Qua 17 năm thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng.
Tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, là một trụ cột quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách mà Đảng và Nhà nước đã đề ra; xây dựng được mối liên kết tốt giữa cơ quan chính quyền với các tổ chức đoàn thể và người dân.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo, hộ chính sách, đồng bào tại nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, góp phần phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo, hạn chế tín dụng đen, tạo nguồn lực cho địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, nguồn lực dành cho tín dụng chính sách còn hạn chế; chất lượng tín dụng chưa đồng đều mặc dù nợ xấu thấp nhưng chỉ ở một vài chương trình và địa phương; mức cho vay còn thấp so với nhu cầu của người dân.
Trong thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Các cấp ủy đảng chính quyền xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo với tín dụng chính sách xã hội là một nhiệm vụ trong chương trình kế hoạch hoạt động thường xuyên, cần có các nghị quyết, chương trình hành động cụ thể, cân đối ngân sách để tăng ủy thác qua NHCSXH để cho vay. Nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng chính quyền trong việc củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trong công tác điều tra xác định đối tượng vay vốn, phối hợp với các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ.
Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung huy động nguồn lực, hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn tín dụng chính sách xã hội từ nay đến 2020 và giai đoạn 2021 – 2025: tập trung các nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào NHCSXH, đảm bảo cấp bù lãi suất, chi phí quản lý đầy đủ cho NHCSXH; tiếp tục ưu tiên, bố trí danh mục vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho hai ngân hàng chính sách; ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững của NHCSXH; Kế hoạch năm 2020 đến năm 2025 xem xét giao mức tăng trưởng tín dụng cho NHCSXH tối thiểu là 10%, phấn đấu tăng ở mức 12% - 14% như đối với hệ thống ngân hàng thương mại.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ có bảo lãnh phù hợp với tình hình quản lý nợ công và nhu cầu của chính sách tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, có cơ chế để NHCSXH tự huy động nguồn vốn trong xã hội để có thể kéo dài thời hạn cho vay, mở rộng hơn đối tượng vay vốn, cho vay các hộ có mức sống trung bình.
Các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục dành một nguồn vốn thích đáng để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn, hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho NHCSXH. Các tỉnh, thành phố ban hành chuẩn nghèo riêng cao hơn chuẩn nghèo quốc gia cần bố trí nguồn lực để cho vay theo tinh thần mỗi tỉnh phấn đấu bố trí ít nhất 100 tỷ đồng, đối với các tỉnh tự cân đối được ngân sách thì phấn đấu bố trí ít nhất 500 tỷ đồng, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu bố trí ít nhất 5.000 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH để cho vay.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu NHCSXH nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tập trung nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021-2030 phù hợp với Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam và Chiến lược tài chính toàn diện của Quốc gia: Củng cố nâng cao chất lượng hoạt động Hội đồng quản trị, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát, chú trọng đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và đời sống cán bộ NHCSXH; tiếp tục xây dựng mối quan hệ với tốt với các ngân hàng thương mại về duy trì số dư tiền gửi làm nguồn vốn thực hiện các chính sách cho vay với thời hạn dài, lãi suất thấp.
Quản lý an toàn, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn; tăng cường tính chủ động trong việc huy động vốn để có thể cho vay các hộ gia đình đã thoát nghèo, hộ gia đình có mức sống trung bình; nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị-xã hội; rà soát lại cơ chế ủy thác, trách nhiệm các bên liên quan cho phù hợp; tăng cường hoạt động các điểm giao dịch xã; đảm bảo hiệu quả hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; khẩn trương nghiên cứu, áp dụng công nghệ và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua Internet, thanh toán trên điện thoại di dộng, nhất là đối với khu vực nông thôn, miền núi để tiết giảm chi phí, đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng, giải ngân, thu nợ; tập trung xử lý nợ quá hạn, nợ khoanh để đảm bảo phát triển an toàn, bền vững, chủ động đề xuất với cơ quan thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách, xử lý nợ; hạn chế không để phát sinh nợ xấu mới.