Tăng cường năng lực nghề nghiệp cho người khuyết tật

PV
20/12/2022 - 15:33
Tăng cường năng lực nghề nghiệp cho người khuyết tật

Học sinh tại lớp dạy nghề dự án phục hồi chức năng cho thanh niên khuyết tật thông qua dạy nghề tại Hà Nội

Sáng 20/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Kết nối chính quyền, doanh nghiệp, đơn vị đào tạo nghề, tổ chức xã hội về học nghề và việc làm với người khuyết tật. Hội thảo nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực nghề nghiệp và năng lực hòa nhập vào thị trường lao động cho người khuyết tật.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án "Thí điểm phục hồi chức năng thông qua đào tạo nghề nghiệp cho thanh niên khuyết tật tại Hà Nội, Việt Nam" được thực hiện bởi Angels' Haven.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Seo Eunji, Quản lý dự án "Thí điểm phục hồi chức năng thông qua đào tạo nghề nghiệp cho thanh niên khuyết tật tại Hà Nội, Việt Nam", cho biết, Hội thảo chia sẻ ý tưởng về mô hình mạng lưới hợp tác giữa các bên liên quan gồm: Doanh nghiệp, tổ chức của và vì người khuyết tật, trung tâm dạy nghề và cơ quan chính phủ. Việc nâng cao năng lực nghề nghiệp và đảm bảo cơ hội việc làm có chất lượng sẽ góp phần giúp người khuyết tật sống độc lập, vượt qua rào cản và tự tin hòa nhập hoàn toàn vào xã hội. Việc xây dựng mạng lưới có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo ra những cơ hội học nghề và việc làm ổn định cho người khuyết tật về lâu dài.

Tăng cường năng lực nghề nghiệp cho người khuyết tật - Ảnh 1.

Ông Kwon O Seong -Giám đốc chi nhánh Angels' Haven Việt Nam, phát biểu tại dự án

Chia sẻ về mạng lưới hỗ trợ hòa nhập xã hội cho người khuyết tật, ông Kwon O Seong - Giám đốc chi nhánh Angels' Haven Việt Nam, cho biết: "Dự án "Thí điểm phục hồi chức năng thông qua đào tạo nghề cho thanh niên khuyết tật tại Hà Nội, Việt Nam" nhằm tăng cường năng lực nghề nghiệp cho thanh niên khuyết tật để mở rộng cơ hội việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam, củng cố và đa dạng hóa các hoạt động trợ giúp cho thanh niên khuyết tật, trung tâm dạy nghề, doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ thông qua mang lưới hợp tác. Dự án cũng nhằm xây dựng chương trình dạy nghề cho thanh niên khuyết tật, nâng cao nhận thức về khuyết tật và thành lập mạng lưới hỗ trợ hòa nhập xã hội cho thanh niên khuyết tật, cung cấp các khóa đào tạo nghề cho thanh niên khuyết tật (làm bánh và pha chế; Thiết kế đồ họa và dán nhãn dữ liệu), vận động chính sách về dạy nghề và việc làm cho thanh niên khuyết tật.

Tăng cường năng lực nghề nghiệp cho người khuyết tật - Ảnh 2.

Bà Dương Thị Vân trao đổi về cơ hội và thách thức của mạng lưới òa nhập xã hội với người khuyết tật

Trao đổi về cơ hội và thách thức của mạng lưới hòa nhập xã hội với người khuyết tật, bà Dương Thị Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội, cho biết: Mạng lưới hòa nhập xã hội với người khuyết tật có nhiều thuận lợi như một số chủ doanh nghiệp là người khuyết tật đã tạo việc làm cho người khuyết tật và người không khuyết tật, một số trung tâm hướng nghiệp dạy nghề đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, hội người khuyết tật để cải thiện môi trường học tập và chương trình, giáo trình phù hợp, một số nhà tuyển dụng kiên trì với mục tiêu doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội, cải thiện môi trường và phối hợp với tổ chức của người khuyết tật hỗ trợ người khuyết tật thông qua dạy nghề và tạo việc làm.

Tuy nhiên, theo bà Dương Thị Vân, vẫn có nhiều thách thức với mạng lưới hòa nhập xã hội với người khuyết tật. Đó là, đã có một số mạng lưới, câu lạc bộ về việc làm cho người khuyết tật nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Một số doanh nghiệp và đơn vị sản xuất kinh doanh, trung tâm chưa sẵn sàng tham gia mạng lưới…

Đưa ra giải pháp về vấn đề này, theo bà Dương Thị Vân, mạng lưới có thể lựa chọn lĩnh vực hòa nhập của người khuyết tật, có quy chế và tạo nguồn lực. Tăng cường sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, trung tâm, trường hướng nghiệp và đào tạo nghề với các tổ chức của người khuyết tật và các tổ chức xã hội. Tăng cường đào tạo, tập huấn hòa nhập kiến thức, kỹ năng làm việc với người khuyết tật… và văn hóa doanh nghiệp. Thông tin phải dễ tiếp cận với người khuyết tật. Cần có cán bộ tư vấn chuyên trách về hướng nghiệp và việc làm cho người khuyết tật tại các doanh nghiệp, tổ chức Hội và mạng lưới.

"Bên cạnh đó, cần cập nhật các văn bản hỗ trợ người khuyết tật và doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ… Mạng lưới cần chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan để vận động và thực hiện các chính sách hỗ trợ các đơn vị phù hợp với thực tiễn của từng địa phương. Phối hợp hợp tác với các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và một số quỹ hỗ trợ vốn vay cho các đơn vị. Triển khai các khóa đào tạo kiến thức, kỹ năng cần thiết", bà Dương Thị Vân cho biết.

Tăng cường năng lực nghề nghiệp cho người khuyết tật - Ảnh 3.

Theo bà Hoàng Thị Thanh, rất cần sự phối hợp kiên trì đồng hành của gia đình trong vấn đề việc làm của người khuyết tật

Tham gia vào mô hình mạng lưới hỗ trợ hòa nhập xã hội cho người khuyết tật của Angels’Haven, công ty TNHH WE-EDIT Việt Nam có cả những thuận lợi và khó khăn. Bà Hoàng Thị Thanh, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH WE-EDIT Việt Nam cho biết, WE-EDIT Việt Nam có hơn 30% người lao động là người khuyết tật. Các thanh thiếu niên khuyết tật được tham gia các khóa đào tạo nghề đã có kiến thức cơ bản nên sẽ dễ dàng hơn khi vào doanh nghiệp tiếp cận những kiến thức nâng cao. Các bạn cũng dễ hòa nhập với môi trường làm việc và gắn bó với công việc. Tuy nhiên, do sức khỏe hạn chế nên năng suất của nhóm lao động khuyết tật thường không cao.

Kiến nghị về mô hình Mạng lưới hòa nhâp với người khuyết tật, bà Hoàng Thị Thanh cho biết, rất cần sự phối hợp kiên trì đồng hành của gia đình và sự tin tưởng của họ giành cho con em mình và cho các trung tâm hay doanh nghiệp. Vì tất cả các bên khác chỉ làm tốt và thành công khi bản thân người khuyết tật nỗ lực, quyết tâm vượt qua chính họ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm