Tài xế tắt ứng dụng phản đối Grab: Khách hàng vẫn dễ gọi xe

Linh Trần
08/12/2020 - 18:46
Tài xế tắt ứng dụng phản đối Grab: Khách hàng vẫn dễ gọi xe

Tài xế Grab bike tập trung trước trụ sở Grab ở 78 Duy Tân (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) để phản đối việc tăng chiết khấu (ảnh: Linh Trần)

Mặc dù nhiều tài xế tắt ứng dụng gọi xe Grab bike, nhưng khách hàng vẫn dễ gọi xe. Trong khi đó, có nhiều tài xế đã phải hứng hậu quả từ chính đồng nghiệp của mình.

Từ sáng ngày 7/12, hàng trăm tài xế Grab bike đã tắt ứng dụng, tập trung tại trụ sở Grab (78 Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để phản đối tăng chiết khấu trên mỗi chuyến xe. Trên các diễn đàn mạng xã hội liên quan đến Grab, nhiều tài khoản đã kêu gọi đồng nghiệp tắt ứng dụng để gây sức ép lên đối tác.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PNVN, dù một số tài xế tắt ứng dụng nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc gọi xe của khách hàng. Chị Nguyễn Thị Hoa (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, thường xuyên di chuyển bằng xe ôm công nghệ. Từ qua đến nay chị vẫn gọi xe bình thường. "Chỉ trừ giờ cao điểm là giá có tăng, chứ vẫn có nhiều tài xế mở ứng dụng để đón khách", chị Hoa chia sẻ.

Để chứng thực, PNVN cũng mở ứng dụng để đặt xe Grab bike. Vị trí đón là một tòa nhà ở đường Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) và địa điểm đến là 1 tòa nhà ở Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân) với giá cước chuyến đi lúc 15h là 17.000 đồng. Ngay khi bấm nút đặt xe, có tài xế đã liên hệ và lập tức đón khách. Đến lúc 17h, cũng đón và trả khách ở địa điểm trên, giá cước chuyến xe đã tăng lên 19.000 đồng. Theo đại diện Grab, việc tăng, giảm giá cước mỗi chuyến xe không phải do nhiều tài xế tắt ứng dụng mà do chính sách giờ cao điểm của hãng. Cùng vị trí điểm đón và trả khách, nhưng vào giờ cao điểm hay thời tiết mưa bão thì giá cước có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với bình thường.

Về vấn đề này, anh L.B.T. (quê Hà Nam) cho biết: Ai tắt ứng dụng thì cứ tắt, còn chúng tôi chấp nhận được với mức phí mà Grab trả trên mỗi chuyến đi nên vẫn làm việc. "Nghỉ một ngày thì nguy cơ đói một ngày, nên phải cố gắng thôi", anh T. nói.

Cũng theo tìm hiểu của PNVN, trong ngày hôm nay nhiều tài xế đã đặt xe ảo để gây khó dễ cho các tài xế khác. Theo đó, những tài xế phản đối chính sách chiết khấu của Grab đã tắt ứng dụng của mình, nhưng lại sử dụng một tài khoản khác để gọi xe. Sau khi đặt xe, tài xế khác nhận cuốc. Khi tài xế đến điểm đón gọi thì thuê bao tắt máy.

Việc đặt xe ảo đã gây ảnh hưởng đến các tài xế bật ứng dụng làm việc, nhất là những ứng dụng Grabfood (giao đồ ăn). Anh L.V.D. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, qua ứng dụng anh nhận cuốc giao 2 suất cơm lên 76 Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), mỗi suất 50.000 đồng. Tuy nhiên, khi anh đến nơi thì gọi số điện thoại đặt món không liên lạc được. Vì thế, anh phải ăn cả 2 suất cơm mà khách đặt. "Chạy từ sáng đến trưa mới được gần 100.000 đồng thì dính ngay một đơn hàng ảo. Xem như ăn bữa cơm giá cao vậy", anh D. chia sẻ.

Theo tìm hiểu của PNVN, đến chiều nay vẫn còn rất đông tài xế Grab bike đến trụ sở Grab để phản đối việc tăng chiết khấu trên mỗi chuyến đi. Trao đổi với PNVN, đại diện truyền thông Grab cho biết, đã nắm được thông tin ngày 8/12 vẫn có rất nhiều tài xế tập trung tại trụ sở Grab ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Các tài xế mong muốn trao đổi với Grab về thông báo tăng chiết khấu. Tuy nhiên, hiện tại, phía Grab cũng chưa đưa thêm phản hồi chính thức về mặt truyền thông nên bộ phận truyền thông cũng chưa thể thông tin với báo chí.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm