Tạo hóa đơn chuyển tiền giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

PV
14/04/2024 - 17:16
Tạo hóa đơn chuyển tiền giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Chiêu lừa đảo tạo hóa đơn giả đang diễn ra khá phổ biến

Cùng nhìn lại các tin tức nổi bật về lừa đảo trực tuyến trong tuần qua (từ ngày 8 đến 14/4/2024) với series "Điểm tin tuần" của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bằng hình thức chụp mã QR của các cửa hàng để tạo hoá đơn chuyển tiền giả, đối tượng Hạ Thị Ngọc đã nhiều lần thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong 2 ngày 5 và 6/4, Công an phường Cốc Lếu, TP Lào Cai nhận được đơn trình báo của hàng loạt loạt người dân về việc bị Hạ Thị Ngọc (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức tạo hóa đơn giả qua điện thoại để mua hàng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết, đối tượng Hạ Thị Ngọc đã chụp mã QR của các cửa hàng rồi gửi cho một người tên Hoài để tạo hóa đơn 2.000.000 đồng mua quần áo ở quán của anh Vũ Hoài Dương, tạo hóa đơn 650.000 đồng để trả tiền quán cơm của anh Đặng Văn Dương và tạo hóa đơn 1.000.000 đồng để mua ví của chị Hoàng Thị Thanh Hoa. Được biết đối tượng Ngọc quen Hoài qua mạng xã hội nên không biết chính xác Hoài là người ở đâu.

Tại cơ quan Công an, đối tượng khai nhận nhận do cần tiền tiêu xài nên Ngọc đã liên tiếp thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại nhiều cửa hàng trên địa bàn TP Lào Cai, đồng thời khai nhận đã nhờ 1 đối tượng tên Hoài làm hóa đơn chuyển tiền giả với tiền công là 70.000 đồng.

Sập bẫy "Hẹn hò online" người phụ nữ bị lừa gần 1 tỷ đồng

Ngày 8/4, Công an Hà Nội cho biết thời gian qua, đơn vị đã cảnh báo nhiều trường hợp khi tham gia hẹn hò online đã bị dụ dỗ đầu tư tài chính rồi bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng, có trường hợp lên tới hàng tỷ đồng.

Thủ đoạn của những người lừa đảo là tìm kiếm nạn nhân thông qua các ứng dụng hẹn hò trực tuyến được nhiều người sử dụng như Tinder, EzMatch, Litmatch, Hullo... và tạo các tài khoản với thông tin giả mạo. Sau khi kết bạn và tạo được mức độ tin tưởng, họ sẽ chuyển cuộc trò chuyện sang chủ đề tài chính, khuyến khích nạn nhân tham gia vào đầu tư tài chính đầy hấp dẫn. Thậm chí, đối tượng lừa đảo còn cho nạn nhân vào tài khoản của mình để nạn nhân nhìn thấy lợi nhuận và tự đề nghị cùng tham gia đầu tư.

Tạo hóa đơn chuyển tiền giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản- Ảnh 1.

Gần đây nhất, trường hợp của chị T (ngụ Hà Đông, Hà Nội) tham gia hẹn hò online và được một người nhắn tin, xưng hô là vợ chồng. Người này đã nhờ chị T đăng nhập tài khoản của đối tượng trên trang web: http://mexcglobali66.com để giao dịch mua chứng khoán để kiếm lợi nhuận.

Qua vài ngày đăng nhập, nhận thấy khoản lợi nhuận thu được cao, chị T đã nhờ “chồng hờ” dạy đăng ký để giao dịch mua chứng khoán. Chị T đã chuyển 914 triệu đồng tham gia đầu tư, nhưng sau đó số tiền này đã bị chiếm đoạt.

Chiếm đoạt hơn 90 tỷ bằng chiêu lừa bán điện thoại giá rẻ

Triệt phá đường dây “bán điện thoại chính hãng giá rẻ” lừa đảo khoảng 7.000 bị hại, chiếm đoạt hơn 90 tỷ đồng.

Công an Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 22 bị can về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; thu giữ 20 máy tính các loại, khoảng 3.000 điện thoại chất lượng kém, hàng giả là công cụ các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, cùng nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan.

Qua nắm tình hình từ các nạn nhân, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức lừa bán điện thoại di động giá rẻ trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Shopee, Lazada, TikTok, Tiki. Các đối tượng đăng tải hình ảnh của điện thoại thông minh chính hãng với giá rẻ hơn rất nhiều so với thực tế, chỉ dao động từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng, sau đó giao hàng là sản phẩm giả.

Tạo hóa đơn chuyển tiền giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản- Ảnh 2.

Tiếp đó, cơ quan điều tra xác định Đặng Thị Thêm và Lê Quang Vinh là mắt xích trong đường dây lừa đảo do Bùi Thị Hương (sinh năm 1981), trú tại khu biệt thự thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội là chủ mưu, cầm đầu.

Theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia (https://khonggianmang.vn)

Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, hãy gửi phản ánh về địa chỉ của trang Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (https://canhbao.khonggianmang.vn).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm