pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thái Bình: Sức bật mới từ mô hình “Phụ nữ phát triển kinh tế với trồng cây vụ đông”
Cánh đồng 50 ha trồng rau bí xanh, bí đỏ trải dài xum xuê hoa trái ở xã Đông Xá
Đến từng nhà vận động hội viên chuyển đổi cây trồng
Về xã Đông Xá hôm nay, dễ bị hút mắt với cánh đồng 50 ha trồng rau bí xanh, bí đỏ trải dài, xum xuê hoa trái. Cánh đồng này bắt nguồn từ mô hình "Phụ nữ phát triển kinh tế với trồng cây vụ đông" của Chi Hội phụ nữ thôn Đông Bình Cách, xã Đông Xá. Hội LHPN xã Đông Xá đang tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và các hộ dân tranh thủ thu hoạch nhanh diện tích lúa mùa đã chín, để kịp làm đất, gieo trồng cây vụ đông.
"Khi mới triển khai mô hình này, Chi Hội phụ nữ thôn Đông Bình Cách cũng gặp khó khăn do trước đó, các hộ dân chỉ quen canh tác diện tích nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả lại bấp bênh. Song để động viên hội viên, phụ nữ và các hộ dân bám đất, bám ruộng, hăng hái mở rộng diện tích gieo trồng cây màu vụ đông, Hội LHPN xã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí trong Ban thường vụ, Ban chấp hành Hội phụ trách các thôn đi vận động, tuyên truyền về mô hình mới"- chị Vũ Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Xá chia sẻ.
Những ngày đầu, chi Hội phụ nữ thôn Đông Bình Cách đến từng nhà hội viên, vận động chị em và các hộ dân trong thôn tham gia quy hoạch vùng để gieo trồng bí đỏ và bí xanh, xen lẫn các cây rau màu ngắn ngày khác, phù hợp chuyển đổi mùa vụ của từng loại rau màu. Hội LHPN xã còn tích cực tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, tổ chức họp chi Hội để hội viên hiểu rõ về lợi ích trồng cây bí đông sớm, giúp tăng sản lượng và giá thành sản phẩm.
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Xá, nhằm khuyến khích hội viên phụ nữ và các hộ dân tham gia mô hình "Phụ nữ phát triển kinh tế với trồng cây vụ đông", Hội LHPN xã phối hợp với HTX nông nghiệp, hỗ trợ 100% giống bí xanh, bí đỏ. Đồng thời, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho chị em, khuyến khích các hộ gia đình, hội viên tham gia trồng bí xanh, bí đỏ theo mô hình đã định. Hộ trồng ít thì khoảng 1 đến 2 sào, hộ nhiều hơn trồng từ 5 đến 6 sào. Thậm chí, có hộ trồng tới trên 1 mẫu bí xanh.
Hỗ trợ hội viên đảm bảo chất lượng và đầu ra cho sản phẩm
Hội LHPN xã Đông Xá còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn, hướng dẫn hội viên cách chăm sóc để cây ra hoa, tạo quả đạt tỷ lệ cao, cách phun thuốc trừ sâu hiệu quả, an toàn. Phổ biến tra hạt vào bầu, cách chăm sóc để cây bí ra quả nhiều lần, cách tỉa cành để quả to, đều, không bị cong, vẹo. Vì thế, số lượng quả bí đạt tiêu chuẩn xuất, bán ra thị trường thường đạt chất lượng gần 100%. Bình quân mỗi sào trồng bí xanh sớm, cho thu lãi từ 5 đến 6 triệu đồng/sào. Với tổng diện tích 50 ha trồng bí xanh, bí đỏ tại thôn Đông Bình Cách, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 625 tấn, thu nhập khoảng 2,5 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng cây lúa.
Bình quân mỗi sào trồng bí xanh sớm, cho thu lãi từ 5 đến 6 triệu đồng/sào
"Ngoài việc kết hợp với HTX trên địa bàn, kết nối với các công ty, các thương nhân đảm bảo đầu ra về bí xanh, bí đỏ cho hội viên phụ nữ, Hội LHPN xã Đông Xá còn tham mưu cho UBND xã khen thưởng cho những tập thể, cá nhân có diện tích gieo trồng nhiều. Riêng Hội luôn đề cao tinh thần gương mẫu của cán bộ Hội ít nhất trồng 2 sào/hộ; khen thưởng, biểu dương hội viên điển hình trồng cây vụ đông. Từ đó, nhân rộng mô hình đến các thôn khác trong toàn xã"- chị Vũ Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Xá cho biết.
Không chỉ triển khai hiệu quả Mô hình "Phụ nữ phát triển kinh tế với trồng cây vụ đông" tại thôn Đông Bình Cách, Hội LHPN xã Đông Xá còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên tuyền cho hội viên và các hộ dân trong toàn xã canh tác thêm nhiều giống rau màu khác như: su hào, bắp cải, súp lơ cho năng suất cao tại các thôn. Đưa diện tích trồng vụ đông của toàn xã đạt 180 ha.
"Năm 2023, toàn xã Đông Xá đạt sản lượng 2.250 tấn, thu nhập 9 tỷ đồng từ mô hình trồng cây vụ đông của xã. Vừa góp phần tăng thêm thu nhập, giải quyết việc làm lúc nông nhàn, lại giúp các gia đình hội viên và các hộ dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống"- chị Vũ Thị Hằng vui vẻ nói.
Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy xã Đông Xá, Hội LHPN xã phối hợp với các ban ngành đoàn thể và HTX nông nghiệp, tuyên truyền hội viên phụ nữ và các hộ dân tham gia vùng "Trồng lúa nếp Đài loan" tại thôn Đông Bình Cách, với tổng diện tích 10 ha chuyên canh lúa nếp Đài Loan (Trung Quốc). Từ khi triển khai vùng "Trồng lúa nếp Đài Loan" đến nay, Hội LHPN xã đã phối tổ chức được 10 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, chăm sóc lúa, sử dụng phân bón…, thu hút 1.000 lượt cán bộ, hội viên tham gia với phương thức vừa học, vừa thực hành để chị em dễ hiểu, dễ nhớ, mạnh dạn đi đầu tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Với sự tham gia của 30 hộ dân, trong đó có 28 hộ gia đình là hội viên phụ nữ, đã góp phần nâng tổng diện tích vùng "trồng lúa nếp Đài Loan" của xã Đông Xá là 10 ha. Chỉ riêng năm 2023, vùng lúa nếp này đạt 6,3 tấn thóc/ha, cho thu nhập gần 60 triệu đồng/ha.
Cùng với việc tham gia trồng cây vụ đông và trồng lúa nếp Đài Loan, Hội LHPN xã còn tích cực khai thác các nguồn vốn, giúp hội viên phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế. Hiện nay, Hội LHPN xã đang quản lý và điều hành trên 12 tỷ đồng vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp, Quỹ hỗ trợ phụ nữ Thái Bình, cho hơn 250 lượt hội viên vay.
Từ việc phát triển kinh tế hộ gia đình, đời sống hội viên được nâng lên, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế được Hội LHPN xã đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, Hội LHPN xã đã quyên góp giúp 3 gia đình hội viên bị tai nạn, ốm đau, đơn thân gặp khó khăn, với số tiền 5,5 triệu đồng và 20 ngày công. Hỗ trợ 4 hội viên phụ nữ vay vốn từ nguồn quỹ của chi Hội để phát triển kinh tế gia đình.
Đó cũng là điều dễ hiểu khi nhiều năm qua, phong trào và hoạt động của Hội LHPN xã Đông Xá luôn được cấp uỷ địa phương đánh giá là đoàn thể xuất sắc nhất. Hội LHPN xã đóng góp quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần xoá đói, giảm nghèo của địa phương xuống còn 1,4 %.