Tập trị liệu để làm chậm sự tiến triển của bệnh Parkinson

Bài, ảnh: An Khê
19/12/2022 - 22:58
Tập trị liệu để làm chậm sự tiến triển của bệnh Parkinson

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Lão khoa, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, thăm khám bệnh nhân

Theo bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Lão khoa Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, bệnh Parkinson thường có nguy cơ cao ở những người cao tuổi, tăng dần theo độ tuổi, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên. Xét về giới tính, nam giới có khả năng mắc bệnh Parkinson cao hơn nữ giới.
Nam giới có nguy cơ mắc cao hơn

Bệnh nhân Nguyễn Kim Phong (64 tuổi) ở Hà Nội vào bệnh viện do thường xuyên co cứng cơ, khó khăn về vận động, nuốt khó, nuốt sặc, nói khó do cứng cơ vùng hàm. Tại bệnh viện, ông đã được tập phục hồi chức năng toàn diện liên tục. Sau 2 tháng kiên trì luyện tập, sức khỏe và khả năng vận động của ông đã được cải thiện. Hiện ông đi lại, vận động dễ hơn, giảm đáng kể tình trạng nuốt sặc so với trước khi nhập viện.

Bà Trần Thị Đào (68 tuổi) được chẩn đoán Parkinson đã 10 năm với tiến triển điển hình về vận động, thăng bằng kém, các chức năng sinh hoạt phụ thuộc nhiều vào người trợ giúp. Sau quá trình điều trị phục hồi chức năng kết hợp duy trì thuốc nội khoa và tâm lý trị liệu, hiện bà Đào đã kiểm soát tốt thăng bằng, đi lại vững chắc hơn. Đặc biệt, bà Đào đã tự phục vụ bản thân trong ăn uống, tắm rửa, vệ sinh hàng ngày cũng như cải thiện giấc ngủ, cải thiện tâm lý, từ đó yên tâm hợp tác với thầy thuốc để cùng kiểm soát bệnh có hiệu quả.

Theo bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Lão khoa Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, bệnh Parkinson thường có nguy cơ cao ở những người cao tuổi, tăng dần theo độ tuổi, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên. Xét về giới tính, nam giới có khả năng mắc bệnh Parkinson cao hơn nữ giới. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh Parkinson như: tuổi tác, yếu tố di truyền, giới tính, tiếp xúc với độc tố. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trung bình cứ 100 người trên 60 tuổi có 1,6 người mắc bệnh.

Điều trị phục hồi chức năng

Ở giai đoạn sớm của bệnh Parkinson thường xuất hiện dấu hiệu đau cơ, co cơ, khó khăn thực hiện các động tác đơn giản, rối loạn chữ viết. Dấu hiệu đặc trưng về vận động của bệnh nhân là run khi nghỉ, cứng đờ, giảm vận động và rối loạn tư thế, nguy cơ té ngã cao. Dấu hiệu ngoài vận động như trầm cảm, rối loạn thần kinh thực vật, tiêu hóa, điển hình thường gặp là tình trạng táo bón.

Song song việc duy trì điều trị thuốc đặc hiệu kiểm soát triệu chứng ở bệnh nhân Parkinson giai đoạn sớm, cần điều trị phục hồi chức năng giúp bệnh nhân cải thiện và duy trì sự độc lập; ngăn ngừa sự tiến triển và rối loạn thứ phát do khiếm khuyết về vận động, tư thế, dáng đi, ngôn ngữ, khả năng nuốt. "Hiện nay, tại khoa Lão, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội đang điều trị nhiều bệnh nhân Parkinson có sự cải thiện rõ rệt các triệu chứng, thậm chí giúp làm chậm tiến triển của bệnh, đặc biệt về vận động", bác sĩ Việt Hà cho biết.

Cũng theo bác sĩ Việt Hà, ngoài duy trì điều trị bằng thuốc kết hợp phục hồi chức năng thì phẫu thuật kích thích não sâu đã được cân nhắc sử dụng cho bệnh nhân Parkinson giai đoạn nặng hoặc đáp ứng kém với thuốc.

Phác đồ phục hồi chức năng đối với bệnh nhân Parkinson bao gồm:

- Các bài tập vận động thụ động, vận động chủ động có trợ giúp, bài tập kéo giãn, tập luyện và gia tăng khả năng kiểm soát tư thế, thăng bằng tốt, chỉnh dáng đi với bước dài kết hợp vận động tay nhịp nhàng.

- Phương pháp kết hợp sử dụng bài tập trị liệu âm ngữ (LSVT Big), giúp làm chậm sự tiến triển của chứng giảm vận động trên bệnh nhân Parkinson. Phương pháp này bao gồm bài tập tư thế ngồi, bài tập di chuyển toàn thân theo nhiều hướng, đòi hỏi sự thăng bằng và phối hợp các động tác; bài tập vận động trong chức năng sinh hoạt hàng ngày, di chuyển gập gối xoay người, đưa người ra khỏi giường...

- Bài tập về vận động môi miệng, vận động lưỡi và ngôn ngữ dành cho những bệnh nhân có khó khăn về nuốt, thất ngôn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm