Thảm họa nắng nóng đe dọa cướp đi sinh mạng nhiều người châu Âu
01/07/2019 - 14:46
Nắng nóng đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân ở phần lớn “Lục địa già”. Mặc dù mới là đầu hè song đợt nắng nóng dữ dội đang hoành hành ở châu Âu được dự đoán có thể khiến hàng nghìn người tử vong, chủ yếu là người cao tuổi, người có vấn đề về sức khỏe… do chưa kịp thích nghi với nhiệt độ thay đổi bất thường sau dịp đông xuân.
Người dân châu Âu đang oằn mình chống chọi trong “chảo lửa” khi nhiệt độ tăng lên trên mức hơn 40 độ C trên diện rộng. Nguyên nhân là do các luồng khí nóng sa mạc tại Tây Ban Nha và Sahara tràn về. Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, đợt nắng nóng đang thiêu đốt châu Âu có thể cướp đi sinh mạng hàng nghìn người. Chuyên gia khí tượng Tây Ban Nha Silvia Laplana mô tả thời tiết những ngày tới ở khắp châu Âu sẽ không khác gì địa ngục, trong khi nhà khí hậu học Stefan Rahmstorf tới từ Đại học Potsdam (Đức) khẳng định nhiệt độ cao là kẻ giết người thầm lặng. Cơ quan Khí tượng quốc gia Pháp cảnh báo, tần suất của các đợt nắng nóng bất thường như trên có thể "tăng gấp 2 lần vào năm 2050" và nếu không có các biện pháp cắt giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, chúng có thể trở nên gay gắt và kéo dài hơn.
Người dân châu Âu vẫn còn ám ảnh về đợt nóng lịch sử năm 2003. Lúc đó, đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài trong 2 tháng 7,8 khiến 70.000 người trên toàn châu Âu thiệt mạng, trong đó có 15.000 người Pháp. Hiện bản đồ nền nhiệt châu Âu được mô tả là rất giống biểu tượng của thần chết. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhận định, 2019 là một trong những năm nắng nóng nhất lịch sử và giai đoạn 2015 - 2019 là cao trào tính theo chu kỳ 5 năm. WMO cũng liên hệ đợt nắng nóng ở châu Âu hiện nay trực tiếp với hiệu ứng của khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Gần 1.400 vụ cháy rừng đã xảy ra ở châu Âu trong năm 2019, cao gấp nhiều lần so với 174 vụ của trung bình 10 năm qua. Nguy cơ cháy rừng càng tăng cao trong đợt nắng nóng sắp tới.
Theo các nhà khí tượng học, mức nhiệt cao nhất được ghi nhận ở khu vực Tây và Trung Âu. Dựa trên kết quả mô phỏng máy tính về cường độ nhiệt, nhà khí tượng học Phần Lan Mika Rantanen cho rằng đợt nắng nóng đang quét qua nước Pháp là chưa từng có trong lịch sử. Tại Pháp, 65 tỉnh ban bố cảnh báo ở mức độ da cam - mức thứ hai trong thang bậc bốn mức cảnh báo về nắng nóng của Cơ quan Khí tượng quốc gia Pháp. Nhiệt độ ở nhiều nơi sẽ tăng lên hơn 40 độ C, có nơi lên 47 độ C. Nắng chói chang cả ngày, nhiệt độ hừng hừng cả đêm đã dẫn đến cháy rừng. 700 lính cứu hỏa và 10 máy bay chuyên dụng được huy động mới dập tắt được khu vực cháy rộng 600ha ở vùng Gard phía Nam nước Pháp.
Pháp đã giới thiệu một hệ thống cảnh báo và theo dõi nóng sau đợt nóng dài và chết chóc hồi tháng 8/2003 - thời điểm khoảng 15.000 người chết vì nóng trong khi nhiều người lớn tuổi phải sống trong những căn hộ oi bức không có máy điều hòa. "Như các bạn đã biết, vào những thời điểm như thế này, người bệnh, phụ nữ mang thai, trẻ em và người già là những người dễ bị tổn thương nhất. Do đó, chúng ta phải cảnh giác cùng họ và có các biện pháp đề phòng để sẵn sàng can thiệp nhanh nhất" - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói.
Trên các phương tiện truyền thông, Bộ Y tế Pháp khuyến cáo người dân, nhất là người già và trẻ em, uống nước thường xuyên, sử dụng điều hòa nhiệt độ, có các biện pháp bảo vệ da, tránh các hoạt động thể chất, tránh đi ra ngoài vào giờ cao điểm nắng nóng nếu không cần thiết.
Cơ quan dự báo thời tiết các nước Bỉ, Czech, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ cũng khuyến cáo người dân tránh ra ngoài vào buổi trưa, chiều, uống nhiều nước và hạn chế lao động giữa trời nắng gắt. Trung tâm Dịch vụ thời tiết Đức (DWD) dự báo, nhiệt độ tại Đức trong tuần này có thể vượt qua mức 38,5 độ C của tháng 6/2018 vốn đã phá kỷ lục tồn tại suốt từ năm 1947. Đợt nắng nóng ở Đức năm 2018 cũng đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người. Nắng nóng khiến nguy cơ cháy rừng ở Đức lên mức báo động. Mặt đường tại Đức có dấu hiệu bị hư hỏng do một số tuyến đã nở ra do nhiệt độ quá cao, sau đó vỡ tung giống như hiện tượng “nổ bong bóng”. Đức đã cho đóng cửa một số tuyến đường vì lý do an toàn. Theo một thống kê của các chuyên gia khí tượng ở Đức, 5 mùa hè nóng nhất trong lịch sử châu Âu từ năm 1500 tới nay đều diễn ra ở thế kỷ 21 (2018, 2016, 2010, 2003, 2002) làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng này sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn nữa trong tương lai.
Tây Ban Nha ban bố tình trạng khẩn cấp về thời tiết tại 40 trong tổng số 50 vùng toàn quốc. Cơ quan khí tượng nước này xác định có 7 vùng nhiệt độ nguy hiểm, tập trung chủ yếu ở phía Đông Bắc nơi có thể lên đến 43,3 độ C. Cháy rừng tuy ở mức độ nhỏ nhưng lại xảy ra ở Đông Bắc gần phía Nam và miền Trung nước này, với tổng diện tích khoảng 1.700ha. "Địa ngục đang đến gần", chuyên gia khí tượng Silvia Laplana chia sẻ từ Tây Ban Nha, nơi nhiệt độ tại một số khu vực như thung lũng Ebro, Tagus, Guadiana và Guadalquivir đạt mốc 42 độ C.
Tại Italy, trung tâm tài chính Milan ghi nhận số trường hợp nhập viện do các bệnh gây ra bởi thời tiết nắng nóng tăng 35% và ít nhất 3 người ở các khu vực miền Bắc đã tử vong.