pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tận dụng nền tảng số quảng bá sản phẩm địa phương
Thực hành livestream bán hàng trên nền tảng Tiktok Shop. Ảnh: Báo Đắk Nông
Bước đi tất yếu của doanh nghiệp
Một trong những doanh nghiệp đi đầu trong xu hướng tiếp cận và bán hàng trên nền tảng mạng xã hội từ nhiều năm nay ở Đắk Nông là sản phẩm nấm linh chi của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Toàn (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp). Bà Nguyễn Thị Toàn, chủ hộ kinh doanh chia sẻ, để bán hàng trên nền tảng TikTok Shop, phải học hỏi nhiều kỹ năng. Trong đó, cần biết tạo tài khoản, đưa sản phẩm lên gian hàng. Ngoài ra, người bán hàng cũng cần biết cách theo dõi đơn hàng, cách chụp ảnh, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm, cách thức gói bọc, vận chuyển sản phẩm bảo đảm an toàn, chất lượng…
Cũng tận dụng nền tảng mạng xã hội để PR, tiếp cận thị trường, sản phẩm cà phê bột Rock Way của Hợp tác xã Danofarm (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong), đang được xúc tiến mạnh mẽ qua nền tảng TikTok Shop. Chia sẻ về việc này, bà Tạ Thị Liên, Giám đốc Hợp tác xã Danofarm cho biết: Hiện nay, ngoài sản phẩm cà phê, Hợp tác xã đang có nhiều sản phẩm đặc sản gắn với đồng bào dân tộc thiểu số. Từ thực tế bán hàng qua nền tảng số, bà Tạ Thị Liên cho rằng, nếu các doanh nghiệp được bồi dưỡng thêm về kỹ năng livestream, xây dựng các clip ngắn giới thiệu, quảng bá và bán nông sản qua TikTok Shop thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều.
Thực tế, việc phát triển bán hàng thông qua các chợ truyền thống hiện nay đang phát sinh nhiều chi phí. Do đó, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm lên nền tảng số được xem là bước đi tất yếu, góp phần mở ra thị trường mới cho người sản xuất, kinh doanh.
Tận dụng lợi thế từ nền tảng số mở rộng thị trường
Bán hàng trên các nền tảng số cũng là một trong những chủ trương được tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh, hỗ trợ các doanh nghiệp. Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), TikTok Shop là một gian hàng được tích hợp trên nền tảng của TikTok. Khi người dùng xem video sẽ tiếp cận link bán hàng trên đó. Chương trình livestream bán hàng là một trong những giải pháp hiện thực hóa của Đề án để chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Người dùng TikTok chỉ cần bấm vào link là có thể mua hàng mà không cần phải thoát ra khỏi ứng dụng này. Việc mua hàng, thanh toán đơn hàng cũng rất thuận lợi. Các sản phẩm của người bán được giới thiệu cho người dùng TikTok thông qua video, livestream và Tab nổi bật trong trang hồ sơ của họ. Người mua hàng sẽ tìm thấy đầy đủ các thông tin chi tiết của sản phẩm như: về giá cả, lượt đánh giá, lượt mua, chất lượng sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm…
Lãnh đạo Sở Công thương Đắk Nông cho biết, nhiều sản phẩm của tỉnh nhà rất phù hợp với nền tảng Tiktok Shop. Bởi kênh bán hàng này chỉ dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bán các sản phẩm đặc thù riêng của địa phương.
Đắk Nông là một trong 15 tỉnh, thành trong cả nước được hỗ trợ xúc tiến thương mại trên nền tảng số trong năm 2023. Trước mắt, TikTok hỗ trợ các doanh nghiệp trang bị kỹ năng xây dựng một tài khoản và những nội dung trong TikTok Shop để quảng bá sản phẩm. TikTok sẽ đào tạo và hướng dẫn cách livestream bán hàng cho người sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã; hướng dẫn cách xây dựng nội dung video ngắn. Cùng với đó, TikTok sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng các chương trình truyền thông quảng bá cho các sản phẩm.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công thương Đắk Nông cũng lưu ý rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là doanh nghiệp Đắk Nông phải xây dựng hình ảnh mang tính đặc thù cho sản phẩm để thu hút đông đảo khách hàng hơn. Các doanh nghiệp phải đầu tư mạnh về chất lượng sản phẩm, nhất là xuất xứ nguồn gốc hàng hóa, giúp khách hàng yên tâm khi sử dụng...
Hướng tới tổ chức hội chợ, triển lãm trên môi trường số
Được biết, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, tỉnh Đắk Nông đã ban hành Đề án hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Mục tiêu của đề án trong 3 năm tới sẽ có 10% số lượng hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh sẽ được tổ chức trên môi trường số; 100% các tổ chức xúc tiến thương mại; 200 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh... được tham gia tập huấn, hướng dẫn, cập nhật các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và bảo đảm an toàn thông tin.
Đến năm 2025, mục tiêu được đặt ra là 100% các tổ chức xúc tiến thương mại; trên 50% doanh nghiệp của tỉnh được cấp tài khoản trên hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; 20% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin. Đặc biệt, 100% thủ tục hành chính lĩnh vực xúc tiến thương mại đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Trong đó, sẽ có khoảng 90% doanh nghiệp hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.