Ngày 23/9, bác sĩ Nguyễn Ngọc Ban, khoa Điều trị hóa chất (Viện Huyết học - Truyền máu TƯ), cho biết, sau 11 năm điều trị ung thư máu, bệnh nhân Nguyễn Thị Thanh Hồng (35 tuổi, Nam Định) đã sinh con khỏe mạnh.
Trước đó, năm 2008, khi mới 24 tuổi, thai phụ được chẩn đoán bị ung thư máu mạn tính (bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt). Nhận được hung tin, chị và gia đình rất sốc. Sau đó, thai phụ được đưa đến Viện Huyết học - Truyền máu TƯ điều trị.
Tại BV, các bác sĩ đã áp dụng phương pháp mới nhất để điều trị cho bệnh nhân, trong đó, có hỗ trợ sử dụng thuốc điều trị nhắm đích. Các bác sĩ cho biết, đây là một trong những loại thuốc điều trị ung thư máu mạn tính tiên tiến trên thế giới, thuốc sẽ tấn công trực tiếp và sửa chữa các đột biến di truyền nhiễm sắc thể gây bệnh, giúp người bệnh không phải truyền hóa chất và có cuộc sống gần như người bình thường trong một khoảng thời gian dài so với các bệnh ung thư khác. Nhờ đó, sức khỏe của chị Hồng dần dần ổn định.
Khoảng 6 năm trước, bệnh nhân kết hôn. Đến cuối năm 2018, bất ngờ chị phát hiện mang thai. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết, nếu giữ lại thai, có thể tính mạng của mẹ và em bé đều không giữ được, có thể chị sẽ chuyển từ ung thư máu mạn tính sang cấp tính. Khi đó, tiên lượng sẽ rất xấu, điều trị khó đáp ứng.
Tuy nhiên, với khát khao được làm mẹ, sản phụ quyết định không bỏ thai và dừng uống thuốc điều trị nhắm đích. Khi ngừng thuốc mới được 3 tuần, các chỉ số bạch cầu và tiểu cầu đều tăng vọt, nguy cơ tắc mạch máu cho cả mẹ và con (tắc mạch ối) rất cao. Sản phụ phải nhập viện và nằm viện gần như liên tục kể từ đó.
Suốt 9 tháng sau đó, các bác sĩ phải liên tục theo dõi. Nhiều thời điểm bạch cầu, tiểu cầu tăng cao mà không được dùng thuốc, BV đã dùng tất cả các biện pháp khác với hy vọng bệnh không tiến triển. Khi thai được 38 tuần, sản phụ được chỉ định mổ lấy thai. Em bé được lấy ra khỏe mạnh, trong niềm hạnh phúc của gia đình 2 bên. “Cuộc đời tôi bước sang trang mới, sống có ý nghĩa hơn”, chị Hồng chia sẻ.
Theo bác sĩ Ban, ở góc độ chuyên môn, các y bác sĩ không khuyến khích người bệnh sinh con. Nhưng với trường hợp của sản phụ Hồng, các bác sĩ rất đồng cảm vì bệnh nhân bị bệnh từ lâu. Vì thế, khi bệnh nhân quyết tâm để được làm mẹ thì các y bác sĩ cố gắng hết sức để chị được mẹ tròn con vuông.