để đạt được điều gì đó.
Ví dụ, nếu ai đó khen trẻ "con vẽ đẹp thế" về một bức tranh mà chúng không đặt tâm huyết vào, trẻ sẽ nghĩ thế là đủ, không cần phải cố gắng vẽ đẹp hơn nữa.
Tóm lại, khen ngợi con cái cũng cần phải đúng cách nếu không sẽ phản tác dụng, trẻ có xu hướng trở nên kiêu ngạo, lười biếng, mất động lực cố gắng... cha mẹ cần phải chú ý điều này.