pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tập huấn nâng cao năng lực thực hiện quyền trẻ em cho đội ngũ cán bộ Hội
Quang cảnh buổi tập huấn
Ngày 4/12, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, thực hiện quyền trẻ em cho đội ngũ cán bộ Hội.
Tham dự lớp tập huấn có đại diện TƯ Hội LHPN Việt Nam, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), đại diện Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH), đại diện Hội LHPN thành phố Hà Nội.
Tại buổi tập huấn, gần 60 đại biểu được nghe báo cáo viên của Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) trao đổi các nội dung cơ bản về: Công ước Quốc tế về quyền trẻ em và Luật Trẻ em; kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, hướng dẫn giải quyết một số tình huống cụ thể về chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại địa phương; hướng dẫn quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại; Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111; giới thiệu, hướng dẫn triển khai một số mô hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em dựa vào cộng đồng.
Phát biểu tại buổi tập huấn, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1.012 vụ xâm hại, trong đó có 868 nạn nhân là trẻ em (chiếm 84,9%).
Trong các vụ xâm hại trẻ em, thủ phạm hầu hết lại là người thân, quen với nạn nhân, chưa có tiền án tiền sự, chưa nằm trong danh sách quản lý nghiệp vụ của lực lượng Công an, nên khi thực hiện hành vi, thậm chí thực hiện nhiều lần nhưng khó được phát hiện ngăn chặn.
Do tính nhạy cảm nên việc tuyên truyền rất khó, nhiều vụ việc nạn nhân và người thân không dám tố giác hoặc tố giác muộn, chấp nhận dàn xếp dẫn đến cản trở trong thu thập tài liệu chứng cứ.
Hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra nơi vắng vẻ, đặc biệt tại các vùng nông thôn sông nước, miền núi hẻo lánh thường được phát hiện muộn nên rất khó thu thập được chứng cứ.
Đại diện Cục Cảnh sát hình sự cũng đưa ra một số tình huống dẫn tới việc trẻ em bị dụ dỗ xâm hại tình dục. Và hướng dẫn trong các tình huống đó, bố mẹ, người thân, hàng xóm nạn nhân cần làm gì.
Hội nghị tập huấn là một hoạt động cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục và triển khai có hiệu quả Luật Trẻ em. Các nội dung được truyền đạt trong chương trình tập huấn được kỳ vọng góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ, hội viên Hội cơ sở trong quá trình thực hiện chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của trẻ em.