Tập thơ giá kỷ lục 550 triệu đồng

25/05/2016 - 06:55
Nhà sách Tân Việt vừa chi 550 triệu đồng để mua bản quyền tập thơ “Quà cho con” của Nguyễn Huy Hoàng. Đây là con số kỷ lục cho tác quyền của một tập thơ Việt từ trước tới nay.
img_2635.JPG
 Một bài thơ về kỹ năng ứng xử

Trong khi hầu hết các nhà thơ Việt Nam phải tự bỏ tiền túi in thơ, thơ in xong phần lớn mang tặng chứ không thể bán thì con số 550 triệu tiền tác quyền của Nguyễn Huy Hoàng đủ khiến người ta lên “cơn sốt”. Nhất là khi Nguyễn Huy Hoàng là một cái tên “vô danh tiểu tốt” trong làng văn và Quà cho con lại là tập thơ đầu tay của anh chàng sinh năm 1976 này.

Điều gì đã khiến cho Nhà sách Tân Việt – đơn vị kinh doanh sách có tiếng trong giới xuất bản Việt Nam với hệ thống gần 30 nhà sách khắp toàn quốc – lại quyết định chi số tiền khổng lồ như vậy cho một tập thơ?

Bà Nguyễn Kim Thoa, Phó Giám đốc Công ty Tân Việt cho biết: Quà cho con gồm 100 bài thơ tương ứng với 100 kỹ năng sống thiết yếu dành cho độc giả lứa tuổi thanh thiếu nhiên và nhi đồng. Đây là cuốn cẩm nang giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống bằng thơ đầu tiên ở Việt Nam.

“Chưa bao giờ thị trường xuất bản Việt Nam có một cuốn sách độc đáo đến thế” – bà Nguyễn Kim Thoa khẳng định. Với hình thức các bài thơ vui, mộc mạc, dí dỏm, dễ hiểu, dễ nhớ, Quà cho con được viết với mục đích giáo dục con trẻ toàn diện về nhân cách. 100 bài thơ là 100 bài học, từ những bài học nhỏ như cách ngồi, cách ăn uống, cách bắt tay, cách dùng điện thoại nơi công cộng… cho đến những bài học về giá trị sống như lòng tự trọng, lòng hiếu thảo, lòng dũng cảm…

5.jpg
Tác giả Nguyễn Huy Hoàng

Trong cuốn sách, Nguyễn Huy Hoàng không né tránh những vấn đề mặt trái của xã hội để con trẻ có cái nhìn toàn diện, nhiều chiều về cuộc sống. “Sách truyện thiếu nhi truyền thống thường ru trẻ trong giấc mơ cổ tích êm đềm, lý tưởng hóa cuộc sống bằng các câu chuyện có hậu, cái thiện luôn thắng cái ác, người tốt nhiều hơn kẻ xấu. Do đó trẻ dễ trở thành những chú gà công nghiệp khi bước vào đời hoặc nảy sinh tâm lý tiêu cực khi phải đối diện điều không mong muốn. Với cuốn sách Quà cho con, tác giả Nguyễn Huy Hoàng đã dám làm điều ngược lại truyền thống, dám nói thẳng, nói thật với con trẻ về cuộc đời nhiều bất công và trắc trở” – bà Nguyễn Kim Thoa nói thêm.

Cũng theo bà Nguyễn Kim Thoa, Nhà sách Tân Việt từng phải chi những khoản tiền tác quyền khổng lồ lên tới con số hàng chục tỉ cho các tác giả nước ngoài để nhập sách và xuất bản trong nước. Vì thế, dù phải bỏ ra hơn nửa tỉ đồng để mua bản quyền cuốn Quà cho con của Nguyễn Huy Hoàng, bà Thoa vẫn rất hân hoan vì “người Việt dùng hàng Việt”, người Việt chi trả tác quyền cho người Việt với giá trị cao. Điều này không chỉ hạn chế “nhập siêu” mà còn có ý nghĩa cổ vũ phong trào sáng tác, khích lệ các tác giả trẻ Việt Nam giàu ý tưởng, đam mê viết sách bắt tay vào công việc sáng tạo.

550 triệu đồng là một con số “khủng”. Nhưng theo tác giả Nguyễn Huy Hoàng, đó chưa phải con số lớn nhất nếu anh gật đầu hợp tác với những đơn vị khác. Thậm chí có một tập đoàn đã “dụ” anh với giá 2 tỉ. Nhưng sau khi xem xét các điều khoản đi kèm, Nguyễn Huy Hoàng quyết định “chọn mặt gửi vàng” cho Nhà sách Tân Việt. Một trong những lý do quan trọng là anh tìm được tiếng nói chung trong việc hướng tới cộng đồng của đơn vị xuất bản này.

kim-thoa.jpg
Bà Nguyễn Kim Thoa và nghệ sĩ Xuân Bắc - khách mời của buổi ra mắt sách "Quà cho con"

Có tập thơ được trả tác quyền hơn nửa tỉ, nhưng không vì thế mà Nguyễn Huy Hoàng ảo tưởng về tài năng thi ca của mình. Anh chàng hiện là trợ lý cho Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch này cũng tự nhận, nếu nói về chất lượng nghệ thuật thì tập thơ của anh “chỉ ở mức bình thường thôi”. Với anh, thơ chỉ đơn giản là nơi gửi gắm những thông điệp của mình tới trẻ nhỏ một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ thuộc.

Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ thêm, nếu xin các doanh nghiệp tài trợ sách rồi phát hành miễn phí cho độc giả, anh sẽ nhận được gấp nhiều lần số tiền Tân Việt trả. Nhưng anh muốn tác phẩm của mình được đánh giá qua thị trường. Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, nếu phát hành miễn phí, giá trị lan tỏa về tâm hồn sẽ không còn nhiều. Anh muốn trước hết những người làm mẹ, làm cha bỏ tiền ra mua sách cho con và trân trọng nó với giá trị thực. Sau đó, khi sách đã có tiếng vang trên thị trường, anh sẽ gửi tặng miễn phí cho trẻ em vùng cao trong dự án Quà cho con do anh khởi xướng và thực hiện.

Buổi họp báo và ra mắt sách Quà cho con sẽ được tổ chức tại Thư viện Hà Nội vào 14h30 chiều nay, ngày 25/5 với sự tham gia của các nghệ sĩ Trần Lực, Xuân Bắc, Vượng Râu, nhóm Ca trù nhí Thăng Long, diễn giả Sơn Lâm, MC Hồng Minh…

2.jpg
 


Trong Quà cho con, tác giả viết về một cuộc sống muôn hình vạn trạng như thế này: “Đôi khi không rõ thiệt hơn/ Có người đang khỏe gặp cơn hiểm nghèo/ Đang vui gặp hạn gieo neo/ Đang giàu phá sản thành nghèo tay không/ Cuộc đời cũng như dòng sông/ Nơi thì thẳng tắp nơi vòng quanh co/ Nơi làm bến đỗ con đò/ Nơi hun hút xoáy, sóng to, nước đầy”.

Hoặc khẳng định cuộc sống rất nhiều người xấu và cái xấu: “Thế gian có  kẻ hám tiền/ Vì tiền hại cả mẹ hiền cha yêu/ Vì tiền làm giả nói điêu/ Vì tiền bất chấp mọi điều xấu xa”; hay “Có quýt lại muốn có cam/ Con người luôn sẵn cái tham trong lòng”…

Có những điều được mặc định như là giá trị truyền thống cũng được tác giả Nguyễn Huy Hoàng lật lại, nói thật để trẻ sẵn sàng đối mặt: “Đừng bao giờ mong đợi/ Người khác yêu thương mình/ Mà hãy tự tôn vinh/ Trân trọng mình trước đã”, “Dù có quan hệ rộng/ Có rất nhiều bạn bè/ Nhưng lúc bị ngã xe/ Chỉ mình con đau đớn”; hay “Khi đời lắm kẻ dối gian/ Thì ta cần phải khôn ngoan với đời/ Chớ có mà vội tin người/ Nhất là ai đó buông lời ngọt ngon”, “Thế gian  có  kẻ dối lừa/ Cái gì chưa rõ thì chưa tin dùng”.

Rõ ràng tác giả nói thẳng nói thật không phải để dọa trẻ, mà để trẻ chấp nhận những tồn tại đó như lẽ đương nhiên bằng thái độ sống tích cực, nhân ái; để trẻ tránh bỡ ngỡ khi phải đương đầu với thử thách của cuộc sống thật; để trẻ đón nhận những khó khăn một cách chủ động, tự tin, dám  mạnh dạn vượt qua và vươn lên. Như trong bài “Chịu đựng và hi sinh” đã viết: “Khó khăn là chuyện bình thường/ Như xe đang chạy gặp đường mấp mô/ Dòng đời gian khổ đẩy xô/ Thường tình như thể thủ đô tắc đường”.

Đọc cuốn sách này, con trẻ sẽ không chỉ học được những kĩ năng ăn - nói  - gói - mở, mà quan trọng hơn, chúng sẽ biết nhiều điều về cuộc sống, hiểu được rằng sẽ chẳng có bà tiên hay ông bụt nào hiện ra để giúp chúng khi chúng khóc, chỉ có duy nhất một cách là phải kiên cường chịu đựng chờ giông bão đi qua: “Chịu khổ để luyện kiên cường/ Hy sinh để thấm tình thương vơi đầy/ Chịu đựng, kiên nhẫn dựng xây/ Vượt qua khó nhọc sẽ đầy vinh quang”; hoặc phải nắm bắt được cơ hội đến với mình chứ không thụ động chờ phép màu: “Cơ hội ở khắp mọi nơi/ Đừng ngồi đợi nó tự rơi vào đầu/ Mà phải “cuốc bẫm, cày sâu”/ Giao lưu học hỏi để câu nó về”.

Là một người hoạt động trong ngành quản lý văn hóa, tác giả không quên truyền tải hơi thở nóng hổi của cuộc sống thông tin, những vấn đề thời sự vào các bài dạy kĩ năng sống bằng thơ. Điển hình như bài Đừng nghiện internet với những vần thơ giản dị, “xì-tin”, dễ thuyết phục con trẻ: “ Mạng in-tơ-net –on-lai/ Con ơi đừng có chơi hoài nghe con/ Tâm hồn dần sẽ héo hon/ Sức khỏe sa sút chẳng còn bao nhiêu.”; hay “ Game, face đầu óc mỏi mòn/ Làm sao thư thái, ngủ ngon mỗi ngày/ Tán gẫu điện tử hăng say/ Làm cho ảo giác  lên thay chuyện đời.”; và khuyên rằng: “Con ơi nhớ lấy một lời/ Đừng bao giờ mải chơi bời, online/ Con đường phấn đấu còn dài/ Học hành chăm chỉ tương lại đợi chờ”…

Những vần thơ thẳng, thật và mộc mạc đó đúng như Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên nhận xét: “Có bài làm cho bạn giật mình vì sự chân thành, có bài cho bạn thêm động lực, ý chí và truyền sức mạnh tiến lên. Có những tình huống khó, chưa biết cách ứng xử thế nào, đọc Quà cho con có thể giúp bạn giải quyết dễ dàng hơn”.

Khi Nguyễn Huy Hoàng nhờ giáo sư Văn Như Cương bản thảo tập thơ, ông đã nhận xét: “Tôi rất tâm đắc khi đọc cuốn Quà cho con – món quà dạy kỹ năng sống cho trẻ em. Bằng những câu thơ giản dị nhưng thấm thía, tôi hy vọng rằng Quà cho con sẽ có mặt trong nhiều cặp sách học trò và trong tủ sách gia đình. Điều đó chỉ có lợi cho tâm hồn con trẻ chúng ta”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: “100 bài thơ với hơn ngàn câu thơ là những lời dạy con thật kỹ lưỡng, ân cần và đầy tình thương yêu. Tôi tin đó là một trong những cách dạy trẻ em có hiệu quả. Vần điệu hay nhạc tính của thơ vô cùng thích hợp để đi vào những tâm hồn thơ trẻ. Những bài học đạo đức đã được đời sống hóa một cách thiết thực và giản dị”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm