Tăng tốc hoàn thiện bệnh án điện tử

Hoàng Nguyên
07/04/2025 - 17:35
Tăng tốc hoàn thiện bệnh án điện tử

Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh đã trang bị máy tính cho 100% thầy thuốc, nhân viên có nhu cầu - Ảnh: VGP/HM

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm chi phí, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho người bệnh… là những lợi ích mà việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử mang lại. Tuy nhiên, theo thống kê, hiện mới có 142/1.500 bệnh viện công lập và tư nhân trên toàn quốc triển khai thành công bệnh án điện tử.

Tiết kiệm hàng tỉ đồng mỗi năm nhờ bệnh án điện tử

Là một trong những bệnh viện đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm bệnh án điện tử từ tháng 9/2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã thay thế hoàn toàn bệnh án giấy, sử dụng bệnh án điện tử trong việc khám chữa bệnh. Lãnh đạo bệnh viện này cho biết, trước đây, việc ghi chép, lưu trữ bệnh án giấy (khoảng 80.000 hồ sơ mỗi năm) rất vất vả, tốn kém, đòi hỏi bệnh viện phải có kho lưu trữ rất lớn. Việc tìm kiếm lại các hồ sơ bệnh án khi cần thiết cũng mất rất nhiều thời gian, gây khó khăn và ảnh hưởng ít nhiều đến công tác quản lý, điều trị.

Mới đây, trong Chỉ thị số 07/CT-TTg về "Đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo", Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chỉ đạo, đôn đốc 100% các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử, hoàn thành trong tháng 9/2025.

Khi thực hiện bệnh án điện tử, mọi thông tin của người bệnh và kết quả khám, chẩn đoán đều được số hóa. Các chỉ định đều được làm trên phần mềm. Sau khi kết thúc lệnh, các khoa, phòng liên quan đều nhận được thông tin. Người bệnh chỉ cần di chuyển đến những vị trí theo chỉ định để được triển khai. Kết quả trả về cho các khoa cũng rất nhanh, thậm chí trước cả khi bệnh nhân quay lại phòng khám. Nếu người bệnh cần phải chuyển tiếp đến các khoa điều trị thì chỉ cần thao tác trên phần mềm là có thể được tiếp nhận ngay với đầy đủ thông tin, thay vì phải đợi bệnh án dày hàng trăm trang chuyển sang bàn giao. Với những ca bệnh khó, có thể lập tức thảo luận, hội chẩn liên khoa, kịp thời xử trí các tình huống bệnh lý chạy đua với thời gian. Đến nay, tại Phú Thọ, 18/18 bệnh viện, Trung tâm Y tế công lập tuyến tỉnh, huyện và 1 bệnh viện tư nhân đã triển khai thành công bệnh án điện tử, cơ bản bỏ bệnh án giấy.

Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết, từ tháng 11/2024, bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, thực hiện khám chữa bệnh toàn trình không dùng giấy tờ. Việc chuyển đổi sang bệnh án điện tử giúp tất cả thông tin về tình trạng sức khỏe, lịch sử bệnh lý và quá trình điều trị của bệnh nhân được lưu trữ và quản lý trực tuyến, giúp chẩn đoán, điều trị nhanh chóng, tăng cường tự động hóa, giảm sai sót, giảm thời gian, giảm chi phí. Chỉ riêng việc không in phim, không giấy tờ đã giúp Bệnh viện Bạch Mai tiết kiệm 100 tỉ đồng mỗi năm. Số tiền này tiếp tục được đầu tư nâng cấp cho hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số của bệnh viện.

Ưu tiên tháo gỡ điểm nghẽn

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan mới đây đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc triển khai bệnh án điện tử và sổ sức khoẻ điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID trước ngày 30/9/2025. "Lãnh đạo bệnh viện phải chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai bệnh án điện tử thành công và đúng tiến độ", Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị.

"Tôi bị bệnh đái tháo đường nên thường xuyên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để khám và lấy thuốc theo lịch hẹn của bác sĩ. Từ khi bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, các thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh được rút gọn. Người bệnh như tôi không còn phải tay xách nách mang giấy tờ khi đi khám, nên rất nhanh, tiện lợi. Các bác sĩ có nhiều thời gian thăm khám, tư vấn và giải thích cho người bệnh kỹ hơn".

Ông Nguyễn Quý Cường (thành phố Việt Trì, Phú Thọ)

Theo PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam, hiện nay mới có 142/1.500 bệnh viện công lập và tư nhân trên toàn quốc triển khai thành công bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy. Việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử ở các bệnh viện chưa đạt được yêu cầu theo lộ trình của Bộ Y tế quy định về thực hiện bệnh án điện tử. PGS.TS Trần Quý Tường phân tích, để thực hiện bệnh án điện tử trước ngày 30/9/2025, cần tập trung giải quyết các điểm nghẽn. Thứ nhất, lãnh đạo các cơ sở y tế phải quan tâm sâu sát đến bệnh án điện tử, quyết tâm vượt qua thói quen "cố hữu" để thực hiện số hóa bệnh án. Thứ hai, cần có cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin, định giá công nghệ thông tin trong giá thành dịch vụ y tế, xác định giá phần mềm lưu trữ và chuyển tải hình ảnh để đẩy mạnh phần mềm PACS trong bệnh viện. Thứ ba, cần có phần mềm bệnh án điện tử hoàn thiện. Tuy các công ty Việt Nam đã triển khai được các phần mềm này, nhưng nhiều cơ sở y tế còn lúng túng trong lựa chọn sử dụng phần mềm nào trên thị trường.

PGS.TS Trần Quý Tường đề nghị Bộ Y tế có chế tài xử phạt các bệnh viện không nỗ lực triển khai bệnh án điện tử và biểu dương những đơn vị đã hoàn thiện để tạo thêm động lực cho việc thực hiện bệnh án điện tử trước ngày 30/9/2025. "Bệnh án điện tử nói riêng và chuyển đổi số trong y tế nói chung sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời, hiệu quả".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm