pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thái Nguyên: Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Nông dân tỉnh Thái Nguyên đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành vượt mức, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Đây là nền tảng vững chắc để Sở NN-MT tiếp tục đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho giai đoạn 2025 - 2030, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững và nông thôn mới hiện đại.
Là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về nhiều lĩnh vực quan trọng như nông lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn, đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường, đa dạng sinh học, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Sở NN-MT đóng vai trò then chốt trong sự phát triển toàn diện của tỉnh.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ Sở đã lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp như đất đai và tài nguyên khoáng sản. Với sự thống nhất, đoàn kết, chủ động và sáng tạo, toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động của Sở đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công tác phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được Đảng bộ Sở lãnh đạo, chỉ đạo một cách hiệu quả.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất trồng trọt đã có sự chuyển biến tích cực, hiệu quả về cơ cấu mùa vụ, cây trồng và sản phẩm. Các cây trồng thế mạnh, sản phẩm chủ lực được tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả. Đặc biệt, cây chè là điểm sáng với diện tích, sản lượng và giá trị sản phẩm trà của tỉnh hiện đang đứng đầu cả nước.

Cây chè là điểm sáng của tỉnh Thái Nguyên với diện tích, sản lượng và giá trị sản phẩm trà của tỉnh hiện đang đứng đầu cả nước.
Ngành chăn nuôi quy mô trang trại đã phát triển mạnh mẽ, dần thay thế hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ ở các hộ gia đình. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và xây dựng chuỗi liên kết giá trị, năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi đã được nâng cao, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người chăn nuôi.
Trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường, công tác quản lý đất đai luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững.
Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tiếp tục được tăng cường, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của tỉnh. Công tác quản lý tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, quản lý và bảo vệ môi trường được chú trọng, nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân.

Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu tổng giá trị sản phẩm từ cây chè đạt 25 nghìn tỷ đồng.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Sở NN-MT đã đạt được nhiều thành tựu ấn tương. Cụ thể, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 3,8%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra là 3,5%/năm. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2025 đạt trên 46%, hoàn thành chỉ tiêu từ 46% trở lên. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh năm 2025 đạt 98%, đạt chỉ tiêu đề ra.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,15%/năm, vượt chỉ tiêu từ 1% trở lên. Năm 2025, tỉnh Thái Nguyên có 95,04% số xã đạt chuẩn NTM và 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu đề ra.
Những kỳ vọng cho nhiệm kỳ mới
Phát huy những thành quả đã đạt được, Đảng bộ Sở NN-MT đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể cho nhiệm kỳ 2025 - 2030, hướng tới sự phát triển bền vững và toàn diện hơn nữa như giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4%/năm. Đến năm 2030, tổng giá trị sản phẩm từ cây chè đạt 25 nghìn tỷ đồng.
Ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 60% trở lên. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt yêu cầu theo loại đô thị tương ứng đạt 70%.
Tỉnh Thái Nguyên cơ bản không còn hộ nghèo, 52% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 13% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.