Tăng 'đề kháng' trước cám dỗ

08/08/2018 - 16:53
Đừng đưa ra những thứ dễ cám dỗ trẻ như bánh kẹo, game online, đồ chơi... để dụ trẻ. Điều đó giống như con dao hai lưỡi, mới nhìn qua tưởng rằng mình đã đạt được mục đích. Tuy nhiên, trẻ chỉ hành động vì những cám dỗ trước mắt, lớn lên trẻ rất dễ bị mất phương hướng.
Chị Hà My (ở Q. Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Con gái tôi năm nay 8 tuổi, cháu thường không tập trung trong lúc học bài. Viết bài chính tả được một lúc, cháu lại chạy tới lấy bánh để ăn, sau đó ngồi vào bàn được mấy phút lại chạy đi lấy quyển truyện tranh để đọc. Dù tôi đã nhắc nhở nhiều lần rồi nhưng cháu đâu lại vào đó. Cháu rất hào hứng với đồ chơi mới nhưng cũng chỉ trong chốc lát là ngán ngẩm, lúc nào cũng vòi vĩnh cha mẹ mua cho cái mới vì cái tính “cả thèm chóng chán” của mình”.
 
Trong cuộc sống, ai cũng biết được rằng một người không có kỹ năng vượt qua cám dỗ thì không biết lúc nào nên làm gì, họ không biết khống chế tình cảm và hành vi của mình như thế nào cho phù hợp. Đồng thời, có được kỹ năng vượt qua cám dỗ, con người sẽ có tính tự chủ, độc lập cao, có chính kiến, ít chịu tác động của những hấp dẫn bên ngoài.
 
Một người muốn thành công thì phải có kỹ năng vượt qua cám dỗ cao. Quá trình hình thành kỹ năng này không chỉ là việc riêng của trẻ, mà cha mẹ cần giáo dục nghiêm túc ngay khi còn nhỏ.
 
Trẻ khó vượt qua được những cám dỗ vì đâu?
- Những cám dỗ của thế giới bên ngoài quá hấp dẫn, như: Internet, game online, phim hoạt hình, bánh kẹo, trò chơi, truyện tranh... Trong khi đó, nhận thức, kinh nghiệm sống của trẻ còn hạn chế, khả năng kiềm chế bản thân cũng còn non nớt nên trẻ khó vượt qua được những cám dỗ đó.
 
1-1-1.jpg
Không nên dụ trẻ bằng những thứ dễ cám dỗ như cho chơi điện thoại để trẻ thực hiện nghiêm những yêu cầu của cha mẹ

 

- Khá nhiều cha mẹ quá nuông chiều con. Mọi mong muốn, yêu cầu của trẻ hầu như đều được cha mẹ đáp ứng ngay tức khắc. Khi trở thành thói quen, trẻ sẽ định hình rằng chỉ cần mình thích là được. Trẻ cứ ngỡ điều gì mình muốn đều được cha mẹ thỏa mãn, nên ra sức đòi hỏi. 
        
- Mong trẻ thực hiện nghiêm những yêu cầu của mình, có bậc cha mẹ đã dụ trẻ bằng những thứ dễ cám dỗ đó. Chẳng hạn, con học bài xong mẹ sẽ cho chơi điện tử, hoặc con quét nhà cho mẹ, mẹ sẽ mua cho con bộ áo quần mới... Lâu dần, trẻ hành động chỉ để chạy theo những thú vui không thể cưỡng nổi đó.
 
Để sửa cho con khỏi tật xấu này cần có một quá trình, cần sự kiên trì, chịu khó trong quá trình đồng hành của cả trẻ và cha mẹ.
 
Rèn kỹ năng vượt qua cám dỗ cho trẻ càng sớm càng tốt
 
- Đưa ra những lời khích lệ trẻ kịp thời
Tâm lý trẻ khá nặng về tư duy cảm tính, rất dễ chịu với những tác động gần gũi, tương đối cụ thể và rõ ràng, mà khó chịu ảnh hưởng của những thứ chung chung và mơ hồ. Do đó, cha mẹ đừng nên nói với trẻ những lời răn đe kiểu lý thuyết hàn lâm, hãy dạy trẻ những lời nói, những việc làm cụ thể. Đặc biệt, hãy tránh những kiểu “mặc cả” với trẻ.
 
Đừng đưa ra những thứ dễ cám dỗ trẻ như bánh kẹo, game online, đồ chơi... để dụ trẻ. Điều đó giống như con dao hai lưỡi, mới nhìn qua tưởng rằng mình đã đạt được mục đích. Tuy nhiên, trẻ chỉ hành động vì những cám dỗ trước mắt, lớn lên trẻ rất dễ bị mất phương hướng.
 
Vì thế, để trẻ vượt qua được những cám dỗ, cha mẹ cần đưa ra những tiêu chí rõ ràng. Chẳng hạn, buổi sáng trẻ nên làm những việc nào, mục tiêu phấn đấu trong ngày ra sao; tuần này trẻ sẽ phải hoàn thành những việc gì... Khi trẻ hoàn thành mục tiêu đặt ra, hãy đừng tiếc lời khen ngợi và khích lệ trẻ. Nhưng nếu trẻ hoàn thành chưa tốt, cần có cách tác động nghiêm khắc để trẻ cố gắng.
 
 - Nhất quán trong hành động
Không chỉ trong học tập mà trong tất cả cuộc sống của trẻ, cha mẹ nên quan tâm để kịp thời phát hiện trẻ bỏ dở công việc đang làm để chuyển sang một việc khác hấp dẫn, nhiều cám dỗ hơn. Ngay lúc đó, vừa nhẹ nhàng, vừa nghiêm khắc cha mẹ nhắc nhở, đôn đốc trẻ làm xong công việc đang dang dở kia rồi mới chuyển sang làm việc khác.
 
Kể cả khi trẻ đang chơi hay vẽ những gì mình đang hứng thú, người lớn cũng không nên đặt trước mặt trẻ những đồ ăn, thức uống sẽ làm trẻ phân tâm và khó để rèn cho mình kỹ năng làm chủ trước những cám dỗ nhất thời.
 
- Bồi dưỡng hứng thú cho trẻ
 Hãy chọn ra một trong những sở thích của trẻ để dạy trẻ tính kiên trì. Điều gì trẻ cảm thấy hứng thú, yêu thích, chúng sẽ quyết tâm làm đến cùng, dù có những cám dỗ bên ngoài cũng không làm trẻ dao động. Trẻ còn “trẻ người non dạ” nên chưa đủ kinh nghiệm để giải quyết nhiều việc.
 
Điều đó khiến trẻ cảm thấy nản chí, khi có thú vui mới trẻ sẽ không ngần ngại chuyển sang việc mà chúng thấy mê hoặc hơn. Do đó, cha mẹ hãy gần gũi và cùng trẻ làm phung phú vốn hiểu biết của chúng lên. Khi kinh nghiệm đầy mình, trẻ cũng tự tin hơn trước những hấp dẫn nhất thời.
 
Quan tâm, khuyến khích, dành thời gian nói chuyện với trẻ, điều đó sẽ khiến trẻ cảm nhận được rằng bạn rất yêu thương chúng, từ đó làm cho trẻ có tính tích cực khi làm việc. Nếu cha mẹ thờ ơ, dửng dưng trước những việc mà trẻ đang cố gắng làm sẽ làm chúng cảm thấy thất vọng, sẵn sàng vứt bỏ việc đang làm, mà chạy theo những thứ dễ cám dỗ. Các bậc phụ huynh cần biết được rằng: Khi trẻ có được kỹ năng vượt qua cám dỗ, trẻ sẽ tự tin bước vào cuộc sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm