Tâm thư gửi Bộ trưởng Giáo dục về việc đưa game online vào trường học

09/12/2016 - 08:24
Phát hiện con chơi game online 'Chinh phục vũ môn' với thời lượng khá lớn, anh Trần Trọng An (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) bất ngờ khi biết đây là trò chơi được nhà trường khuyến khích học sinh tham gia.
Cho rằng việc khuyến khích học sinh tiểu học chơi game là không phù hợp với lứa tuổi của con, đồng thời băn khoăn về ý nghĩa trong giáo dục của các trò chơi này, qua facebook, anh Trần Trọng An (Hà Nội) đã gửi tâm thư đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Anh An cho biết, anh gửi tâm thư chỉ với mục đích mong Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời cho phụ huynh biết các trò chơi trong game 'Chinh phục vũ môn' đã được Bộ thẩm định trước khi Bộ quyết định đưa vào trường học hay chưa? Bộ đã nghiên cứu kỹ về các tác động của chơi game online với học sinh tiểu học chưa và kết quả như thế nào? Theo quan điểm của anh thì điều này là không phù hợp với học sinh tiểu học.
3071370797_1472831352_574_574.jpg
Dưới đây là toàn văn bức tâm thư của anh Trần Trọng An:

"Kính gửi: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ!

Tôi viết tâm thư này gửi tới Bộ trưởng vì rất lo lắng về việc các nhà trường hiện đang tổ chức cho học sinh chơi trò chơi trực tuyến (game online) có yêu cầu nạp tiền bằng thẻ cào.

Qua tìm hiểu, tôi được biết tháng 10/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các địa phương đề nghị các trường phối hợp tổ chức chơi game online này cho học sinh cấp 2. Tuy nhiên, hiện game lại đang len lỏi vào các trường tiểu học.

Từ đó đến nay, game Chinh Phục Vũ Môn của Egame tổ chức rầm rộ và theo công bố của họ thì hiện nay đã có 800 ngàn người chơi. Mỗi người chơi được yêu cầu nạp thẻ cào mệnh giá từ 10.000 đồng đến 300.000 đồng tương ứng với số lần chơi hoặc "mua đồ trong game" nhất định.

(...) Liệu ai có thể bảo đảm cho tôi và các phụ huynh khác là toàn bộ "trí tuệ" trong game này là sạch và an toàn cho trẻ em hay không?
hs-choi-game.jpg
Tôi nghĩ rằng, học sinh tiểu học, với thể chất và trí tuệ còn rất non nớt mà sớm bị "cài đặt" game online vào trí não (có chiến thuật, có tranh đua, có thu phí) thì sẽ có nhiều tác hại về lâu về dài.

Tôi cũng nghĩ rằng, là cơ quan quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên có văn bản khuyến khích trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 10 tuổi chơi game online.

Bằng thư này, tôi kính mong Bộ trưởng chỉ đạo, kiểm tra hoạt động tổ chức chơi game online của các Sở và các trường, kịp thời chấn chỉnh để tôi có thể yên tâm khi gửi con đến trường.

Nếu game online này thực sự an toàn cho thể lực và trí lực cho trẻ em, cũng mong Bộ trưởng chỉ đạo cho các Cục chức năng làm rõ, công bố cho phụ huynh chúng tôi được biết.

Cuối thư, xin kính chúc Bộ trưởng sức khỏe.

Xin trân trọng cảm ơn!".

Chỉ trong thời gian ngắn, bức tâm thư của anh An đã nhận được sự quan tâm của hàng nghìn cư dân mạng.

Tài khoản Chiến Văn cho rằng: "Tâm thư của anh cũng là tâm nguyện của bao người". Facebooker Trịnh Thu Phương viết: "Con của bạn mình đang học lớp 8 cũng đang khổ sở với chương trình này. Nghe nói game được Hội đồng đội TW và báo TNTP đồng tổ chức. Trên trang chủ của BTC cuộc thi hôm qua còn ra thông báo số 2 biểu dương các trường có đông HS tham gia, yêu cầu các trường ít HS tham gia phải tăng cường vận động tuyên truyền. Mình cực kì phản đối những cuộc thi nhảm nhí như thế này. Cám ơn bạn đã lên tiếng".

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đây là trò chơi để học và ủng hộ con em mình tham gia trò chơi này.

"Chinh phục vũ môn" được giới thiệu là trò chơi giáo dục online được phát triển bởi Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egame.

Trong 3 năm trở lại đây, Công ty này đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng đội Trung ương (thuộc Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Việt Nam) phát động cuộc thi game Chinh phục vũ môn trong các nhà trường.

Hai năm đầu, cuộc thi được giới hạn cho học sinh từ bậc trung học cơ sở. Tuy nhiên, từ năm 2016, cuộc thi được mở rộng sang cả học sinh tiểu học, bắt đầu từ lớp 3.

Cuộc thi có quy mô toàn quốc và có ba vòng, cấp trường, cấp tỉnh, và cấp quốc gia.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm