pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tâm lý nhà đầu tư ra sao trong phiên thị trường chứng khoán "bốc hơi" 8 tỷ USD vốn hóa?
VN-Index rơi "tự do" gần 50 điểm, mất mốc 1.200 điểm. Ảnh minh hoạ
Kết thúc phiên chiều nay (5/8), VN-Index "lao sốc" về dưới mốc 1.200 điểm sau biến động rơi "tự do" gần 50 điểm chỉ trong phiên đầu tuần.
Diễn biến tiêu cực đã xuất hiện ngay từ đầu phiên sáng, thị trường nhanh chóng "đỏ lửa" tại các nhóm ngành. Xu hướng tiêu cực tiếp tục kéo dài tới phiên chiều, sau giờ nghỉ trưa, thị trường chứng khoán ghi nhận biến động mạnh khi "bốc hơi" hơn 40 điểm.
Kết phiên, VN-Index giảm 48,5 điểm (-3,92%) với 1.188,07 điểm. Đây là phiên thứ 2 kể từ đâu năm đến nay, chỉ số giảm mạnh hơn 40 điểm chỉ trong 1 phiên (trước đó, phiên 15/4, giảm gần 60 điểm).
Như vậy, trong vòng 1 tháng qua, VN-Index đã mất hơn 95 điểm, tương đương với 7,4%.
Hầu hết các nhóm ngành đều "chìm" trong sắc đỏ: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, dầu khí,… với biên độ giảm khá mạnh, nhiều mã "trắng bên mua".
Tại sàn HOSE có tới 448 mã giảm (96 mã "nằm sàn"), trong khi đó, chỉ có 24 mã tăng (1 mã "tăng trần") và 25 mã đi ngang.
Phiên giảm mạnh hôm nay khiến vốn hóa tại HOSE "bốc hơi" hơn 198.000 tỷ đồng, tương đương 8 tỷ USD, về ngưỡng 4,86 triệu tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu "trụ" từ VN30 là nhân tố đè mạnh, cản trở đà tăng cho thị trường. Trong đó, dẫn đầu là VCB (Vietcombank, HOSE) giảm 2,03%, đóng góp 2,39 điểm giảm. Kế tiếp là một số cái tên từ nhóm ngành ngân hàng khác: BID (BIDV, HOSE), TCB (Techcombank, HOSE), CTG (VietinBank, HOSE),…
Ngoài ra, GVR (Tập đoàn Cao su Việt Nam, HOSE) trở thành tâm điểm khiến chỉ số lao dốc hôm nay khi giảm sàn tới 7%, xuống còn 30.100 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vẫn cố gắng giữ sắc xanh, như 2 mã từ nhóm chứng khoán: BSI (Chứng khoán BSI, HOSE), FTS (Chứng khoán FPT, HOSE). Ngoài ra còn là sự xuất hiện của một số mã khác như SVC (Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn, HOSE), HNA (Thuỷ điện Hủa Na, HOSE), EIB (Eximbank, HOSE),… nhưng mức độ tăng "không đủ" để kéo thị trường tích cực hơn.
Nhóm cổ phiếu ảnh hưởng mạnh tới chỉ số VN-Index phiên hôm nay (5/8)
Tâm lý nhà đầu tư chứng khoán
Dòng vốn từ khối ngoại không tham gia khi quay đầu bán ròng hơn 730 tỷ đồng tại sàn HOSE, điều này càng khiến thị trường mất đi lực hỗ trợ.
Diễn biến tiêu cực liên tiếp nối dài từ tháng 7 tới nay, nhiều cổ phiếu ghi nhận mức giảm mạnh từ 10-20%, khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy lo lắng, hoang mang, đặc biệt là các nhà đầu tư có sử dụng margin.
Mới gia nhập thị trường từ đầu năm nay, chị Thanh Thủy (26 tuổi, Q. Thanh Xuân, Hà Nội) tỏ ra lo lắng khi VN-Index "rơi mạnh" phiên hôm nay: "Do chưa có kinh nghiệm và kiến thức sâu về mảng này nên tôi cũng đang khá hoảng khi mà cổ phiếu của mình giữ xuống sâu, cùng với đó tôi cũng đang sử dụng margin nữa nên lại càng lo lắng hơn".
Ngược lại với tâm lý chung trên, chị Linh Nga (34 tuổi, Q. Đống Đa, Hà Nội) vẫn giữ tâm lý bình tĩnh với thị trường, chị chia sẻ: "Thông tin từ kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới đang có nhiều bất lợi cho thị trường, nhưng theo tôi thì thị trường từ giờ tới cuối năm vẫn còn tăng trưởng tích cực, nên tôi đang xem xét có thể gom thêm cổ phiếu tiềm năng nhân lúc thị trường đang điều chỉnh trong thời điểm này".
Thanh khoản ghi nhận cải thiện so với các phiên trước, đạt ngưỡng trên gần 23.800 tỷ đồng, tăng 40% so với phiên trước đó (2/8).
Đánh giá về phiên hôm nay, bà Lê Thị Nhi, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset cho biết, kết quả của phiên hôm nay đến từ tâm lý thận trọng của giới đầu tư đối với thị trường trong tuần vừa qua khi thanh khoản sụt giảm mạnh, cùng với các yếu tố xúc tác khác, như: các thông tin tiêu cực từ nỗi lo suy thoái của nền kinh tế Mỹ, Nhật Bản tiếp tục tăng lãi suất; các thông tin tiêu cực từ ngành xuất khẩu, sản xuất gây ra nhiều quan ngại; việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường,... phần nào tạo tâm lý bi quan với lực bán mạnh, làm giá nhiều cổ phiếu quan trọng rơi nhanh trong hôm nay.
Dù vậy, theo bà Nhi, thanh khoản thị trường nhìn chung trong hôm nay đã có xu hướng gia tăng trở lại nhờ lực cầu cuối phiên ở một số cổ phiếu có định giá tốt và triển vọng hồi phục cao vào nửa cuối năm 2024. Do vậy, thị trường sẽ sớm hình thành được vùng cân bằng và dòng tiền thị trường vẫn đang chờ cơ hội giải ngân mới trong bối cảnh lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp như hiện tại.