Tăng cường tuyền truyền, nâng cao hiểu hiết để người dân không bị lừa bán

Ngân Hà
12/11/2022 - 07:27
Tăng cường tuyền truyền, nâng cao hiểu hiết để người dân không bị lừa bán

Phụ nữ vùng cao được phát tờ rơi tuyên truyền nâng cao hiểu biết về pháp luật. Ảnh: Đức Duẩn

Đã có nhiều giải pháp được triển khai để phòng chống tệ nạn mua bán người, tuy nhiên theo cơ quan chức năng, giải pháp căn cơ nhất vẫn là tăng cường tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân để không bị “sập bẫy” của tội phạm mua bán người.

Chỉ vì thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đã bị lừa bán sang bên kia biên giới, bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động hoặc ép làm vợ người khác.

Câu chuyện của những người phụ nữ được giải cứu

Trong nhiều năm nay, tỉnh Hà Giang vẫn được coi là một trong những "điểm nóng" về buôn bán phụ nữ và trẻ em. Trong các chuyến đi tới vùng biên giới cực Bắc của Tổ quốc này, với sự giúp đỡ của cán bộ Biên phòng, chúng tôi đã gặp rất nhiều nạn nhân bị buôn bán qua biên giới, trong đó có những em gái còn rất trẻ.

Tôi nhớ nhất là trường hợp em V.X người Mông ở xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc bị lừa bán khi mới 13 tuổi, may mắn được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Giang giải cứu về Việt Nam 2 năm sau đó.

Theo câu chuyện V.X kể lại, hôm đó em và người chị họ đi chợ Xín Cái thì gặp hai thanh niên, họ mời hai chị em đi chơi bằng xe máy. Sau đó cả hai bị đưa qua biên giới mà không hề hay biết gì. Các đối tượng trong đường dây mua bán người đưa họ đi sâu vào nội địa Trung Quốc và tách họ ra. V.X không biết người chị họ bị đưa đi đâu, còn em bị đưa đi xe khách đi 2 ngày đường tới một ngôi nhà nhỏ và phải làm vợ một thanh niên.

Khi tỉnh ra, biết chắc mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc, V.X hoảng sợ đến tột cùng. "Tới nhà cuối cùng, em biết là mình đã bị bán làm vợ người ta rồi. Trong đầu em nghĩ không biết tiếng, không biết đường làm sao mà trốn về Việt Nam được, chắc sẽ chết ở đây. Hôm nào em cũng khóc vì sợ hãi, vì nhớ nhà, nhớ mẹ. Lúc nào em cũng khóc và ân hận vì đã đi chơi với một người không quen biết để bị lừa bán" - V.X nhớ lại

Sau đó, V.X dần được nhà chồng tin tưởng, cho đi làm nương cùng. Em may mắn gặp một người Mông làm việc ở Trung Quốc và mượn được điện thoại gọi về nhà. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ Biên phòng Hà Giang, X.V đã miêu tả lại chỗ ở của mình. Trên cơ sở thông tin do V.X cung cấp, bộ đội biên phòng Hà Giang đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phối hợp với lực lượng chức năng Trung Quốc giải cứu V.X về đoàn tụ với gia đình.

Tăng cường tuyền truyền, nâng cao hiểu hiết để người dân không bị lừa bán - Ảnh 1.

Một phụ nữ may mắn được giải cứu trước khi bị bán sang bên kia biên giới. Ảnh: Văn Quang

Gần đây nhất vào cuối tháng 7/2022, bộ đội biên phòng Hà Giang đã giải cứu được Vàng Thị Ch. (sinh năm 1987, trú tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) bị lừa bán sang Trung Quốc. Ch. kể rằng được người quen  giới thiệu sang Trung Quốc làm việc với thu nhập cao. Thế nhưng khi đặt chân sang Trung Quốc, cô đã bị bán làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc".

Người quen mà Ch. kể, qua xác minh của trinh sát Biên phòng thực tế chỉ là một người "bạn facebook". Ch. kết bạn mà không biết rằng đây chính là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự và là một trong những đối tượng cầm đầu trong đường dây mua bán người sau đó bị bắt giữ.

Trước đó, vào năm 2020, chị Sùng Thị X. (sinh năm 2002, dân tộc Mông, cũng trú tại huyện Đồng Văn) cũng vì nhẹ dạ, cả tin mà chị X. bị kẻ xấu rủ sang Trung Quốc với chiêu trò "việc nhẹ, lương cao". Khi sang đến nơi, chị X. mới biết mình bị bán cho người khác làm vợ. Hơn một năm sau, chị X. quyết định bỏ trốn về Việt Nam và trình báo sự việc với Đồn Biên phòng Xín Cái (tỉnh Hà Giang) để được hỗ trợ giải quyết.

Tăng cường tuyền truyền, nâng cao hiểu hiết để người dân không bị lừa bán - Ảnh 2.

Bộ chỉ huy BĐBP Sơn La đã kịp thời phối hợp với các đơn vị bạn kịp thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ giải cứu thành công những phụ nữ bị các đối tượng xấu thực hiện ý đồ lừa gạt. Ảnh: Văn Quang

"Bẫy" việc nhẹ lương cao ở khắp mọi nơi

Không chỉ ở Hà Giang, ở khu vực biên giới Sơn La, rất nhiều người dân tộc thiểu số đã sập bẫy "việc nhẹ lương cao" và bị bán vào các sòng bạc, công ty ở Campuchia. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ trong vài tháng gần đây, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh - Bộ đội biên phòng Sơn La đã tiếp nhận đơn trình báo và giải cứu thành 9 công dân đều ở độ tuổi rất trẻ, bị lừa bán với "mồi câu" "việc nhẹ lương cao" như cháu gái Lò Thị L. và Vì Thị N. mới 14 tuổi.

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 15/8/2022, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh tiếp nhận đơn trình báo của ông Lò Văn Bóng sinh năm 1950 (ông nội của cháu Lò Thị L. - cháu mồ côi cha hiện ở cùng ông nội) và ông Vì Văn On sinh năm 1985 (bố đẻ của cháu Vì Thị N.) cùng trú tại bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La về trình báo hỗ trợ giải cứu hai cháu gái cùng sinh năm 2008.

Đơn trình báo của hai gia đình cho thấy, qua mạng xã hội facebook hai cháu có quen nick facebook Nguyễn Thanh Tuấn (Vô Thường), Tuấn giới thiệu sinh năm 2000, quê ở Vĩnh Phúc hiện đang làm ở Hà Nội. Trong quá trình làm quen và nói chuyện, Tuấn có rủ hai cháu đi Sài Gòn chơi và chuyển 1,2 triệu đồng cho cháu L. qua tài khoản lái xe để làm lộ phí đi đường.

Sau đó Tuấn đã hướng dẫn hai cháu đi TP Hồ Chí Minh, hẹn hai cháu đến nơi Tuấn sẽ ra đón và thanh toán mọi cước phí cho nhà xe. Ngày 13/8/2022, nghe theo lời rủ rê của đối tượng Tuấn, hai cháu L. và N. đã giấu gia đình bắt xe từ huyện Sốp Cộp ra thành phố Sơn La rồi tiếp tục đi xuống Hà Nội và đi vào TP Hồ Chí Minh.

Tăng cường tuyền truyền, nâng cao hiểu hiết để người dân không bị lừa bán - Ảnh 3.

Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, BĐBP Sơn La phối hợp với các lực lượng chức năng bàn giao các nạn nhân bị lừa bán được giải cứu cho gia đình. Ảnh: Văn Quang

Sau khi tiếp nhận tin báo, nhận định đây là thủ đoạn của tội phạm mua bán người nhằm lừa gạt những trường hợp nhẹ dạ, cả tin sau đó đưa sang Campuchia bán vào các sòng bạc,  Đồn Biên phòng Nậm Lạnh đã báo cáo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La, đề nghị chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ phối hợp điều tra, xác minh và đề ra các biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội của đối tượng kịp thời giải cứu hai nạn nhân.

Đến 15 giờ ngày 16/8/2022, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh và lực lượng nghiệp vụ cấp trên đã liên lạc được với cháu L. cùng nhà xe mà cháu L. và cháu N. đi. Đến 18 giờ ngày 16/8/2022, lực lượng Biên phòng ở phía Nam đã tiếp cận được hai cháu, đồng thời phối hợp với tổ chức "Rồng Xanh" (tổ chức Phi chính phủ chuyên hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán) hỗ trợ đưa hai cháu hồi gia.

Tăng cường tuyền truyền, nâng cao hiểu hiết để người dân không bị lừa bán - Ảnh 4.

Cán bộ Biên phòng Lai Châu tới nhà tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân biên giới. Ảnh: Đức Duẩn

Qua tiếp cận các vụ án kể trên, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các nạn nhân bị lừa bán đều rất trẻ, trình độ nhận thức còn hạn chế. Các nạn nhân đều rất nhẹ dạ, cả tin, dễ dàng kết bạn qua facebook với những đối tượng xa lạ. Sau đó, họ bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo, dụ dỗ và lừa gạt với những thủ đoạn, hình thức rất tinh vi. Trao đổi với chúng tôi, một trinh sát biên phòng cho biết, các đối tượng xấu có cả một bộ máy với nhiều chân rết, điều hành từ xa, lên lịch trình sẵn để đưa nạn nhân vào "tròng". Có nạn nhân trình báo với chúng tôi rằng được bạn bè rủ đi ăn uống, ngày hôm sau đã thấy mình ở đất Campuchia rồi.

Tuyên truyền lồng ghép giúp bà con nhận rõ các dấu hiệu, thủ đoạn mua bán người

Theo Trung tá Đinh Văn Quang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, để phòng chống tội phạm mua bán người, bên cạnh việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình địa bàn, quản lý đối tượng có dấu hiệu tội phạm, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân nhận biết thủ đoạn của bọn buôn người. Bởi khi người dân có hiểu biết, nhận thức đúng đắn sẽ nhận biết được các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo để từ đó tự mình tránh xa.

Bên cạnh đó, các gia đình cũng cần quan tâm, giáo dục, quản lý các mối quan hệ của con cái, để sớm nhận biết các dấu hiệu bất thường từ con mình nhằm có hành động can thiệp kịp thời.

Tăng cường tuyền truyền, nâng cao hiểu hiết để người dân không bị lừa bán - Ảnh 5.

Cán bộ BĐBP Lai Châu phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật nâng cao hiểu biết cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Đức Duẩn

Trung tá Đinh Văn Quang cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi đã cử cán bộ tới từng thôn, bản, phối hợp với trưởng bản, bí thư tuyên truyền tới bà con nhân dân những thủ đoạn, hình thức lừa đảo mà các đối tượng tội phạm thường xuyên sử dụng. Đồng thời, tham mưu cho chính quyền các xã trong địa bàn và Huyện ủy huyện Sốp Cộp tổ chức các đợt tuyên truyền lồng ghép tại cơ sở để bà con nhận rõ các dấu hiệu, thủ đoạn mua bán người của các đối tượng tội phạm.

Tăng cường tuyền truyền, nâng cao hiểu hiết để người dân không bị lừa bán - Ảnh 6.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, BĐBP Sơn La thường xuyên bám sát địa bàn, thăm hỏi, động viên trẻ em gái đi học đầy đủ, tránh kết bạn với người lạ dẫn tới bị lừa gạt. Ảnh: Ngân Hà

Thực tế, không ít học sinh bỏ học, bị dụ dỗ, lừa gạt đi làm "việc nhẹ, lương cao". Để hạn chế tình trạng này, chúng tôi đã và đang phối hợp với nhà trường tuyên truyền các dấu hiệu nhận biết tội phạm mua bán người cho học sinh. Thông qua các buổi học này, học sinh sẽ nắm được những dấu hiệu cơ bản để tự phòng tránh bị lừa gạt, dụ dỗ".


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm