Bà là người thôn Trà Phương, xã Thụy Hương (nay thuộc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), là mẹ vua Mạc Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên, bà nội của Mạc Mậu Hợp. Không rõ bà sinh và mất năm nào. Khi Mạc Mậu Hợp lên ngôi, bà được tôn là Thái hoàng Thái hậu.
Miếu thờ Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toản ở làng Trà Phương. |
Ở nước ta vào thế kỷ 16, sau thời kỳ bị Nho giáo lấn át, đến thời Mạc, Phật giáo lại hưng thịnh. Trong số những người có công lớn cho công cuộc chấn hưng này, bà Vũ Thị Ngọc Toản là người nổi tiếng nhất.
Có thể nói, bà là người dốc toàn tâm toàn ý cho việc tu sửa xây dựng chùa chiền trong khắp các vùng do nhà Mạc cai quản. Bà đã cúng cả thảy trên dưới 30 mẫu ruộng và 6.000 lá vàng cũng không biết bao nhiêu bạc tiền cho trên chục ngôi chùa như: Chùa Linh Cảm ở Tiên Sơn, Bắc Ninh (1577); chùa Thiên Phúc, chùa Bà Đanh, chùa Phổ Chiếu, chùa Trúc Am ở Kiến Thụy, Hải Phòng (1562, 1563, 1579, 1589); chùa Sùng Quang ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng (1587); chùa Hoa Tân, chùa Linh Sơn ở An Lão, Hải Phòng (1582, 1583); chùa Minh Phúc, chùa Hà Lâu ở Tiên Lãng, Hải Phòng (1572, 1589); chùa Thiên Hựu ở Nam Sách, Hải Dương (1571); chùa Bảo Phúc ở Yên Hưng, Quảng Ninh (1572)...
Ngoài ra, bà còn mở chợ cho xã Cẩm Khê, làm cầu cho xã Quảng Khê ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Với những công lao như vậy, bà được dân gian xưng tụng là Phật sống trên trần gian, tiếng tăm lừng lẫy. Cho đến nay, trong dân gian vẫn có câu “Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa” (họ Mạc gốc ở làng Cổ Trai, chỉ cách Trà Phương vài dặm). Nhiều làng tạc tượng thờ bà làm hậu Phật. Hiện nay tại chùa Thiên Phúc ở làng Trà Phương quê hương bà vẫn còn pho tượng vua nhà Mạc và Hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản tạc bằng đá xanh, tuy không lớn lắm nhưng là những tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp.
Lễ cung nghinh tượng Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản ra cổng Vũ Tổ Đường, họ Vũ ở Trà Phương. |
Nguyên chùa Thiên Phúc ở quê hương bà được xây dựng từ thời Lý, sau khi bà cho trùng tu đã được mở rộng với quy mô khá lớn, trở thành một trung tâm Phật giáo của xứ Đông. Gác chuông trên tam quan treo một chiếc chuông lớn, sớm chiều tiếng chuông vang xa cả trăm dặm.
Hiện chùa Thiên Phúc vẫn còn và đã được trùng tu. Cho đến nay dân trong vùng vẫn truyền nhau rằng bà rất thiêng, nếu thành tâm cần khẩn đều được ứng nghiệm.