Tết nơi ngôi nhà chung của trẻ mồ côi Sơn La

13/02/2018 - 09:09
Cũng gói bánh chưng, vui văn nghệ, đón giao thừa… như bao đứa trẻ bình thường khác, đó là cái tết rất đầm ấm của những đứa trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại tỉnh miền núi Sơn La.

Bánh tự gói, đào tự trồng

Chúng tôi có mặt ở Trung tâm bảo trợ xã hội Sơn La vào những ngày hối hả trước tết Mậu Tuất 2018. Đây là nơi sinh sống của 70 trẻ em mồ côi của tỉnh, trong đó có bé Tráng A Vư - cậu bé “xin cắt chân” từng được Báo Phụ nữ Việt Nam kết nối để giúp em được cứu chữa, lắp chân giả trước tai nạn lao động thương tâm lấy đi của em một bên chân trái.

Giữa tiết trời giá rét của miền núi, khi nhiệt độ xuống rất thấp, những đứa trẻ có lớn, có bé, cùng nhau chơi thể thao ngoài trời rất vui, sau một ngày học tập ở trường. Thật kinh ngạc là giữa mùa đông rét buốt này, vẫn có những em bé 4 - 5 tuổi chịu khó đi tắm, rồi vội vàng chạy về phòng mặc quần áo mà không hề cảm thấy rét là gì. Chắc các em đã quá quen với kiểu thời tiết khắc nghiệt của miền núi nơi đây.

111.jpg
Một thành viên của trung tâm vừa tắm và loay hoay mặc đồ giữa tiết trời giá lạnh ở Sơn La. Ảnh: D.H

Ông Lê Văn Thạch, Giám đốc Trung tâm, đón chúng tôi ở hội trường lớn, đã vội khoe ngay cành đào rừng tuyệt đẹp được đặt ngay ngắn ở góc sân khấu: “Cây đào của trung tâm trồng đấy, nhiều năm rồi, năm nay nụ nở rất nhiều nên tôi vừa cho chặt mang vào cắm ở hội trường cho có không khí. Thấy cành đào là thấy tết đến rất gần rồi!” - ông chia sẻ.

Là lãnh đạo trung tâm nhưng tất thảy mọi đứa trẻ đều gọi ông là “bố Thạch”. Gần 30 cán bộ nhân viên của trung tâm đều được các em ưu ái gọi là bố, mẹ rất thân thương. Nhiều bé không giữ kẽ gì với bố Thạch mà sẵn sàng sà vào lòng bố ngồi hoặc mách bố điều gì đó khi có bạn bè trêu.

222.jpg
Nụ cười rạng rỡ trên môi các em nhỏ bên cành đào tự trồng của trung tâm. Ảnh: D.H

“Phần lớn các cháu đều là trẻ mồ côi, trong đó 80% là các cháu người dân tộc Mông, ở các huyện biên giới. Cứ đến tết có khoảng 20 cháu được người thân đón về ăn tết, còn 50 cháu ở lại đây, được trung tâm tổ chức ăn tết rất vui vẻ, đầy đủ như một gia đình lớn!” - ông Thạch nói.

Theo lời cửa “bố Thạch”, 50 đứa trẻ từ độ tuổi 3 - 18 tuổi cùng nhau quây quần gói bánh chưng, gói đủ để làm sao mỗi cháu sẽ được 2 chiếc. Giò, thịt cũng được sắm rất đầy đủ. Đêm Giao thừa, các con cùng nhau diễn văn nghệ, những tiết mục đã được chuẩn bị từ trước đó. Trong dịp tết, rất nhiều cơ quan ban ngành trong tỉnh đến tặng quà, chúc tết và động viên các con.

“Trong dịp tết, chúng tôi chia ca trực, mỗi ca từ 8 đến 20 người lo cho các con mọi thứ, tổ chức ăn uống vui chơi, chơi thể thao… Nói thì ai cũng không tin, nhưng những cháu được người thân đón về ăn tết, khi quay trở lại trung tâm còn gầy hơn vì không ăn đủ bữa như ở đây” - ông Thạch bộc bạch.

Muôn vàn khó khăn

Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La hiện có 70 trẻ mồ côi - con số còn quá ít ỏi so với hơn 2.000 trẻ mồ côi toàn tỉnh. Hiện trung tâm đang được nâng cấp để tăng sức chứa lên 90 trẻ. Sắp tới còn xây dựng cơ sở 2 là nơi dành cho người già neo đơn, người có công, người khuyết tật…

Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm trung tâm, chị Dương Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc trung tâm - cho biết, những hạng mục cơ bản như nhà ở, bếp ăn, sân chơi… đều được trang bị tốt. Mỗi phòng ở có sức chứa 5 - 6 cháu, có công trình phụ riêng, rộng rãi sạch sẽ.

333.jpg
Cuộc sống bình yên những ngày cuối năm ở trung tâm. Ảnh: D.H

“Các cháu ở đây cơ bản là ngoan, luôn cố gắng phấn đấu và thương yêu chia sẻ với nhau rất nhiều. Như Tráng A Vư là một tấm gương, lúc đầu về đây còn nhút nhát lắm, nhưng sau mấy tháng cháu đã quen nơi ở mới. Bây giờ thì vui vẻ lắm rồi! Các bạn biết được hoàn cảnh đặc biệt của Vư nên thường giúp đỡ em như chở em đi học, giúp em trong sinh hoạt hàng ngày" - chị Huyền nói.

Hiện trung tâm có 9 cháu học trường nghề, đặc biệt có 2 cháu xuất sắc đỗ đại học, hiện theo học tại Học viện Cảnh sát nhân dân và ĐH Lao động thương binh và xã hội.

“Hiện tiền ăn của mỗi cháu khoảng 960.000 đồng/cháu/tháng, sinh hoạt phí thì mỗi cháu được thêm 20% tiền lương tối thiểu. Ngoài ra, có rất nhiều tổ chức cá nhân quan tâm, thậm chí hàng ngày còn có người đến tặng gạo, thực phẩm… chúng tôi rất ghi nhận những tấm lòng hảo tâm đó, giúp các cháu có cuộc sống tốt hơn”- chị Huyền chia sẻ thêm.

Mong muốn của những cán bộ nơi đây là được mở rộng quy mô để trung tâm đón nhận thêm nhiều trẻ mồ côi về tại mái nhà chung này. Để các con có cơ hội được sống, vui chơi, học tập và trưởng thành như bao đứa trẻ khác. Chúng tôi nhìn những đứa trẻ vô tư, đáng yêu nơi đây, cũng thầm mong các con sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, khẳng định mình và đạt được những ước mơ của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm