pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tăng doanh thu nhờ xác định và tập trung vào tệp khách hàng cốt lõi
Chị Nguyễn Phương Thảo chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho các ứng viên tham dự Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023” (khu vực phía Bắc) do Hội LHPN Việt Nam tổ chức
Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp của mình, chị Phương Thảo cho biết: "Ý tưởng bắt đầu từ năm 2018 và đến năm 2019, chúng tôi bắt tay vào triển khai. Tôi có một số vốn để khởi nghiệp nhưng khá "khiêm tốn". Tất cả đều bắt đầu từ con số 0, không có kinh nghiệm, không có xuất phát điểm để làm nông nghiệp, không hiểu về thị trường, marketing…
3 năm đầu là quãng thời gian chúng tôi vật lộn trong khó khăn. Tuy nhiên, quyết tâm biến thách thức thành cơ hội đã tạo động lực cho chúng tôi phát triển doanh nghiệp như ngày hôm nay. Đến thời điểm này, công việc kinh doanh đã bắt đầu có lãi và thương hiệu "Nguyên Khôi Farm - Thịt lợn tự nhiên" dần được khách hàng yêu mến".
- Bước qua những khó khăn, hẳn chị đã rút ra nhiều bài học cho mình?
Chị Nguyễn Phương Thảo: Như vừa chia sẻ, tôi là dân tay ngang, được đào tạo để trở thành cô giáo nhưng lại bước ra làm sản xuất kinh doanh, mỗi bước đi đều phải "trả giá". Khó khăn đầu tiên, đó là kiến thức về tài chính.
Khi bắt tay vào làm, chúng tôi không có một bản dự toán chi tiết, dẫn đến nhiều hậu quả sau này, ví dụ, chi tiêu quá so với dự tính ban đầu; tiêu hết tiền rồi mà vẫn chưa thấy có lãi, thậm chí còn phải đi vay để đầu tư, kéo theo áp lực rất lớn.
Rồi khi đầu tư trang thiết bị, tôi không ghi chép lại chi tiết từng món, nên khi làm ra sản phẩm, mình cũng chỉ tính giá ang áng mà không hạch toán được lỗ lãi.
Từ kinh nghiệm bản thân, tôi có lời khuyên dành cho chị em bắt đầu khởi nghiệp, đó là nên có hệ thống kế toán bài bản, thống kê chi tiết từng khoản đầu tư, chi vào việc gì, chi một đồng cũng cần ghi chép cẩn thận để hạch toán lỗ lãi và tính giá thành sản phẩm sau này.
Khó khăn thứ hai đó là không có kiến thức về xây dựng đội ngũ, từ đó chọn sai nhân viên. Khi khởi nghiệp, tôi rất ý thức được việc phải chọn người giỏi đồng hành cùng mình. Nhưng nhân viên giỏi không phải lúc nào cũng là người phù hợp và mang lại lợi ích cho công ty.
Thêm vào đó, công ty còn non trẻ nên chưa xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, dễ xảy ra tình trạng đặt mọi người chưa đúng vị trí, chưa khai thác được hết thế mạnh của từng người mà còn gây ảnh hưởng đến bộ máy vận hành. Nhìn được điểm yếu này, tôi đã tập trung vào thành lập một quy trình bài bản để hướng dẫn và quản lý nhân sự.
Giờ đây, khi có phát sinh vấn đề gì, tôi có thể rà soát và tìm ra được sai ở đâu, ở khâu nào để khắc phục, ngay cả khi không có lãnh đạo thì đội ngũ vẫn có thể vận hành một cách trơn tru.
- Nhiều phụ nữ đang chọn đường đi như chị, vừa sản xuất, vừa bán sản phẩm do mình làm ra. Chị có lời khuyên nào dành cho họ?
Chị Nguyễn Phương Thảo: Tôi nghĩ chị em cần trang bị thêm kiến thức về bán hàng và marketing. Hiện nay, có nhiều sách dạy các kỹ năng này, thiếu điều gì, chưa biết ở đâu thì có thể đọc, học hỏi. Thực tế, mình phải vừa làm, vừa học.
Là một doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa bán hàng, chắc chắn ai cũng mong muốn có thể làm hài lòng tất cả các khách hàng của mình. Tôi cũng vậy. Thời gian đầu, tôi luôn cố gắng đáp ứng tất cả các yêu cầu của khách hàng từ giá cả, chất lượng…
Nhưng dần dần, tôi nhận ra, mình không thể làm hài lòng tất cả. Tôi bắt đầu tập trung vào đối tượng khách hàng cốt lõi, mang lại nguồn doanh thu chính cho mình. Xác định được đối tượng mình cần phục vụ là ai để tập trung xử lý vấn đề tốt nhất và làm hài lòng tệp khách hàng của mình.
Từ khi xác định lại đối tượng khách hàng, doanh thu của chúng tôi đã ổn định và tăng trưởng. Từ đó công việc sản xuất và bán hàng đều vận hành hiệu quả.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!