Tạo "dấu ấn xanh" từ vỏ bao bì

An Khê
05/07/2025 - 09:18
Tạo "dấu ấn xanh" từ vỏ bao bì

Một buổi workshop hướng dẫn tái chế vỏ bao bì thành sản phẩm hữu ích. Ảnh: NVCC

Nhóm sinh viên trường Đại học FPT (Hà Nội) đã kiên trì từng bước truyền cảm hứng sống xanh bằng việc tái chế những vật liệu tưởng chừng như bỏ đi: Vỏ snack, bao mì tôm…

Sau một thời gian cùng nhau thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường đơn lẻ, một nhóm gồm 8 sinh viên đang học năm thứ hai trường Đại học FPT (Hà Nội) đã chính thức thành lập dự án "Dấu ấn xanh". 

Dự án là các hoạt động thu gom vỏ bao bì với khát vọng lan toả ý thức bảo vệ môi trường từ những điều nhỏ nhất. 

"Chúng mình quan sát thấy nhiều người vẫn có thói quen gom vỏ chai nhựa để bán ve chai nhưng với những loại bao bì như vỏ snack, mì tôm, hộp bánh kẹo… thì hầu hết bị vứt thẳng vào thùng rác. Không ai nghĩ rằng trong một gia đình, mỗi ngày có thể thải ra cả chục loại bao bì như thế. Thực tế đó đã thôi thúc chúng mình bắt đầu từ vỏ bao bì", bạn Phạm Đức Vượng, Trưởng Dự án, chia sẻ.

Không dừng lại ở lời kêu gọi, nhóm quyết định trực tiếp thu gom và tái chế những vật liệu tưởng như vô dụng thành sản phẩm thủ công như miếng lót cốc, móc khóa, vòng tay… để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.

Hiện tại, nhóm hoạt động chủ yếu tại 2 điểm thu gom: Trường Đại học FPT (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội) vào các ngày trong tuần và khu vực cuối đường Hàm Nghi (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào cuối tuần. Việc mở rộng địa điểm không dễ dàng. 

"Khi đặt vấn đề với các quán ăn, nhiều nơi ngại phiền phức, lo ảnh hưởng đến mỹ quan hay phải quản lý thêm rác thải. Còn với các địa điểm công cộng như công viên hay trường học, do chúng mình không phải tổ chức có tư cách pháp nhân nên khó xin giấy phép đặt thùng thu gom", Vượng kể.

Kinh phí cũng là một rào cản không nhỏ với nhóm. Từ thiết kế thùng rác, in ấn tài liệu đến chi phí vận chuyển, mọi thứ đều do nhóm tự xoay xở. Thế nhưng, thay vì bỏ cuộc, nhóm chọn cách kiên trì thuyết phục các quán ăn, ký túc xá, cửa hàng thân thiện, từ đó xây dựng mô hình mẫu để từng bước mở rộng.

Sống xanh bằng hành động

Không muốn dự án chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, nhóm sinh viên sớm triển khai các ý tưởng tái chế. Những chiếc bao bì được làm sạch, ép, cuốn và được đan thành vòng tay, đĩa đựng đồ, hộp đựng bút, đôi khi còn trở thành sản phẩm trưng bày trong các buổi workshop. 

Bên cạnh đó, nhóm kết nối với những cá nhân và tổ chức làm tái chế sáng tạo để học hỏi thêm kỹ thuật xử lý chất liệu. "Chúng mình muốn lan toả thông điệp sống xanh không chỉ qua lời nói mà bằng chính những sản phẩm tái chế từ rác thải", Trưởng nhóm nói.

Không cần sống xanh một cách hoàn hảo, chỉ cần mỗi ngày sau khi ăn xong một gói mì, uống một hộp sữa, đừng vứt vỏ bừa bãi. Hãy để chúng đúng nơi. Nếu ai cũng làm điều nhỏ đó, môi trường xung quanh chúng ta sẽ khác đi rất nhiều”.

Nhóm “Dấu ấn xanh”

Dự kiến thời gian tới, nhóm sẽ tổ chức triển lãm ngay tại trường của mình để giới thiệu sản phẩm tái chế, kết hợp workshop hướng dẫn làm đồ thủ công từ vỏ bao bì, tạo trải nghiệm gần gũi cho sinh viên.

Một trong những thách thức lớn nhất của nhóm đó chính là yếu tố con người. "Sinh viên học nhiều, chơi cũng hết mình. Nếu truyền thông không khéo, thông điệp sống xanh rất dễ bị bỏ qua", Trưởng nhóm Phạm Đức Vượng nói. 

Chính vì thế, nhóm chọn hướng truyền thông đặt câu hỏi thay vì hô hào. "Ăn xong gói snack, vỏ đi đâu? Nếu 100 bạn cùng bỏ vào thùng phân loại, điều gì sẽ khác?", những câu hỏi như thế xuất hiện trong các minigame, clip TikTok, bài đăng Facebook của nhóm. 

Hoạt động nhỏ nhưng hiệu quả, những buổi workshop, những sản phẩm thủ công được đón nhận không chỉ vì tính sáng tạo, mà vì thông điệp đi kèm. Điều mà nhóm kỳ vọng sau mỗi buổi triển lãm không phải là được khen đẹp mà là ai đó bắt đầu nghĩ khác về cách mình đang sống và tiêu dùng.

Có một kỷ niệm mà cả nhóm vẫn nhớ mãi, đó là khi họ đang mày mò làm sản phẩm tái chế đầu tiên tại trường, một cô lao công đi ngang qua, dừng lại nhìn rồi thốt lên: "Rác mà sao nhìn đẹp thế nhỉ!". "Chúng mình thật sự xúc động khi nghe điều đó và tin chắc, việc mình làm không nhỏ", một thành viên của nhóm chia sẻ.

Dù dự án chưa có nguồn tài trợ chính thức, nhóm vẫn kiên định với mục tiêu: Từng bước mở rộng hoạt động sang các trường đại học khác, rồi hướng tới các trường phổ thông để gieo mầm ý thức bảo vệ môi trường từ sớm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm