Thạc sĩ 3 năm không xin được việc vì nói ngọng

11/04/2017 - 10:07
Tốt nghiệp thạc sĩ tại một trường đại học có tiếng ở Hà Nội đã 3 năm nhưng chị L. không xin được việc làm. Chị không ngờ rằng tật nói ngọng đã khiến mình mất bao cơ hội có công việc tốt.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Oanh (khoa Phục hình hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TƯ) cho biết, ngọng là một biểu hiện phát triển ngôn ngữ không hoàn thiện thường thấy ở trẻ dưới 5 tuổi. Ngọng là do không nói được đúng một số âm hoặc trẻ tự thay thế những âm này bằng âm khác...

Cũng có trường hợp dù đã trưởng thành nhưng vẫn còn nói ngọng. Vì thế, công việc của họ bị ảnh hưởng đáng kể. Nhiều người luôn tìm cách né tránh những từ bị ngọng hay đôi khi là không muốn giao tiếp với người khác.
61d74d42-db2c-49a4-a5de-ff0dd994b7e6.jpg
Nhiều chị em mất cơ hội công việc tốt do nói ngọng
Từng công tác tại BV nhiều năm, bác sĩ Oanh đã chứng kiến nhiều trường hợp bị ngọng nên mất cơ hội việc làm, có người không dám yêu hay chỉ muốn tự tử chỉ vì nói ngọng.

Trong số những trường hợp đó, bác sĩ Oanh nhớ nhất là trường hợp chị Nguyễn Thị L. (Hà Nội). Cách đây 6 tháng, L. đã đến gặp bác sĩ nhờ sửa lỗi. Lúc này, bác sĩ Oanh mới biết, chị L. đã bảo vệ xong luận văn thạc sĩ tại một trường đại học có tiếng ở Hà Nội gần 3 năm nhưng không thể xin được việc. Khi hỏi, chị L. cho biết đi phỏng vấn ở đâu cũng bị đánh trượt.

Cuối cùng, một doanh nghiệp cũng nhận chị vào làm văn phòng với mức lương rất thấp. L. tìm hiểu thì được biết, công việc này chỉ cần làm trên giấy tờ, ít tiếp xúc với đối tác nên công ty mới tuyển.

Nhận thấy khuyết điểm của bản thân, L. phải cầu cứu các chuyên gia y tế để “sửa lỗi”. Đến nay, tình trạng “ngọng” của L. đã được cải thiện đáng kể.

Theo bác sĩ Oanh, không chỉ L., nhiều người bị nói ngọng sẽ có những biểu hiện thay đổi tâm lý như mặc cảm, sợ đám đông, ngại giao tiếp với bạn bè, cảm giác sợ hãi khi phải nói chuyện… Bác sĩ Oanh cho rằng, nói ngọng là do ở khe vòm miệng do không được phát hiện và điều trị sớm. Trong một số trường hợp, khe hở vòm chưa được đóng kín hoàn toàn do còn một khe hở ở vòm cứng hay vòm mềm.
 
"Trường hợp xấu nhất nếu tình trạng nói ngọng không cải thiện ngay cả khi đã theo các khóa luyện tập phát âm, cần đến bác sĩ tạo hình để kiểm tra và đánh giá tình trạng thiểu năng vòm hầu. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những rối loạn phát âm. Sau đó, bác sĩ sẽ quyết định có nên phẫu thuật chỉnh lại vòm hầu hay không", bác sĩ Oanh khuyến cáo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm