Tái sinh cảm xúc sau khi bị chồng phản bội

Kim Anh
16/07/2025 - 10:17
Tái sinh cảm xúc sau khi bị chồng phản bội

Ảnh minh họa

Ở tuổi 45, chị Đỗ Mỹ Châu vừa khép lại cuộc hôn nhân gần hai thập kỷ của mình. Không nước mắt, không vật vã, oán trách, chỉ có dấu chấm nhẹ nhàng cho hành trình dài mệt mỏi.

Cuộc hôn nhân từng được chị gìn giữ bằng tất cả sự thủy chung, kiên nhẫn và hy sinh. Nhưng rồi, người đàn ông mà chị từng tin tưởng tuyệt đối, người chị chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ, đã phản bội chị. 

Vết thương đến từ những lần im lặng khác thường, những ánh nhìn trôi qua như không thấy nhau, những lời nói dối gom thành "tảng đá" lớn đè nặng tâm hồn chị. "Tôi từng cố giữ, cố quên, cố tha thứ nhưng đến một ngày, tôi thấy mình không còn gì để cố nữa", chị Châu nói, giọng bình thản như thể đang kể chuyện của ai đó.

Sau ly hôn, chị gọi thời gian một mình là "khoảng trắng cần thiết", không phải để trốn tránh mà để phục hồi. "Tôi không ghét tình yêu. Nhưng tôi cũng không cần phải có ai bên cạnh để thấy mình đủ đầy", chị Châu chia sẻ. 

Với chị, điều cần hơn cả là một khoảng lặng để nhớ lại mình từng là ai, trước khi trở thành vợ của một người, mẹ của những đứa trẻ. Những năm tháng ấy, chị đã cố gắng để hoàn thành vai trò một cách trọn vẹn nhưng lại quên mất rằng bản thân cũng xứng đáng được yêu thương.

Hành trình "tái sinh" ấy bắt đầu từ những điều rất nhỏ: một mình ngủ trên chiếc giường rộng, thong thả ăn sáng, những chiều cuối tuần lặng lẽ đi bộ qua những con đường quen. Và quan trọng nhất là chị Châu học cách lắng nghe chính mình, điều chị đã bỏ quên suốt nhiều năm vì mải chạy theo hình mẫu người vợ, người mẹ "không được phép mệt mỏi". 

Có người hỏi: "Chị không thấy trống trải sao?", chị Châu cười đáp: "Cảm giác cô đơn nhất là khi tôi nằm cạnh một người mà tôi không còn kết nối".

Chị bắt đầu dành thời gian nhiều hơn cho "mạng lưới yêu thương" của mình, với những người bạn vẫn âm thầm ở bên dù chị từng "bỏ quên" họ để mải miết với việc chăm sóc gia đình. Ở đó, không ai là trung tâm, mà mỗi người góp một phần nhỏ để giữ thăng bằng cảm xúc cho nhau. 

Những cuộc hẹn cà phê, những tin nhắn hỏi thăm lúc đêm muộn, những lần im lặng cùng nhau ngắm cảnh, hoá ra lại là "liều thuốc" giúp chị hàn gắn những rạn vỡ bên trong.

Tuổi trung niên, cái tuổi mà nhiều người gọi là "lưng chừng", từng là nỗi sợ lớn với chị Châu. Khi nhan sắc không còn ở đỉnh cao, khi con cái đã bắt đầu "rời tổ" và những giấc mơ thanh xuân đã bị ăn mòn theo gánh nặng cơm áo. 

Nhưng chị Châu chọn đó là điểm khởi đầu. Một khởi đầu không có người chị từng tin tưởng nắm tay. Chị vẫn bước đi vững vàng với niềm vui đơn giản từ một bình hoa cắm vào buổi sáng đầu tuần, bữa sáng thong thả, hay tin nhắn bất ngờ từ con gái: "Yêu mẹ nhiều lắm!".

Người ngoài có thể xem việc độc thân ở tuổi của chị là "nốt lặng" trong "bản nhạc" đời người. Nhưng với chị Châu, đó là khoảng lặng cần thiết để mọi điều phía trước trở nên hài hòa hơn. Không cần phải ồn ào, chị chọn sống thật và sống trọn từng khoảnh khắc. Mỗi ngày thức dậy, chị không còn phải đo niềm vui của mình bằng ánh mắt người khác.

Không phải ai cũng đủ dũng khí để rời bỏ những điều quen thuộc, dẫu là những điều đã mục ruỗng, nhưng chị Châu đã làm được. Bởi vì chị hiểu, không phải ai rời đi cũng là kẻ thất bại. Đôi khi, chính người dám bước ra khỏi những gì không còn xứng đáng, mới là người bắt đầu hành trình sống khác, mạnh mẽ và rạng rỡ hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm