pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tạo giá trị gia tăng cho hải sản Quảng Ninh
Cơ sở sản xuất của chị Lê Thị Bích Thảo (tỉnh Quảng Ninh)
Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghề giò chả truyền thống, với quyết tâm mở rộng sản xuất với các sản phẩm chế biến sẵn, phục vụ nhu cầu sử dụng ăn liền, tiện lợi, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, chị Lê Thị Bích Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thảo Nguyên Quảng Ninh đã chọn hướng sản xuất ruốc thịt và các loại ruốc từ hải sản để tận dụng nguồn nguyên liệu hải sản tươi ngon dồi dào của Quảng Ninh.
Tốt nghiệp lớp trung cấp dạy nghề nấu ăn, chị bắt đầu khởi nghiệp với cơ sở sản xuất nhỏ. Sau hơn 5 năm khởi nghiệp, cơ sở ngày càng khẳng định thương hiệu uy tín và chất lượng.
Hiện nay, cơ sở có quy mô sản xuất 5.000 hộp/sản phẩm/năm với 10 sản phẩm bao gồm: Ruốc cơ trai, ruốc tôm, ruốc hải sản, ruốc hàu, ruốc cá cơm, ruốc bề bề, ruốc cá hồi, ruốc cá thu, ruốc mắm tép chưng thịt, ruốc thịt heo.
Trong đó, có 6 sản phẩm đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Ninh. Mới đây, chị Thảo cũng cho ra mắt sản phẩm "Ruốc cá thủy tinh (còn gọi là cá ngần) dành cho bà bầu và trẻ em" - là sản phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn chuyên sâu dành cho phụ nữ mang bầu và trẻ em.
Chị Bích Thảo chia sẻ: Trong quá trình sản xuất, chị luôn chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, từ khâu tuyển chọn nguyên liệu đầu vào, đến sơ chế, chế biến và thành phẩm. Với thuận lợi tìm được nguồn nguyên liệu hải sản dồi dào, tươi ngon từ vùng biển Vân Đồn, Cô Tô, chị đã nghiên cứu cách thức chế biến món ăn hấp dẫn, giữ được giá trị dinh dưỡng vừa học hỏi kinh nghiệm, kiến thức... để chế biến được các sản phẩm có hương vị độc đáo, góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho hải sản Quảng Ninh.
"Tôi cũng đang cùng các chuyên gia hỗ trợ, tư vấn tìm hiểu các công nghệ mới của nước ngoài, tiến tới hiện đại hóa dây chuyền sản xuất kể cả tự động hóa các công đoạn nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng các thị trường khó tính và hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Postmart...", chị Thảo chia sẻ thêm.
Từ vùng biển đảo, những sản phẩm mang hương vị khơi xa của chị Lê Thị Bích Thảo đã chinh phục được khách hàng tại nhiều thị trường: Cẩm Phả, Hạ Long, Móng Cái, Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) đến các tỉnh thành khác như Hà Nội, Hải Dương, tại các trạm dừng nghỉ du lịch ở miền Bắc và các hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh...
Hỗ trợ phát triển sản phẩm vùng xa và hải đảo
Nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, ngày 13/7/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1162/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2025 đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9%-11% hằng năm trong giai đoạn 2021-2025; phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Một trong những nội dung của Chương trình là xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế; phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử phục vụ phát triển thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Từ đó khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo như của chị Lê Thị Bích Thảo (tỉnh Quảng Ninh) phát triển, nâng tầm giá trị cho sản vật quê hương.