Thải độc bằng nước cốt chanh: Lợi bất cập hại

Bài, ảnh: Hoàng Nguyên
07/05/2025 - 16:33
Thải độc bằng nước cốt chanh: Lợi bất cập hại

Ảnh minh họa

Trào lưu uống nước cốt chanh khi bụng đói để “thải độc, chữa bách bệnh” đang lan truyền mạnh trên mạng xã hội. Nhưng theo các chuyên gia, không có cơ sở khoa học nào cho thấy chanh có thể làm được những điều ấy. Ngược lại, nếu sử dụng sai cách, người dùng rước họa vào thân.

Uống nước cốt chanh… tiêu tan bệnh tật

Mạng xã hội Tiktok, Facebook đang tràn ngập các chia sẻ, video hướng dẫn uống nước cốt chanh vào buổi sáng sớm khi bụng còn rỗng để thải độc, chữa dạ dày, giảm cân, điều hòa huyết áp, giảm đường trong máu và chữa… bách bệnh. Rất nhiều người đã làm theo trào lưu này, một số người còn uống với lượng lớn, từ vài quả đến hơn chục quả chanh với lượng nước cốt chanh đến 500ml mỗi lần...

Trang Facebook có tên N.V.T đã chia sẻ về quá trình trải nghiệm uống nước cốt chanh liều lượng cao vào buổi sáng lúc bụng đói: "Sáng ra làm cốc nước cốt chanh thấy thèm ngủ quá, ăn thì ngon ngủ thì kĩ, mà mỡ nội tạng thấy giảm đi nhiều, vợ con đau thượng vị mà giờ uống cốt chanh chả thấy kêu đau thượng vị nữa, từ hồi uống chanh thấy da ai cũng đẹp mềm và mịn".

Còn trang facebook có tên P.H nhận định, mỗi sáng ngủ dậy uống luôn một cốc nước cốt chanh có thể mang lại "điều vi diệu": khỏe mạnh, tiêu tan bệnh tật. Thậm chí, có người khẳng định sau khi uống 3 - 5 quả cốt chanh mỗi buổi sáng giúp tăng đề kháng, hết cả… đau mỏi vai gáy.

Giải thích về sự thần dược của cốt chanh, các "bác sĩ online" cho rằng, chanh khi vào cơ thể chuyển hoá thành kiềm và kiềm hoá cơ thế rất mạnh, giúp giảm lượng đường trong máu, điều hoà huyết áp, thậm chí chanh giúp chữa dạ dày và bảo vệ tiêu hoá rất tốt, còn giúp gan, thận, mật và đường ruột thải độc mạnh. Uống chanh lúc bụng rỗng không làm tổn thương đường ruột, còn kích hoạt tuyến tuỵ tiết ra hormone bicacbonat càng nhiều, chống oxy hoá, giúp trẻ lâu.

Rước họa vào thân

Tuy nhiên, cũng có nhiều người đã "gặp nạn" vì chạy theo trào lưu này. Không ít các trường hợp làm theo cách chữa bệnh online này đã bị đau dạ dày, đau thượng vị phải đi bệnh viện… "Tôi thấy trên mạng xã hội có nhiều thông tin uống nước cốt chanh khi bụng rỗng lúc ngủ dậy sẽ chữa được nhiều bệnh, trong đó có giúp thải độc, giảm cân, đẹp da nên đã làm theo. Nhưng chỉ sau 3 ngày uống cốt chanh, mỗi ngày một quả mà tôi đã bị đau thượng vị, phải dừng lại ngay"- chị Chu Phương Linh chia sẻ.

"Lợi chưa thấy đâu nhưng tôi thấy răng rất nhạy cảm, ê buốt khiến cho việc ăn uống kém hơn hẳn", chị Mai Đỗ thông tin.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: Trước hết, cần nhìn nhận vấn đề này một cách thận trọng và có cơ sở khoa học. Thành phần trong một quả chanh gồm vitamin C, axit citric, flavonoid và polyphenol và kali. Với thành phần này, chanh đem lại một số lợi ích như tăng cường đề kháng nhờ hàm lượng vitamin C dồi dào, nước chanh giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, hỗ trợ tiêu hóa do axit citric kích thích sản xuất enzym tiêu hóa, giúp giảm đầy hơi, khó tiêu. Vitamin C giúp hấp thụ sắt tốt hơn, đặc biệt có lợi cho người bị thiếu máu.

Tuy nhiên, nếu uống nhiều nước cốt chanh với mục đích thải độc, chữa dạ dày, giảm cân... là không có cơ sở khoa học. "Cơ thể chúng ta có cơ chế thải độc tự nhiên thông qua chức năng của gan và thận. Không có bất kỳ loại thực phẩm đơn lẻ nào, kể cả chanh, có khả năng thải độc hiệu quả theo cách mà các video trên mạng xã hội đang lan truyền", bác sĩ Mai cảnh báo.

Nước cốt chanh có tính acid rất cao. Đối với những người có vấn đề về dạ dày như viêm loét dạ dày, trào ngược acid, việc uống nước cốt chanh khi bụng đói sẽ càng làm tổn thương niêm mạc dạ dày, làm trầm trọng thêm các triệu chứng như ợ nóng, đau bụng, buồn nôn, có thể dẫn đến loét dạ dày nặng hơn, thậm chí dẫn đến chảy máu dạ dày nguy hiểm đến tính mạng.

Nồng độ acid cao trong thực phẩm có thể làm mòn men răng theo thời gian. Việc uống nước cốt chanh thường xuyên, đặc biệt là khi chưa ăn gì sẽ làm tăng nguy cơ men răng bị bào mòn, dẫn đến răng ê buốt, nhạy cảm.

Mặc dù chanh có chứa một số chất dinh dưỡng có lợi như vitamin C và chất xơ (trong tép và vỏ) nhưng nếu chỉ uống nước cốt chanh mà giảm cân là không có cơ sở. Việc giảm cân hiệu quả và an toàn cần một chế độ ăn uống cân bằng, kiểm soát calo và tập luyện thể dục thường xuyên.

Bác sĩ Ngọc Mai cho hay, cần phải ăn đúng cách với liều lượng vừa phải. Không nên dùng chanh khi đói bụng. Không sử dụng nhiều nước cốt chanh. Khi uống nên pha loãng và không nên thêm nhiều đường. Tỷ lệ 1/4 đến một nửa quả chanh với một cốc nước 200ml và một chút đường thường có hiệu quả mà không quá chua. Sử dụng nước ấm sẽ nhẹ nhàng hơn với dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa.

Để bảo vệ men răng, khi uống nước chanh nên dùng ống hút để giảm tiếp xúc trực tiếp nước chanh với răng. Nên súc miệng với nước lọc và không đánh răng sau khi uống nước chanh.

Đối với những người vốn đã có sẵn các vấn đề về dạ dày như viêm, loét hoặc trào ngược dạ dày - thực quản cần rất thận trọng khi sử dụng nước cốt chanh. Tuyệt đối không nên ăn chanh hoặc uống nước chanh khi bụng đói, tốt nhất nên uống sau khi ăn no khoảng 30 phút. Không nên uống nước cốt chanh đậm đặc mà cần pha loãng với nhiều nước ấm để giảm nồng độ acid.

"Người dân không nên tin vào những thông tin chưa có nghiên cứu khoa học kiểm chứng về tác dụng "thần kỳ" của một loại thực phẩm nào đó lan truyền trên mạng xã hội. Nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào hoặc muốn thay đổi chế độ ăn uống nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng".

Bác sĩ Đinh Trần Ngọc Mai

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm