Bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trên nền tảng số: Nhiều gian nan

Lưu Quân
17/03/2023 - 16:04
Bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trên nền tảng số: Nhiều gian nan

Phim “Cô Ba Sài Gòn” từng bị phát tán với hình thức livestream

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Việt Nam là một trong những quốc gia chưa thực hiện nghiêm vấn đề bản quyền, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực

Trên mạng xã hội Facebook, Youtube, Tik Tok…, không khó để người dùng mạng xã hội tìm kiếm một bộ phim truyền hình đang phát sóng, thậm chí là một bộ phim điện ảnh đang chiếu rạp. Đặc biệt, thời gian gần đây mạng xã hội xuất hiện hình thức vi phạm bản quyền mới, đó là review phim. 

Theo đó, các bộ phim truyền hình, điện ảnh bị chia cắt thành những đoạn ngắn, kèm theo chú thích, bình luận nhiều khi không chỉ làm sai lệch nội dung phim mà còn dung tục, phản văn hóa. Điều đáng nói là những clip kiểu như vậy lại thu hút một lượng người xem lớn.

Gần đây, 2 bộ phim Việt Nam ra rạp trong dịp Tết Nguyên đán 2023 là "Chị chị em em 2" và "Nhà bà Nữ" đã bị quay lén và tung lên mạng xã hội Tik Tok. 

Diễn viên của bộ phim "Chị chị em em 2" Minh Hằng chia sẻ, khi phim ra rạp chưa đến 3 ngày, đang là thời điểm "nóng" để đạt doanh thu cao thì lại gặp tình trạng vô ý thức của một bộ phận khán giả. Không chỉ một trích đoạn mà toàn bộ phim đều bị đăng tải công khai, khiến bộ phim và ê-kíp chịu ảnh hưởng nặng nề. 

Bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trên nền tảng số: Nhiều  gian nan - Ảnh 1.

Phim “Cô Ba Sài Gòn” từng bị phát tán với hình thức livestream

Trước đó, bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" bị một fanpage trên Facebook ghi lại rồi phát tán dưới hình thức livestream. Bộ phim bom tấn "Kong: Skull Island" bị nhiều người phát trực tiếp chỉ sau vài ngày chiếu trong nước.

Không chỉ các bộ phim điện ảnh chiếu rạp, phim truyền hình cũng đang là "mỏ vàng" để các đối tượng khai thác lậu, rồi băm nát, phục vụ xu hướng xem video ngắn trên các nền tảng số. Phổ biến hiện nay là "chiêu trò" chia mỗi tập thành nhiều đoạn ngắn, sau đó gắn tiêu đề theo hướng giật gân. Nếu chỉ lướt qua, người dùng có thể không nhận ra đó là trích đoạn phim, cho đến khi mở video. 

Có khi cùng một phim, cùng phân cảnh, tình huống, mỗi kênh lại có cách khai thác khác nhau, đôi khi làm sai lệch cả nội dung gốc. Trưởng Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Vân cho biết, từ khi có việc xem video trên các nền tảng mạng xã hội, tình trạng vi phạm bản quyền của đơn vị diễn ra nhiều và nghiêm trọng, trải dài trên nhiều thể loại chương trình khác nhau. Càng ngày tỷ lệ vi phạm càng tăng, rất khó đong đếm được thiệt hại.

Vấn nạn vi phạm bản quyền cũng đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật khác như văn học, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh… 

Bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trên nền tảng số: Nhiều  gian nan - Ảnh 2.

Nhiều bộ phim truyền hình bị “review” trái phép trên mạng xã hội

Không ít nhạc sĩ phản ánh, họ chỉ cho phép một số cá nhân là ca sĩ, hoặc đơn vị truyền thông chuyên kinh doanh âm nhạc trên các nền tảng trực tuyến được phép thu thanh, thu hình và truyền tải lên các trang mạng những tác phẩm của mình với mục đích phổ biến rộng rãi đến công chúng. 

Tuy nhiên, các cá nhân hoặc tổ chức này lại lạm dụng những giấy tờ đã ký với tác giả vì mục đích phổ biến tác phẩm để phục vụ triệt để cho việc kinh doanh của họ. Cụ thể, sai phạm ở đây là khai thác, thu tiền trên nền tảng Youtube và lấy trọn phần doanh thu này, đồng thời vô hiệu hóa quyền của chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, khiến tác giả rất thiệt thòi.

Làm thui chột sức sáng tạo của văn, nghệ sĩ

Thực tế, việc vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn học nghệ thuật không còn là câu chuyện "xưa cũ" mà đang ngày càng biến tướng, thậm chí diễn ra công khai. Mặc dù Việt Nam đã tham gia các công ước của quốc tế nhưng việc ngăn chặn vi phạm bản quyền đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Ở đó, nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan. 

Điều cần nhất là bộ máy thực thi phải linh hoạt, nhanh nhạy hơn thì mới bảo vệ được những đơn vị, tổ chức đã bỏ tiền của, tâm sức, trí tuệ tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ để giải "bài toán" bản quyền đã được đặt ra từ lâu và bước đầu được thực hiện. 

Tuy nhiên, để công nghệ trở thành giải pháp chủ lực thì còn nhiều trở ngại. Trở ngại từ chính hạ tầng công nghệ của Việt Nam chưa đáp ứng tốt các yêu cầu để có thể ứng dụng những giải pháp công nghệ. Công nghệ blockchain được đánh giá là hiệu quả trong lĩnh vực bản quyền nhưng còn rất mới mẻ tại Việt Nam, chưa được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong vấn đề bảo hộ quyền tác giả. 

Ngoài ra, trở ngại về mặt pháp lý cũng khiến nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức chưa thật sự "mặn mà" với các giải pháp công nghệ.

Nhìn nhận về vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, hành vi vi phạm pháp luật về bản quyền đang gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế đất nước, làm thui chột sức sáng tạo của văn, nghệ sĩ. 

Có những kẻ là cố tình, vì lợi ích cá nhân mà sẵn sàng vi phạm nhưng cũng có những người vi phạm vì vô ý, chưa hiểu rõ. Dù ở cấp độ nào, chúng ta vẫn cần có những giải pháp xử lý hợp tình, hợp lý để làm gương. 

"Thực tế, những người vi phạm bản quyền đều có trong tay những công cụ giúp đưa tác phẩm văn hóa nghệ thuật đến với công chúng. Nhưng cách họ dùng công cụ đó đang sai, khiến họ trở thành những người vi phạm pháp luật. Chúng ta cần tuyên truyền để họ hiểu, cùng lan tỏa những tác phẩm văn hóa nghệ thuật mang giá trị tốt đẹp trên tinh thần tuân thủ pháp luật về bản quyền", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm